Chủ động phòng ngừa tội phạm trộm cắp tài sản cuối năm

Chủ Nhật, 13/01/2019, 10:21
Theo quy luật, tội phạm, nhất là tội phạm TCTS thường có diễn biến phức tạp vào dịp cuối năm và Tết, các đối tượng TCTS dễ bề hoạt động với các phương thức, thủ đoạn hoạt động tinh vi, liều lĩnh hơn. Cục Cảnh sát hình sự khuyến cáo, đưa ra nhiều biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn với loại tội phạm này.


Vạnh trần thủ đoạn

Đại tá Hoàng Văn Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự cho biết, phương thức thủ đoạn phạm tội của các đối tượng TCTS thường hoạt động theo ổ nhóm, có sự phân công vai trò rõ ràng, chuẩn bị kỹ công cụ, phương tiện phạm tội, có sự chuẩn bị đối phó với cơ quan điều tra nếu bị phát hiện và bắt giữ.

Đối tượng thường đi xe máy từ 2 người trở lên, đến những nơi có nhiều kho tàng, bến bãi, cửa hàng, cửa hiệu, những gia đình giàu có, công sở, cơ quan để khảo sát, phát hiện sơ hở, nghiên cứu kỹ quy luật hoạt động và phương án bảo vệ, quản lý, trông giữ của địa điểm gây án. Sau đó chúng bàn bạc phân công vai trò cho từng đối tượng rồi thực hiện TCTS. Đối tượng thường tập trung vào những tài sản gọn nhẹ, có giá trị, dễ vận chuyển, tiêu thụ như: Tiền, vàng, ngoại tệ, đá quý, xe máy, tivi…

Đối tượng Phạm Văn Cửu (X) cùng đồng bọn đột nhập vào nhà dân trộm cắp nhiều cây vàng.

Về công cụ gây án, các đối tượng thường chuẩn bị những vật dụng để phục vụ cho việc cạy phá, đột nhập, tẩu thoát và hạn chế để lại dấu vết như: Vam phá khóa, kìm cộng lực, kìm thủy lực, búa, xà beng, cưa sắt, đèn khò, găng tay, giày dép khác cỡ…

Ngoài ra, đối tượng còn chuẩn bị vũ khí như: Dao, lưỡi lê, súng ngắn… để đối phó nếu bị phát hiện. Đối với tội phạm trộm cắp sử dụng công nghệ cao, các đối tượng chuẩn bị phương tiện như chíp điện tử để quay trộm mật khẩu của chủ tài khoản thẻ ATM, sau đó làm thẻ giả để rút tiền. Các vụ án trộm đột nhập mà đối tượng hoạt động đơn lẻ, TCTS trong các cơ quan, công sở, đối tượng thường nghiên cứu, chuẩn bị kỹ trước khi gây án.

Sau khi trộm cắp, đối tượng thường tẩu thoát ngay trong đêm, không lưu trú lại các khu vực gần hiện trường. Thời gian gây án, các đối tượng thường thực hiện vào ngày nghỉ, các tối thứ 7 và chủ nhật (cơ quan vắng người), hoạt động từ 21h đến khoảng 2h. Vì vậy, mà đối tượng gây án trong một thời gian dài mới có thể bị phát hiện bắt giữ.

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước nổi lên một số vụ TCTS gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Trong đó nổi lên vụ trộm cắp xe máy liên tỉnh, xuyên quốc gia. Các đối tượng hình thành ổ nhóm, có sự câu kết chặt chẽ, phân công vai trò để thực hiện hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam rồi vận chuyển sang nước ngoài để tiêu thụ.

Điển hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa xác lập, phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Thái Bình triệt phá ổ nhóm trộm cắp xe máy liên tỉnh, xuyên quốc gia do đối tượng Tô Sỹ Chính (Chiến, 41 tuổi), trú tại phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa cầm đầu.

Từ đầu năm 2018 đến khi bị bắt giữ, các đối tượng trộm cắp trên 200 xe máy, chủ yếu là xe Wave. Sau khi trộm cắp được, chúng thay biển số giả, vận chuyển bằng xe khách vào Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) đưa lên tỉnh Bình Phước rồi đưa sang Campuchia tiêu thụ. Các đối tượng chuyển tiền cho nhau bằng tài khoản ngân hàng đứng tên người khác.

Các vụ trộm cắp tiệm vàng xảy ra ở nhiều tỉnh, TP Lạng Sơn, Lai Châu, Khánh Hòa… do đối tượng Nguyễn Văn Năm (SN 1987), trú tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh gây án. Ngày 20-12-2018, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các tỉnh Lai Châu, Lạng Sơn và một số đơn vị chức năng đã bắt giữ đối tượng Năm. Bước đầu, Năm khai nhận đã thực hiện một số vụ trộm cắp khác của các tiệm vàng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Sơn La.

Thời gian gần đây, nổi lên tình trạng TCTS cổ vật, báu vật trong các đình, chùa, miếu thờ. Đối tượng thường tổ chức thăm dò đồ thờ cúng, hệ thống khóa cửa, đường đi, lối thoát.

