Xuất khẩu hàng Việt Nam sang các thị trường tiềm năng
Ngoài những thị trường xuất khẩu (XK) truyền thống, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã và đang có kế hoạch tập trung phát triển mạnh những thị trường mới đầy tiềm năng, tiêu thụ hàng hóa lớn, có dân số đông.
Theo đó, năm 2022, nhiều mặt hàng XK của DN Việt Nam cũng đã “hồi sinh” ở nhiều thị trường lớn, thị trường XK truyền thống. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới hết tháng 2/2022, tổng giá trị XK cá tra sang Mỹ đạt 94,57 triệu USD (tăng 119,7% so với cùng kỳ năm ngoái) và Mỹ đang là thị trường XK cá tra số 1 của các DN Việt Nam.
Sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát lần thứ 17 và mới nhất là kết quả cuối cùng POR17 thuế chống bán phá giá với cá tra phile đông lạnh NK từ Việt Nam, thêm DN cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế 0% sang thị trường Mỹ, dự báo giá trị XK cá tra sang thị trường này trong thời gian tới tiếp tục tăng trưởng mạnh. Sau Mỹ, Trung Quốc đang là thị trường XK cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch XK trong 2 tháng đầu năm 2022 tăng 239,6% so với cùng kỳ. Ngoài thị trường lớn trên thì các DN Việt Nam cũng đã khai thác hiệu quả một số thị trường có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (FTA) như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong 2 tháng đầu năm 2022, XK cá tra sang khối thị trường CPTPP tăng 51,4%, XK sang thị trường EU tăng gần 76% so với cùng kỳ năm trước… Nhìn chung, XK cá tra đã hồi phục, nhưng các DN chế biến, XK đang phải đối mặt với thiếu nguyên liệu, giá cá nguyên liệu tăng đột ngột, cước vận tải tăng theo giá xăng dầu thế giới… Do đó, dù tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng XK vẫn còn ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh nên sự phục hồi này mới chỉ ở bước đầu.
Cũng để mở rộng XK, các DN Việt Nam cũng đã tập trung khai thác những thị trường mới đầy tiềm năng, có khả năng tiêu thụ số lượng lớn hàng hóa lớn, do có dân số đông, như Ấn Độ gần 1,4 tỷ dân. Trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt là ở Ấn Độ và Việt Nam nhưng kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam đã đạt mức 13,2 tỷ USD (tăng 36,5% so với cùng kỳ 2020). Các mặt hàng XK của Việt Nam sang Ấn Độ có tốc độ tăng trưởng mạnh là chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, cao su, than đá, điện thoại di động, linh kiện điện tử…
Ngoài những mặt hàng trên, Ấn Độ còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản. Mỗi năm, Ấn Độ có thể tiêu thụ 48 triệu tấn trái cây với tổng giá trị nhập khẩu (NK) khoảng 3,3 tỷ USD. Đặc biệt là trái thanh long, thị trường Ấn Độ tiêu thụ rất mạnh và thanh long của Việt Nam cũng đã thâm nhập được vào thị trường này.
Ông Nguyễn Quốc Duẩn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Thương mại quốc tế Song Nam cho rằng, thanh long là mặt hàng có giá rẻ tại Ấn Độ, lại thuộc diện miễn thuế nên người dân Ấn Độ khá ưa chuộng. Tuy nhiên, ngoài mặt hàng thanh long, DN Việt Nam nên XK các loại trái cây khác vào thị trường này.
Tại “Diễn đàn doanh nghiệp Ấn Độ - Việt Nam lần 2” vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Pranay Verma - Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam chia sẻ: “Ấn Độ đang vươn lên khỏi bóng đen của COVID-19 với mức tăng trưởng dự kiến khoảng 9% trong giai đoạn 2021-2022.
Dự báo cho năm tới sẽ dao động trong khoảng 8%- 8,5% và trở thành nền kinh tế lớn phát triển nhanh nhất thế giới. Điều này kéo theo một số cải cách táo bạo đã được thực hiện trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, giáo dục, lao động, để nâng cao trải nghiệm dễ dàng kinh doanh cho các DN và nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, Việt Nam cũng đã đặt ra tầm nhìn về việc đạt được vị thế của một quốc gia đang phát triển với nền công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và một nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Sự tương đồng trong chính sách và tinh thần tự cường của hai dân tộc chính là cơ sở vững chắc để Việt Nam và Ấn Độ khơi dậy tiềm năng hợp tác về thương mại và đầu tư”.
Ngoài thị trường XK tiềm năng như Ấn Độ, vài năm trở lại đây, kim ngạch XK của Việt Nam sang các nước Trung Đông tăng đột biến. Theo đánh giá của ông Nguyễn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP Hồ Chí Minh (ITPC), Trung Đông bao gồm 16 quốc gia đang nổi lên như khối thị trường XK tiềm năng cho DN Việt Nam, với dân số đông (khoảng 400 triệu dân) và mức sống cao.
Các quốc gia này có nhu cầu NK rất lớn, dao động từ 2 tỷ USD đến 8 tỷ USD đối với các mặt hàng như đồ gỗ, sản phẩm nhựa, ngũ cốc, dệt may, giày dép, cao su và sản phẩm cao su, thịt, sữa và sản phẩm sữa, rau quả các loại… Đây là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam.
Tuy nhiên, tỷ trọng các mặt hàng này của Việt Nam trong cơ cấu hàng NK của các nước Trung Đông vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hai bên. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp của khu vực Trung Đông còn chưa phát triển do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, công nghiệp sản xuất khó phát triển, nên khu vực này vẫn phải NK nhiều thực phẩm, hàng tiêu dùng.
Các quốc gia này NK khoảng 80% các mặt hàng lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD/năm. Đến năm 2035, tổng giá trị NK lương thực, thực phẩm của các nước vùng Trung Đông dự kiến sẽ tăng lên 70 tỷ USD/năm. Một thuận lợi nữa khi XK sang Trung Đông là mức thuế NK chỉ từ 0-5% đối với hàng hóa NK từ bên ngoài khối. Chính vì điều này mà Trung Đông trở thành một thị trường đầy trường tiềm năng của Việt Nam.
“Tuy nhiên, hiện nay DN Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường Trung Đông như thiếu thông tin, những rào cản về logistics và thanh toán quốc tế. Vì vậy, DN rất cần nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan tổ chức ngoại giao của Việt Nam tại khu vực, cũng như các cơ quan xúc tiến thương mại và đầu tư.
Dự kiến trong thời gian tới, ITPC sẽ tiếp tục triển khai các đoàn khảo sát thị trường, kết nối giao thương và gặp gỡ các hệ thống kênh phân phối hiện đại tại khu vực Trung Đông”, ông Nguyễn Tuấn thông tin.