Bán tài khoản và thẻ ngân hàng - hành vi tiếp tay tội phạm

Thứ Năm, 24/12/2020, 09:01
Sau khi nhận tiền, người bán tài khoản và thẻ ngân hàng cho rằng, bản thân không còn liên quan hay có bất kỳ rắc rối nào đến tài khoản ngân hàng đó nữa. Nhưng thực tế chứng minh, tài khoản ngân hàng này thường được người mua sử dụng vào mục đích lừa đảo.


Cụm từ “mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng” hẳn còn xa lạ với nhiều người. Thực chất đây là việc dùng tên, giấy tờ cá nhân để làm thẻ, mở tài khoản ngân hàng, sau đó bán lại cho người khác để lấy một số tiền. Sau khi nhận tiền, người bán cho rằng, bản thân không còn liên quan hay có bất kỳ rắc rối nào đến tài khoản ngân hàng đó nữa. Thực tế chứng minh, tài khoản ngân hàng này thường được người mua sử dụng vào mục đích lừa đảo.

Khi đó, người mở tài khoản ngân hàng đã vô tình tiếp tay cho đối tượng lừa đảo. Công an TP Nam Định vừa điều tra, làm rõ một vụ mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng. Đối tượng phạm tội đã bị bắt giữ và bị truy tố.

Tờ rơi khuyến cáo thủ đoạn lừa đảo.

Qua công tác trinh sát nắm tình hình trên mạng internet, Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Nam Định phát hiện các đối tượng sử dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber… đăng thông tin thu mua tài khoản ngân hàng của học sinh, sinh viên với giá 150.000 đồng/tài khoản. Tài khoản mà các đối tượng sử dụng để đăng bài viết đều là tài khoản ảo với thông tin cá nhân giả.

Sau khi thu mua, các đối tượng tiếp tục rao bán lại thông tin tài khoản ngân hàng cho các đối tượng khác sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Mỗi tài khoản được rao bán với giá 1.500.000 đồng trở lên để hưởng tiền chênh lệch. Số tiền chiếm đoạt từ hành vi lừa đảo được dịch chuyển thông qua những tài khoản ngân hàng không chính chủ này.

Hoàng Thị Xuân.

Tại Nam Định, Đội Cảnh sát Hình sự Công an TP Nam Định xác định có xuất hiện tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng. Sau một thời gian điều tra, xác minh đã xác định được đối tượng thu mua tài khoản ngân hàng là  Hoàng Thị Xuân (SN 1989). Quê gốc ở Nông Cống, Thanh Hóa còn hộ khẩu thường trú tại TP Đồng Hà, tỉnh Quảng Trị song Hoàng Thị Xuân hiện đang làm nghề bán hàng online tại TP Hà Nội.

Bản thân Xuân đã từng bị TAND thị  xã Đông Hà, tỉnh Quảng Trị xử án treo 24 tháng, thử thách 48 tháng về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” vào tháng 2/2011; bị Công an huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trộm cắp tài sản vào tháng 9/2007.

Từ tháng 4/2020 – ngày 12/5/2020, Hoàng Thị Xuân đã liên lạc và nhờ 18 người sinh sống tại TP Nam Định mở tài khoản, thẻ ngân hàng sau đó bán lại cho Xuân. Người được thuê sẽ dùng chứng minh thư của bản thân để mở tài khoản ngân hàng; dùng số điện thoại do Xuân cung cấp làm tên đăng nhập. Sau khi làm thẻ thành công, người mở tài khoản sẽ đưa lại thông tin tài khoản mà người đó vừa mở cho Xuân và được trả 150.000 đồng/tài khoản.

Để chiếm được lòng tin của mọi người, Xuân nói dối là là nhân viên Ngân hàng Nhà nước đang làm chi tiêu mở tài khoản thẻ ATM nên rất cần số lượng lớn để đạt thành tích tốt.

Thẻ ATM thu của Xuân.

Do đó, Xuân cần nhiều người đứng tên mở tài khoản. Số điện thoại dùng đăng ký dịch vụ internet banking ở mỗi tài khoản thẻ ATM sẽ do Xuân cung cấp. Sau khi làm thẻ thành công, người mở tài khoản sẽ đưa lại thẻ sim điện thoại mà Xuân cung cấp với thông tin tài khoản mà người đó vừa mở.

Điểm chung là, người được thuê sẽ dùng chứng minh thư của bản thân để mở tài khoản ngân hàng; dùng số điện thoại do Xuân cung cấp làm tên đăng nhập; còn mật khẩu là dãy số được người mở tài khoản viết, dán lên thẻ sim. Quá trình liên lạc qua lại với Xuân để trao đổi thông tin, Hoàng Thị Xuân còn khuyến khích mọi người mở nhiều thẻ bởi Xuân có thể thu mua không giới hạn và có nhu cầu tuyển cộng tác viên.

Công an TP Nam Định đã triệu tập và làm việc với Hoàng Thị Xuân. Tại cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Nam Định, Hoàng Thị Xuân đã khai nhận toàn bộ nội dung sự việc,  phù hợp với tài liệu chứng cứ mà Đội cảnh sát Hình sự đã thu thập được.

