Tội phạm nước ngoài sử dụng công nghệ cao vẫn lừa đảo được nhiều người

Bài cuối: “Bùa yêu” và những món quà ngoại trả giá tiền tỷ

Chủ Nhật, 21/10/2018, 08:44
Có thể khẳng định rằng, phương thức lừa đảo này cũng không hề mới. Nó bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Các đối tượng người nước ngoài giả vờ đóng vai những doanh nhân thành đạt, thậm chí cả sỹ quan Mỹ đóng quân ở nước ngoài… để lừa đảo yêu đương với phụ nữ Việt Nam thành đạt nhưng có hạnh phúc không trọn vẹn hoặc lỡ thì.

Sau đó, chúng giả vờ gửi quà về Việt Nam cho “người yêu”, rồi giả danh Hải quan sân bay, nhân viên vận chuyển yêu cầu người nhận quà trả nhiều lần tiền phí để nhận món quà bên trong có rất nhiều ngoại tệ.

Tháng 7-2014, báo CAND đã đăng 3 kỳ cảnh báo về loại tội phạm này và đưa thông tin về việc Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các tỉnh phía Nam điều tra, thụ lý vụ việc, bắt giữ 3 đối tượng, làm rõ các đối tượng đã lừa hơn 100 phụ nữ ở rất nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc.

Thế nhưng, từ đó cho đến nay, vẫn tiếp tục có những nạn nhân mới của trò lừa đảo này. Ngay đầu tháng 4-2018, Công an TP Cần Thơ đã tạm giữ hình sự đối với Monthe De Fouda Martial (29 tuổi, quốc tịch Cameroon); Nguyễn Hằng Tcheuko Minh (35 tuổi, sinh tại Cameroon, quốc tịch Việt Nam) và Ifeanyi Mathew Anthony (28 tuổi, quốc tịch Nigeria), để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng này đã câu kết với nhau để lừa chị H. (ở phường Hưng Lợi, TP Cần Thơ) hơn 1 tỷ đồng. Một đối tượng giả vờ đang sống tại Mỹ, qua mạng facebook làm quen với chị H., sau đó, ngày 22-3, Minh đóng vai nhân viên giao hàng quốc tế, giả vờ gọi cho chị H., nói có thùng hàng từ Mỹ về, yêu cầu chị H. đóng phí hải quan 1.600 USD. Bước thứ 2, đối tượng nói trong thùng quà có lượng lớn ngoại tệ, yêu cầu chị H chuyển thêm 3.500 USD.

Đến chiều 23-3, Minh lại nói thùng quà có 1,4 triệu USD, yêu cầu nạn nhân cung cấp chứng từ gốc hoặc chuyển thêm 10.500 USD để lo lót thông quan lô hàng. Ngày 26-3, chị H. chuyển số tiền trên. Nhưng các đối tượng lại lừa chị H. vào đòn thứ 3. Đó là dụ chị lên TP Hồ Chí Minh, cho xem valy chứa nhiều cọc tiền và yêu cầu chị H. đưa thêm 100.000 USD để mua hoá chất tẩy hết số tiền trong valy thành USD. Chị H. quay về Cần Thơ chuẩn bị thêm 570 triệu đồng (tương đương 25.000 USD) mang giao thêm cho các đối tượng. Các đối tượng lại đòi thêm 50.000 USD.

Hai đối tượng tham gia lừa đảo hơn 100 cô gái bị Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an tỉnh Cần Thơ phát hiện.

Không còn tiền nữa, lại thấy nghi ngờ, chị H. đã trình báo cơ quan Công an. Và cuối tháng 9 vừa qua, một phụ nữ ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre cũng bị một đối tượng tự xưng tên là Daniel Henry (quốc tịch Hoa Kỳ) làm quen qua mạng xã hội và lừa 6,2 tỷ đồng với thủ đoạn tương tự.

