Xử lý nghiêm chủ đầu tư thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông báo 184/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 1 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến với 5 địa phương.
Theo số liệu báo cáo, tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2023 phân bổ cho TP Hồ Chí Minh, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang, Vĩnh Long tương đối lớn (hơn 92 nghìn tỷ đồng), chiếm hơn 10% tổng số vốn đầu tư công năm 2023 của cả nước. Các địa phương đã có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt được kết quả như mong muốn, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết quý I năm 2023 còn ở mức thấp dưới trung bình cả nước.
Nguyên nhân được các bộ, ngành, địa phương báo cáo, chủ yếu tập trung vào công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn. Thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng...
Phó Thủ tướng yêu cầu xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong năm 2023; tập trung khắc phục triệt để nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ triển khai dự án; kết quả giải ngân vốn đầu tư công là căn cứ để đánh giá, khen thưởng, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ, cũng như xử lý những trường hợp tổ chức, cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023 vì lý do chủ quan. Đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện ngay và chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án để có phương án điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án giải ngân tốt còn thiếu vốn trong nội bộ của địa phương theo quy định, để bảo đảm giải ngân hết số vốn đã được giao.
Phó Thủ tướng yêu cầu việc chuẩn bị đầu tư dự án và thực hiện đầu tư phải triển khai sớm để đưa vào kế hoạch như giải phóng mặt bằng, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật có liên quan, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, giao thầu, năng lực của các Ban Quản lý dự án… Đồng thời, có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công…