Theo khai nhận, một ngày đầu tháng 2/2020, một số điện thoại lạ gọi cho Xuân với lời mời chào, sẽ trả cho Xuân 1.300.000 đồng nếu Xuân dùng giấy tờ cá nhân mở tài khoản ngân hàng rồi bán lại cho họ. Tài khoản ngân hàng phải đăng ký dịch vụ internet banking và số điện thoại do người mua cung cấp.

Chốt giao dịch, Xuân bán cho người lạ này một tài khoản ngân hàng thẻ ATM và nhận được 1.300.000 đồng. Thấy việc bán tài khoản thẻ ATM có lợi nhuận cao, lại không tốn chi phí, không mất nhiều thời gian, Hoàng Thị Xuân liền nghĩ ngay đến việc thuê  người mở tài khoản ngân hàng rồi thu mua và đăng bán lại, hưởng tiền chênh lệch.

Để dễ dàng thuê người mở tài khoản, Hoàng Thị Xuân nói dối là nhân viên Ngân hàng Nhà nước, đang làm chi tiêu mở tài khoản thẻ ATM nên rất cần số lượng lớn để đạt thành tích tốt. Do đó, Xuân cần nhiều người đứng tên mở tài khoản ngân hàng.

Người được thuê sẽ dùng chứng minh thư của bản thân để mở tài khoản ngân hàng; dùng số điện thoại do Xuân cung cấp làm tên đăng nhập; còn mật khẩu là dãy số được người mở tài khoản viết, dán lên thẻ sim. Với mỗi tài khoản, Xuân trả 150.000 đồng.

Từ tháng 4/2020 đến khi bị phát hiện, bắt giữ, Xuân đã liên lạc, thu mua 54 tài khoản ngân hàng của 18 người tại TP Nam Định. Sau khi thu mua được các tài khoản thẻ ATM, Hoàng Thị Xuân rao bán trên zalo với giá 1.300.000 đồng/thẻ. Theo khai nhận, số tiền Hoàng Thị Xuân hưởng lợi trái phép thông qua hành vi trên là 60.950.000 đồng.

Trong số 54 tài khoản ngân hàng thẻ ATM mà Hoàng Thị Xuân đã thu mua của 18 người trên địa bàn TP Nam Định, Công an TP Nam Định xác minh được 2 tài khoản ngân hàng do Xuân bán cho bên thứ 3 đã được sử dụng làm công cụ, phương tiện thực hiện 2 vụ lừa đảo với tổng số tiền bị chiếm đoạt là 90.000.000 đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Nam Định đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Hoàng Thị Xuân về tội “mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng” được quy định tại Khoản 2 Điều 291 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Công an TP Nam Định cho biết, các đối tượng thuê người đứng tên mở thẻ ATM với mục đích dùng tài khoản mua được để nhận tiền trong các giao dịch lừa đảo.

Sau khi thu mua, các đối tượng tiếp tục rao bán lại thông tin tài khoản thẻ ngân hàng cho các đối tượng khác sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Số tiền chiếm đoạt từ hành vi lừa đảo được dịch chuyển thông qua những tài khoản ngân hàng không chính chủ này.

Do sim được sử dụng đăng ký với ngân hàng là sim rác nên sau khi thực hiện trót lọt các phi vụ lừa đảo, kẻ lừa đảo bỏ luôn sim để xóa dấu tích. Người cho thuê tên mở tài khoản và thẻ cũng không biết có giao dịch xảy ra vì không nhận được thông báo biến động số dư.

Qua thực tế điều tra, xác minh cho thấy, các đối tượng  thuê người mở tài khoản, thẻ ngân hàng sau đó sử dụng chính tài khoản, thẻ ngân hàng đó vào mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những người được thuê mở tài khoản, thẻ ngân hàng thường là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập nhấp, ít hiểu biết về pháp luật. Họ gần như không để tâm đến những rắc rối  về pháp luật có thể xảy ra nếu đứng tên mở thẻ ATM rồi bán lại cho người khác.

Khi tài khoản, thẻ ATM được sử dụng làm công cụ thực hiện các phi vụ lừa tiền, các đối tượng đã biến chiếc thẻ được phát hành đúng quy trình từ giấy tờ thật, người mở thẻ thật, được thực hiện tại ngân hàng thành thẻ bị mạo danh vì người dùng tài khoản và thẻ lại là người khác.

Công an TP Nam Định khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ hoặc bán tài khoản thanh toán, thẻ cho người khác. Việc cho mượn tên, giấy tờ để làm thẻ, mở tài khoản hiểu theo góc độ nào đó cũng là một hình thức tiếp tay cho đối tượng lừa đảo, vì tài khoản mua được trở thành phương tiện cho các đối tượng lừa đảo nhận tiền của các phi vụ lừa đảo và kéo theo nhiều hệ lụy.

Bích Mận
.
.
.