Theo Cục Cảnh sát hình sự, các đối tượng lừa đảo chia thành 2 nhóm. Nhóm thứ nhất chịu trách nhiệm lập các facebook ảo trên mạng xã hội với chân dung các “ông chủ giàu có” nhưng gặp hoàn cảnh éo le về gia đình… Đa số nhóm đối tượng này là người gốc Phi (đặc biệt là Nigeria), không có công ăn việc làm. Từ chỗ kết bạn, làm quen với phụ nữ Việt Nam, chúng sẽ tán tỉnh, yêu đương, nói muốn về Việt Nam sinh sống, vẽ ra viễn cảnh rất tươi đẹp.

Quái chiêu hơn, trong một số vụ án, các đối tượng lừa đảo còn dùng phương pháp “thả con săn sắt, bắt con cá rô”. Trong quá trình làm quen, yêu đương với nạn nhân, đối tượng đã bỏ ra mấy chục triệu để đầu tư cho “người yêu” sang tận nước ngoài (các nước như Singapore, Malaysia…) gặp nhau, du lịch…

Có đối tượng còn lên kế hoạch cưới xin với “người yêu Việt Nam” rất chi tiết. Khi các cô gái đã rất tin tưởng, chúng mới bắt đầu cùng đồng bọn giở bài lừa đảo. Chúng giả vờ gửi cho những phụ nữ này những món đồ hoặc ngoại tệ có giá trị đặc biệt lớn được giấu trong các thùng hàng, thùng quà…, sử dụng công nghệ tạo ra các vận đơn (hoá đơn vận chuyển) của các công ty chuyển hàng có uy tín trên thế giới để tạo niềm tin. Sau đó, chúng xin các thông tin của những phụ nữ này: họ tên, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và cung cấp những thông tin này cho nhóm thứ hai.

Nhóm thứ hai là các đối tượng người Việt Nam, chủ yếu là nữ, có mối quan hệ tình cảm, thậm chí có con với các đối tượng người nước ngoài. Chúng cũng thường sử dụng thông tin cá nhân giả, sim điện thoại rác để trốn tránh việc xử lý của các cơ quan chức năng. Các đối tượng này chịu trách nhiệm đóng giả nhân viên Hải quan của Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất thông báo với các bị hại là đã nhận được các thùng hàng và viện các lý do như trong thùng hàng có nhiều ngoại tệ, nếu không nộp tiền lệ phí từ 5 đến 10% tổng giá trị thì sẽ bị tịch thu hoặc gửi trả lại.

Đòn đánh vào lòng tham của chúng đã khiến khá nhiều phụ nữ sập bẫy… Sau khi bị hại chuyển tiền và yêu cầu nhận hàng thì các nữ đồng phạm này sẽ bỏ luôn số sim điện thoại đã liên lạc với họ.

Khuyến cáo về trò lừa đảo này, các điều tra viên của Cục Cảnh sát hình sự cho biết, mọi người không nên chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân trên mạng xã hội Facebook. Vì các đối tượng đã dựa vào những thông tin này để đưa ra những chiêu trò nhằm chiếm được tình cảm của một số phụ nữ có hoàn cảnh gia đình không thuận lợi. Tự mỗi người hạn chế kết bạn với người lạ, đặc biệt là người nước ngoài không quen biết.

Cơ quan điều tra khẳng định, công tác kiểm soát an ninh của sân bay quốc tế trong và ngoài nước đều có những quy trình kiểm soát hết sức nghiêm ngặt nên không thể giấu tiền hoặc tài sản có giá trị vào các thùng hàng gửi bằng đường hàng không. Nếu thực sự có hàng, quà thì phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhận hàng tại các địa điểm cụ thể, có đơn vị nhận tiền và phiếu thu rõ ràng chứ không gửi tiền qua tài khoản để nhận hàng.

Cục Cảnh sát hình sự cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo tuyên truyền phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động sử dụng mạng xã hội với thủ đoạn dùng bẫy tình để lừa đảo phụ nữ chiếm đoạt tài sản; thông báo phương thức, thủ đoạn đến các hội viên phụ nữ. Nhưng quan trọng nhất, tự mỗi cá nhân phải hết sức nâng cao cảnh giác, hàng trăm trường hợp đã bị mắc “bẫy tình”, “bẫy tiền” của các nhóm đối tượng, và trên thực tế, con số này còn cao hơn khi một số người do xấu hổ đã không dám trình báo với cơ quan Công an.

Nhật Quang
.
.
.