Xuất khẩu: Điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế

Chủ Nhật, 26/01/2025, 07:43

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực có những biến động phức tạp, xuất nhập khẩu (XNK) của Việt Nam vẫn ghi nhận những kỷ lục mới, với tổng kim ngạch đạt hơn 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu (XK) đóng góp một phần quan trọng. Đây chính là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025, bất chấp nhiều thách thức từ bên ngoài.

Nhiều ngành hàng lấy lại “phong độ” xuất khẩu

Với kết quả đặc biệt ấn tượng của hoạt động XNK năm 2024, TS Lê Huy Khôi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, xung đột leo thang ở nhiều khu vực, các yếu tố như biến động giá xăng dầu, cước vận tải, thiên tai, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, nhưng nhiều ngành hàng XK chủ lực của Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Điển hình là các ngành như điện tử, dệt may, giày dép, thủy sản và nông sản.

bai tet xuat khau 2.jpeg -0
Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, ngành dệt may và da giày đã có sự phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024. XK dệt may đạt 44 tỷ USD, trong khi ngành da giày đạt khoảng 27 tỷ USD. Tổng kim ngạch XK nông, lâm, thủy sản đạt mức ấn tượng vượt 62,4 tỷ USD… Sự hồi phục này không chỉ thể hiện qua những con số tăng trưởng, mà còn qua việc các doanh nghiệp có thể duy trì đơn hàng ổn định, như trường hợp của Công ty CP Lâm Việt, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex); Công ty TNHH Việt Thắng Jean…

Chia sẻ với PV Báo CAND, ông Nguyễn Thanh Lam, Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt, Trưởng ban Xúc tiến thương mại, Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2024, ngành gỗ đã đón những tín hiệu tích cực và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng khá. Những đơn hàng cuối năm và trong quý I/2025 cho thấy kim ngạch XK của ngành gỗ đã phục hồi nhanh hơn dự báo và cao hơn nhiều ngành hàng khác. Sự phục hồi tại các thị trường như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, UAE, Ấn Độ… đã góp phần vào bức tranh XK gỗ và sản phẩm gỗ năm 2024 với kim ngạch đạt trên 16,2 tỷ USD.

Tại Công ty Lâm Việt, đơn hàng trong năm 2024, đơn hàng XK đi Mỹ là nhiều nhất. “Năm 2024, Lâm Việt XK đạt khoảng 30 triệu USD, đảm bảo việc làm cho hơn 800 lao động, với lương thưởng đầy đủ. Năm 2025, thị trường sẽ khả quan hơn, dự báo tăng trưởng tốt thì kim ngạch XK tăng khoảng 10%. Chúng tôi dự tính mở rộng kênh bán hàng trên thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon… để tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp để đưa sản phẩm gỗ Việt thâm nhập sâu hơn trên các thị trường”, ông Lam cho biết.

Cùng với gỗ, dệt may cũng là một trong những ngành xuất khẩu nổi bật trong năm 2024. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, kim ngạch XK dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD, bằng mức dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023. Đứng đầu thị trường XK dệt may trong năm 2024 vẫn là Mỹ với kim ngạch ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch XK, tiếp đó là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường ASEAN. Theo ông Giang, nhiều doanh nghiệp dệt may đã nhận đơn hàng cho quý 1/2025 và đang đàm phán quý 2/2025. Dự báo, tình hình đơn hàng vẫn sẽ tiếp tục khả quan, do căng thẳng chính trị thế giới khiến nhà mua hàng đổ về Việt Nam.

Ngoài dệt may và gỗ, ngành rau quả Việt Nam cũng đạt được thành công lớn, với kim ngạch XK đạt 7,1 tỷ USD trong năm 2024, và được dự báo sẽ chạm mốc 8 tỷ USD trong năm 2025. Các mặt hàng trái cây chủ lực như sầu riêng, dừa, chuối, xoài đều có sự tăng trưởng vượt bậc, nhờ vào việc khai thác tốt các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, và các nước ASEAN.

