Xuất khẩu “xanh” hướng ra thế giới
Xuất khẩu (XK) là một trong các động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhiều năm qua. Cùng với xu hướng phát triển của thế giới, doanh nghiệp (DN) Việt đã và đang nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn XK sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
“Luật chơi” mới trong thương mại và đầu tư
Tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu. Lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận, xu hướng phát triển này đã và đang hình thành nên “luật chơi” mới về thương mại và đầu tư. Nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình như: Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
Trong quá trình chuyển đổi xanh hoá trong sản xuất, XK, DN, DN nhỏ và vừa được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững.
Chia sẻ với PV Báo CAND, ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Công ty Giầy Thăng Long cho rằng, để đáp ứng tiêu chuẩn từ các thị trường nhập khẩu lớn và không bị loại khỏi chuỗi cung ứng, các DN trong nước buộc phải chuyển đổi sản xuất xanh. Tuy nhiên, việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh không hề dễ dàng. Bởi, bản thân DN rất áp lực trước sự chuyển đổi này. Đây vừa là bài toán thay đổi nhận thức, vừa là sức ép chi phí trong giai đoạn thị trường đầy thách thức. Những DN nhỏ, không đủ tiềm lực có thể phải tạm dừng cuộc chơi.
Để bắt kịp xu hướng chuyển đổi, gần 1 năm nay, các dây chuyền của Công ty Giày Thăng Long đã chuyển dịch sang sản xuất xanh - ít tạo ra carbon hơn. Ví dụ, thay vì dùng than đá để làm nhiên liệu, DN chuyển sang dùng dầu, điện. Công ty cũng đầu tư máy móc mới để nghiền, trộn các phế phẩm như cao su để tái sử dụng hay nhập khẩu các dòng vải tái sinh về dùng. Công ty có 3 nhà máy với 1.700 công nhân, hơn 97% hàng hóa XK sang Mỹ, Hàn Quốc, EU. Để đầu tư cho sản xuất xanh, DN chấp nhận chi phí sản xuất tăng thêm 10-15%, trong bối cảnh đơn hàng chưa phục hồi, lợi nhuận giảm 50-60%.
“Đây là xu hướng tất yếu, bắt buộc DN phải làm nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng. Nếu mình không đáp ứng được các chuẩn xanh, họ sẽ không đặt hàng nữa. Để kiểm tra sản phẩm có đủ chất lượng "xanh" không cũng được tiến hành chặt chẽ thông qua một bên thứ ba kiểm xưởng. Nếu không đạt yêu cầu, chứng chỉ, họ sẽ hủy đơn”, ông Tùng chia sẻ.
Chủ động “xanh hóa” đời sống và sản xuất
Xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển bền vững. Việt Nam xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Với 97% DN vừa và nhỏ, ngành cơ khí Việt Nam đang gặp nhiều thách thức trước yêu cầu hội nhập và quá trình yêu cầu về chuyển đổi xanh. Ông Lê Văn An, Phó Chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam cho biết, bản thân mỗi DN cũng như toàn ngành này đang không ngừng hướng tới công nghệ mới, tận dụng nguồn tài nguyên để thực hiện sản xuất xanh. Theo đó, ngành cơ khí đặt ra chương trình phát triển trồng tre sinh khối trên 15.000 hồ thuỷ lợi trên cả nước cũng như trên quỹ đất đang trồng keo đã hoàn thành nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo. Theo tính toán, mỗi một ha trồng tre thu được 135 tín chỉ carbon mỗi năm. Bên cạnh đó, tận dụng hồ thuỷ lợi và trên kênh hồ thuỷ lợi để phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo, điện mặt trời giúp tạo ra hiệu suất cao, chống bốc hơi nước.
Là một trong những ngành chịu tác động lớn từ CBAM, ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho hay, trước yêu cầu phát triển bền vững, ngành thép đã cải tiến giảm các tiêu hao năng lượng, giảm bớt phát thải khí nhà kính đối với lò cao. Làm thép xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, công nghệ cũng như sự chủ động của DN, nhất là khi các quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới. Theo đó, ông Thái đề xuất, các cơ quan chức năng, bộ, ngành tiếp tục chủ trì nghiên cứu công nghệ mới nhất cũng như có các cơ chế tạo thuận lợi để cho ngành thép thực hiện chủ trương chuyển đổi xanh.
Bà Mira Nagy, Trưởng Hợp phần, Dự án Hướng tới sự tuần hoàn (Go Circular), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho rằng, Việt Nam có thể phát triển nhảy vọt để trở thành trung tâm sản xuất xanh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Do đó, việc cần làm ngay là giảm chi phí hoạt động, giải quyết tính bất ổn nguồn cung nguyên liệu và giá hàng hóa. Theo đó, DN cần tham gia vào khóa đào tạo hành động khí hậu được thiết lập để giảm thiểu rủi ro môi trường tại công ty; liên hệ với bộ phận hỗ trợ kinh doanh có trách nhiệm (RBH) với tư cách là phòng “một cửa” về quy tắc ứng xử kinh doanh có trách nhiệm áp dụng các công ty trong nước.
Theo TS Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI), mặc dù trước mắt các chính sách xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho XK Việt Nam, nhưng về lâu dài, việc thực hiện chủ động thỏa thuận này mang lại nhiều cơ hội cho DN. Từ góc độ thị trường, đây là cách thức tốt nhất để DN có thể đi trước một bước, tiếp cận sớm thị trường các sản phẩm xanh đầy tiềm năng của EU với tệp khách hàng có ý thức tiêu dùng xanh đang gia tăng mạnh mẽ của khu vực này. Đồng thời, thích ứng sớm với các yêu cầu xanh ở EU cũng mang đến sự bảo đảm nhất định cho khả năng XK của DN đi các thị trường phát triển khác cũng đang thúc đẩy các hành động tương tự EU (Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…).
Từ góc độ hiệu quả, chuyển đổi xanh mặc dù có thể yêu cầu đầu tư ban đầu cao nhưng trong dài hạn lại có thể giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho DN. Trên bình diện vĩ mô, việc từng DN tham gia chuyển đổi xanh sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình chuyển đổi xanh trong nội địa nền kinh tế, từ đó đóng góp có ý nghĩa vào sự phát triển bền vững của chính Việt Nam.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu, vì thế Bộ Công Thương đã nhận thức rõ ba việc cần phải làm để hỗ trợ DN, ngành hàng, các địa phương thực hiện, đó là: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền của sự cần thiết chuyển đổi xanh tới cộng đồng DN; đề xuất kiến nghị các chương trình hỗ trợ kỹ thuật cho DN ngành hàng, địa phương để đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi của chuyển đổi xanh; hoàn thiện chính sách về chuyển đổi xanh trong thương mại, công nghiệp, nhằm khuyến khích các ngành hàng chuyển đổi sản xuất, đáp ứng các yêu cầu; nâng cao hiệu quả thực thi cơ chế chính sách về chuyển đổi xanh của DN, ngành hàng, địa phương mà Chính phủ, các bộ, ngành đề ra. Bộ Công Thương sẽ phối hợp với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cung cấp tốt nhất những quy định mới, hướng dẫn mới liên quan đến thỏa thuận xanh, kinh tế tuần hoàn… cho các ngành sản xuất, đáp ứng nhu cầu, tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường, đẩy mạnh XK.