Biến tướng “tín dụng đen” và những biện pháp đấu tranh mới

Thứ Năm, 15/10/2020, 08:40
Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng Bộ Công an, có sự đồng hành của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân, trong đó có ngành Ngân hàng nhằm đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”.

Trước thực trạng tội phạm “tín dụng đen” biến tướng gây ra nhiều hệ lụy, Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen” là biện pháp quyết liệt, mạnh mẽ giúp trấn áp, kiềm chế tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này.  Bên cạnh sự vào cuộc mạnh mẽ của các lực lượng chức năng Bộ Công an, có sự đồng hành của các bộ, ban, ngành, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của người dân, trong đó có ngành Ngân hàng nhằm đẩy lùi hoạt động “tín dụng đen”, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Bài 1: “Tín dụng đen” - bề nổi của tảng băng chìm

Thời gian qua, với quyết tâm cao, lực lượng Công an các đơn vị nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương đã xác lập nhiều chuyên án đấu tranh, khám xét các tụ điểm, thu giữ nhiều tài liệu liên quan, bắt giữ nhiều đối tượng, triệt xóa nhiều ổ, nhóm cho vay nặng lãi... góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội.  

Tuy vậy, sau đại dịch COVID-19, tình hình tội phạm "tín dụng đen" có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy trong xã hội.  “Tín dụng đen” -  bề nổi của tảng băng chìm, đòi hỏi phải giải quyết triệt để, quyết liệt với nhiều biện pháp đấu tranh mới.

“Tín dụng đen” với những chiêu núp bóng tinh vi

Sau 1 năm thực hiện chỉ thị 12/CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", hàng ngàn ổ nhóm tín dụng đen, tổ chức cho vay nặng lãi đã bị đánh sập; tình trạng treo biển, phát, dán tờ rơi, quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay tại nơi công cộng, tường, cây xanh, trên các website và mạng xã hội giảm rõ rệt...

Theo thống kê của Bộ Công an, từ 15-4-2019 đến 15-4-2020, Bộ Công an đã tiếp nhận tin báo, phát hiện 1.152 vụ, 2.423 đối tượng liên quan đến “tín dụng đen”. Đã khởi tố 602 vụ, 1.427 bị can; xử phạt hành chính 382 vụ, 911 đối tượng.

Hình thức quảng cáo cho vay tiền, có số điện thoại được dán khắp nơi.

Từ số liệu trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng ở địa phương đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn hoạt động “ tín dụng đen”. Cụ thể, các lực lượng chức năng đã tập trung tổ chức tuyên truyền, cảnh báo cho người dân thông qua các cuộc họp tại các khu dân cư, trên phương tiện thông tin đại chúng các phương thức, thủ đoạn và những hệ lụy của hoạt động vay, mượn tiền liên quan đến “tín dụng đen”. 

Đồng thời, tổ chức phát động phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động quần chúng nhân dân tích cực phát hiện, tố giác tội phạm và phối hợp với lực lượng chức năng trong đấu tranh, trấn áp tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi; tiến hành tẩy xóa, tháo gỡ tờ rơi quảng cáo về hoạt động cho vay trên các tuyến đường, nơi công cộng, khu dân cư...

Công tác xét xử tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” trong thời gian qua tăng mạnh, xảy ra tại các tỉnh, thành phố lớn như: Bình Dương (thụ lý 24 vụ, 38 bị cáo), Thanh Hóa (22 vụ, 75 bị cáo), Bắc Ninh (19 vụ, 53 bị cáo), Hà Tĩnh (18 vụ, 25 bị cáo), Nghệ An (15 vụ, 19 bị cáo)… 

Tại tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo phòng ngừa, đấu tranh quyết liệt với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan hoạt động cầm đồ, “tín dụng đen” và đạt được hiệu quả tích cực, góp phần kiềm chế hoạt động của tội phạm này. 

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, các đơn vị Công an tỉnh đã điều tra làm rõ 9 vụ, với 33 bị can về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Điển hình, tháng 5-2020, Công an TP Vĩnh Yên bắt Phùng Văn Chính, SN 1976, trú tại phường Hội Hợp, Giám đốc Công ty TNHH G88 Tân Á Châu, địa chỉ phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên cùng đồng bọn liên quan đến việc cho vay lãi nặng. 

Tiếp đó, tháng 6-2020, Công an TP Vĩnh Yên triệt phá thành công chuyên án, bắt khẩn cấp 5 đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, với lãi suất từ 4.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu/ngày, tương đương với 144% đến 180%/năm tại cơ sở hỗ trợ tài chính Hoàng Phúc 3, địa chỉ: số nhà 6, khu đô thị mới Chù Hà Tiên, phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên do Hoàng Đăng Dũng, SN 1987, ở phường Tích Sơn, TP Vĩnh Yên làm chủ. 

