Xu hướng tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch

Chủ Nhật, 22/10/2023, 06:52

Cả nước hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm). Sản phẩm OCOP hiện không chỉ tiếp cận với người tiêu dùng (NTD) qua các cửa hàng bán lẻ, kênh phân phối hiện đại, thương mại điện tử… mà nhiều địa phương cũng đã bắt đầu xu hướng kết hợp khai thác du lịch để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Thành công từ cuộc thi khởi nghiệp (giải nhì cuộc thi khởi nghiệp 2019), anh Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty Phát triển Dừa nước Việt Nam (Vietnipa) chia sẻ cơ duyên anh chọn dừa nước để khởi nghiệp và đến nay sản phẩm rất được khách du lịch ưa chuộng. Nhận thấy khách du lịch khi đến Cần Giờ rất thích cơm dừa nước, vốn là một kỹ sư hóa, anh Tiến ấp ủ nghiên cứu làm sao để cho ra món cơm dừa nước đóng hộp, đóng lon để khách mua về làm quà tặng.

Trong quá trình tìm hiểu, anh Tiến phát hiện cây dừa nước còn có thể tiết ra mật để trở thành chất tạo ngọt tự nhiên, đang rất được thịnh hành tại các nước đang phát triển như EU, Mỹ để thay thế đường. Trong khi đó, vùng nguyên liệu dừa nước tại Việt Nam rất lớn. Vì vậy anh Tiến đã mạnh dạn đầu tư công nghệ vào hoạt động sản xuất và công việc này cũng tạo được việc làm ổn định cho nhiều hộ dân với thu nhập tăng cao. Đến nay, những sản phẩm từ mật dừa nước của công ty anh Tiến bán ra thị trường ở nhiều phân khúc khách hàng, đặc biệt là khách du lịch.

Bà Hồ Kim Liên - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Khải Hoàn chia sẻ, chất lượng nước mắm và câu chuyện văn hóa bản địa gắn với sản phẩm này luôn có sức hút với khách du lịch khi tới Phú Quốc. Chính vì thế, 19 năm vừa kinh doanh nước mắm vừa làm du lịch trên đảo, không cần phải tốn chi phí quảng bá nhưng công ty Khải Hoàn vẫn được nhiều du khách biết tới.

"Nếu chỉ đưa sản phẩm OCOP vào chợ truyền thống, siêu thị thôi thì rất khó thành công, phải gắn sản phẩm OCOP kết hợp với du lịch mới thu hút được du khách và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP. Muốn làm được việc này, doanh nghiệp du lịch cần hiểu văn hóa địa phương, hiểu nhu cầu khách du lịch và xu hướng quốc tế", bà Liên nói.

Tại TP Hồ Chí Minh, huyện Cần Giờ được định hướng đến năm 2030 cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao. Theo đó, UBND thành phố đã ban hành các chương trình đề án tập trung phát triển, trong đó có "Đề án phát triển du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm OCOP".

TP Hồ Chí Minh hiện có 66 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 và 4 sao, riêng Cần Giờ có 18 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm OCOP với nguồn nguyên liệu được nuôi trồng trên địa bàn huyện, có khả năng cung ứng theo nhu cầu thị trường.

T.Hà
.
.
.