FTA, đòn bẩy tăng trưởng

Trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam còn có nhiều lợi thế, khi 17/19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có hiệu lực. Đây là thị trường mang tính toàn cầu mang lại lợi thế rất lớn cho dệt may Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa đối tác khách hàng và đa dạng hóa sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Ngành cũng tiếp thu tốt công nghệ tự động hóa, quản trị số cũng như thích ứng tốt trước các đòi hỏi về tiêu chuẩn xanh bền vững từ nhiều thị trường XK. Đây chính là tiền đề, là cơ sở cho tăng trưởng của ngành dệt may trong năm 2024. Mặc dù vậy, ông Vũ Đức Giang cho rằng, ngành dệt may hiện đang còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Các doanh nghiệp hiện ít có cơ hội tiếp cận với những đơn hàng lớn, chủ yếu phải nhận những đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh và yêu cầu khắt khe. Một thách thức nữa liên quan đến việc thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất bởi hiện tại, các FTA thế hệ mới đang đòi hỏi yêu cầu xuất xứ từ sợi, vải trở đi. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khá nhiều xơ sợi và vải, đặc biệt từ Trung Quốc. Ngoài ra, tăng trưởng xanh dù là cơ hội giúp vị thế thương hiệu dệt may của Việt Nam “chắc chân” hơn ở thị trường XK, song cũng là thách thức không nhỏ khi chuyển đổi như tài chính đầu tư cho xanh hóa, cấp các chứng chỉ xanh hóa (thuê các tổ chức đánh giá tư vấn hoàn thiện để được cấp chứng chỉ).

CAND19-Xuất khẩu: Điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế -0

Để đạt mục tiêu xuất khẩu từ 47 - 48 tỷ USD trong năm 2025 và phát triển bền vững, ông Vũ Đức Giang cho rằng, chiến lược dài hạn của ngành dệt may Việt Nam là tích cực đa dạng hóa dòng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nhiều phân khúc khách hàng khác nhau và mở rộng thị trường XK.

Trong bức tranh XNK của Việt Nam năm 2024 cho thấy có được kết quả ấn tượng đó là sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong nắm bắt thời cơ từ các FTA cũng như cơ hội phục hồi từ thị trường. Các doanh nghiệp đã tập trung cải tiến công nghệ sản xuất, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường quốc tế về chất lượng và bảo vệ môi trường. Những sản phẩm thân thiện với môi trường đã tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ, giúp hàng hóa Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, các FTA như EVFTA, CPTPP, và RCEP cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng cơ hội XK cho Việt Nam. Việc ký kết FTA với Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới cho các ngành hàng chủ lực của Việt Nam, như nông sản và thủy sản, khi UAE cam kết xóa bỏ thuế quan đối với nhiều mặt hàng XK của Việt Nam.

TS Lê Huy Khôi cho rằng, mặc dù XK Việt Nam có nhiều tiềm năng và cơ hội tăng trưởng nhưng vẫn còn những thách thức. Như phải đối mặt với yêu cầu về công nghệ xanh và tiêu chuẩn bền vững ngày càng cao từ các thị trường quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp cần chú trọng vào chiến lược đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào những thị trường lớn có sự biến động mạnh. Thúc đẩy mạnh đổi mới, chủ động thích ứng với các yêu cầu mới và nâng cao năng lực cạnh tranh. Để thúc đẩy XK, trong thời gian tới cần ưu tiên các chính sách hỗ trợ XK, đặc biệt là hỗ trợ các doanh nghiệp XK trong nước. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ XK phải trọng tâm, trọng điểm theo từng ngành hàng và theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh.

Với kết quả XK khả quan năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu XK năm 2025 tăng khoảng 10-12% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu đặt ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường XK để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, Việt Nam với tiềm năng và lợi thế sẵn có đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực XK hàng hóa xanh và bền vững, đẩy mạnh đầu tư vào năng lượng tái tạo, sản xuất sạch hơn, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Việc chuẩn bị nguồn hàng XK của Việt Nam thích ứng hiệu quả với những tiêu chuẩn bền vững là sống còn đối với nền kinh tế Việt Nam. Việc nắm bắt cơ hội này không chỉ giúp Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia, hiện thực hóa cam kết đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.

Các chuyên gia cho rằng, XK tiếp tục là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Do đó, cần duy trì sự ổn định và phát triển của các ngành hàng chủ lực, mở rộng thị trường XK, đầu tư vào công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm. Khi các yếu tố này kết hợp hài hòa, XK sẽ tiếp tục là một điểm sáng quan trọng trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Lưu Hiệp

.
.
.