Điển hình, tháng 9-2018, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên tiến hành triệt phá ổ nhóm chuyên trộm cắp cổ vật tại các đình, chùa, miếu thờ trên địa bàn các tỉnh phía Bắc.

Ngày 18-9, cơ quan CSĐT Công an huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố bị can và tạm giam 3 đối tượng gồm: Đỗ Thế Tới, Đỗ Tiến Sinh, cùng trú tại tỉnh Hưng Yên và Phạm Văn Thùy, trú tại tỉnh Hải Dương. Đáng chú ý các vụ trộm cắp gây hậu quả nghiêm trọng, đối tượng phạm tội sẵn sàng gây án, sát hại chủ tài sản để tẩu thoát. Đối tượng phạm tội thường có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy.

Điển hình ngày 29-8-2018, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hưng Yên phá chuyên án, bắt giữ đối tượng Đinh Công Tráng (42 tuổi), trú tại tỉnh Hưng Yên, đột nhập vào nhà số 6, đường Linh Đài, khu phố Nam Tiến, phường Hồng Châu (Hưng Yên) để TCTS. Khi bị phát hiện, đối tượng đã sát hại vợ chồng chủ nhà là anh Đặng Văn Trường và chị Nguyễn Thị Hoa rồi bỏ trốn.

Nhiều vụ đối tượng đột nhập để TCTS có giá trị lớn tại các gia đình. Điển hình tháng 10-2018, Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Ninh Bình, Thái Bình, Phú Thọ triệt phá ổ nhóm chuyên trộm cắp liên tỉnh, bắt giữ các đối tượng Phạm Văn Cửu, Nguyễn Quang Nguyên, Nguyễn Công Hoan, Phạm Ngọc Luyện, cùng trú tại tỉnh Thái Bình do Phạm Văn Cửu cầm đầu gây ra vụ trộm cắp 200 cây vàng SIC tại phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình.

Nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa

Năm 2018, lực lượng Cảnh sát hình sự trên toàn quốc đã điều tra khám phá 13.578/18.069 vụ TCTS, phát hiện, bắt giữ 15.499 đối tượng. Phần lớn các đối tượng phạm tội TCTS là những người không nghề nghiệp hoặc nghề nghiệp không ổn định, nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự tội trộm cắp, sống lang thang không nơi ở cố định.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, lực lượng Cảnh sát hình sự toàn quốc cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung, đấu tranh chống tội phạm TCTS nói riêng.

Phối hợp với các đơn vị liên quan, các cơ quan thông tin truyền thông mở các đợt tuyên truyền sâu rộng với nhiều hình thức, nội dung phong phú trong các tầng lớp nhân dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm TCTS, đặc biệt là thủ đoạn trộm cắp xe máy, trộm đột nhập nhà dân, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, trộm cắp tại các địa bàn công cộng; đồng thời hướng dẫn người dân cách tự quản lý, bảo vệ tài sản, nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện, tố giác đối tượng, ổ nhóm tội phạm TCTS…

Tăng cường công tác quản lý, cư trú, quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện về ANTT, không để sơ hở cho tội phạm lợi dụng để hoạt động trộm cắp, chứa chấp, tiêu thụ tài sản trộm cắp. Thường xuyên tiến hành kiểm tra hành chính tại các điểm, bãi gửi xe máy qua đêm, tại bệnh viện, trường học, nhà cao tầng để phát hiện xe tang vật của các vụ trộm cắp.

Tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, đặc biệt là vào ban đêm (từ 0h đến 5h sáng) để phòng ngừa, phát hiện, bắt giữ tội phạm. Đồng thời, tiến hành các hoạt động trinh sát tại các khu vực, địa bàn, tuyến đường là điểm nóng của tội phạm trộm cắp để kịp thời phát hiện, bắt quả tang đối tượng gây án.

Đối với các gia đình cần gia cố cửa nhà chắc chắn và lắp hệ thống camera giám sát an ninh, còi báo động để phát hiện kẻ gian hoạt động ngày cũng như đêm. Khi phát hiện kẻ gian đột nhập vào nhà, cần bình tĩnh xử lý bằng cách đưa người thân vào một phòng có khóa cửa chắc chắn và tìm cách báo tin cho hàng xóm cũng như Công an nơi gần nhất để có cách đối phó, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và những người trong gia đình.

Các hộ gia đình ở từng ngõ xóm, thôn làng cần nâng cao ý thức trách nhiệm vì cộng đồng, liên kết phòng chống tội phạm bằng cách chủ động phát hiện, ngầm báo cho nhau thông qua điện thoại các hiện tượng đối tượng lạ xâm nhập vào khu dân cư ban đêm, ban ngày và có những dấu hiệu phạm tội để kịp thời tổ chức phòng chống; đồng thời báo ngay cho Công an cơ sở để có biện pháp xử lý.

Minh Hiền
.
.
.