Cùng thời gian trên, Công an TP Phúc Yên bắt đối tượng Nguyễn Duy Hưng, SN 1991, trú tại phường Phúc Thắng, TP Phúc Yên về hành vi cho vay lãi nặng núp bóng cửa hàng mua bán xe máy.

Công tác đấu tranh với “tín dụng đen” ở tỉnh Hoà Bình năm 2019, Công an tỉnh Hoà Bình đã khởi tố 6 vụ với 6 bị can về tội cho vay nặng lãi, 1 vụ cưỡng đoạt tài sản, với 1 bị can (trong đó nguyên nhân là từ việc cho vay nặng lãi). Năm 2019, Phòng Cảnh sát hình sự  đã phối hợp cùng 3 huyện Tân Lạc, Yên Thủy và Kim Bôi phá 3 chuyên án, khởi tố 3 bị can. 

Ngoài ra trong năm 2019, Công an TP Hòa Bình còn xử lý hành chính 1 vụ với 1 trường hợp vi phạm liên quan đến “tín dụng đen”. Số tiền thu lời bất chính khoảng 205 triệu đồng. Trong 9 tháng đầu năm 2020, đã bắt giữ khởi tố 3 vụ với 3 đối tượng phạm tội cho vay nặng lãi, số tiền các đối tượng này thu lời bất chính khoảng 243.000.000 đồng.

Các đối tượng bị Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội bắt giữ về hành vi: “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Nở rộ từ nhu cầu “vay nóng” của người dân, doanh nghiệp

Từ công tác đấu tranh, khám phá, phát hiện, xử lý loại tội phạm này, lực lượng Cảnh sát hình sự tại các địa phương cho biết, một trong những nguyên nhân chính khiến tội phạm “tín dụng đen” vẫn chưa thể triệt tiêu là  do nhu cầu vay vốn làm ăn, kinh doanh trên thị trường hiện nay rất “nóng”, nhất là sau đại dịch COVID-19. Mà thực tế, không phải người dân và doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng tiếp cận được với các nguồn vốn của ngân hàng do các quy định chặt chẽ về thủ tục và tài sản thế chấp. 

Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn “tín dụng đen” ở ngoài xã hội lại quá dễ dàng. Người có nhu cầu vay vốn chỉ cần có các giấy tờ như CMND, sổ hộ khẩu và một số loại giấy tờ tùy thân có giá trị khác như thẻ sinh viên, thẻ ATM, bằng cấp là có thể vay được tiền trong thời gian rất ngắn (thông thường chỉ khoảng từ 30 phút). Mặc dù người tham gia vay tiền biết rõ mức lãi suất cao, khả năng hoàn trả không dễ dàng, song do túng bấn, lại thấy thủ tục quá dễ dàng nên đã ký vào các hợp đồng vay tiền.

Liên quan đến vấn đề gây nhức nhối này, đại diện Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cũng cho rằng: Nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ một bộ phận người dân có nhu cầu vay vốn không có tài sản thế chấp, không đáp ứng được điều kiện vay vốn tại các kênh cung cấp tín dụng chính thức đã tìm đến các cá nhân, cơ sở hoạt động “tín dụng đen” để vay tiền. 

Nhiều người đã sử dụng tiền nhàn rỗi để trực tiếp cho vay dưới dạng “tín dụng đen” hoặc tham gia với vai trò trung gian, huy động vốn, gây rủi ro rất lớn cho cả người cho vay và đi vay, dẫn đến tình trạng vỡ nợ, hụi, họ xảy ra ở nhiều địa phương. Bên cạnh đó, do công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về cho vay dân sự, về phương thức, thủ đoạn hoạt động và hậu quả tác hại, mức độ nguy hiểm của “tín dụng đen” chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục nên hiệu quả chưa cao.

Trong khi đó, thực tế hiện nay quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” còn vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các đối tượng nhởn nhơ, coi thường pháp luật...

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã thành lập tổ công tác liên ngành của UBND gồm các lực lượng tổng kiểm tra các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”, treo biển kinh doanh dịch vụ cầm đồ, kinh doanh, hỗ trợ tài chính, quảng cáo cho vay tiền… nhằm phát hiện, xử lý sai phạm. Các địa phương đã tiến hành 11.219 lượt kiểm tra với 10.711 cơ sở kinh doanh được kiểm tra (trong đó nhiều cơ sở đóng cửa, không hoạt động), phát hiện 1.667 cơ sở vi phạm với các lỗi khác nhau (chiếm 15,56 %), xử phạt hành chính 404 cá nhân, sung quỹ Nhà nước hàng trăm triệu đồng, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT của 101 cơ sở kinh doanh. Qua công tác kiểm tra của tổ công tác liên ngành cũng đã phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tội phạm và khởi tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Anh Hiếu- Minh Hiền
.
.
.