Xem xét 24 dự án điện mặt trời đang triển khai dở dang
Theo Bộ Công Thương, hiện cả nước còn 24 dự án điện mặt trời đã và đang triển khai ở các mức độ khác nhau như đã có chủ trương đầu tư, được cấp đất, mua sắm thiết bị, lắp đặt. Nếu loại bỏ những dự án này sẽ gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp khoảng 12.700 tỷ đồng và có rủi ro về pháp lý.
Từ đó Bộ Công Thương đã báo cáo Thường trực Chính phủ xem xét việc giữ lại quy hoạch điện mặt trời tới năm 2030 là 2.428MW của 24 dự án trên.
Trong thông báo của Văn phòng Chính phủ vào ngày 9/8 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã chỉ đạo, việc tiếp tục quy hoạch điện mặt trời tới năm 2030 sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế và an ninh năng lượng. Vì vậy, Bộ Công thương cần phân tích chi tiết theo nhóm đối với các dự án trên để xác định những dự án thuộc nhóm đã có chủ trương đầu tư, được cấp đất, đã mua sắm thiết bị hoặc đã lắp đặt để có hướng xử lý.
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho thấy, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống từ đầu năm đến hết 7 tháng đạt hơn 158 tỷ kWh. Trong đó, huy động từ nhiệt điện than vẫn lên tới 63,9 tỷ kWh, chiếm 40% tổng sản lượng điện; huy động từ thủy điện chỉ đứng ở vị trí thứ 2 với 52,5 tỷ kWh, chiếm 33%. Xếp ở vị chí thứ 3 là sản lượng điện huy động từ năng lượng tái tạo với con số 22 tỷ kWh, chiếm 14%. Trong số này điện mặt trời đạt tới 16,5 tỷ kWh, nhưng điện gió mới chỉ đạt hơn 5 tỷ kWh.
Nguyên nhân khiến điện mặt trời không được tiếp tục khuyến khích phát triển thêm là do ngoài chiếm dụng đất, đặc thù điện mặt trời chỉ có thể phát vào những giờ nhất định ban ngày nên cần có nhiều nhà máy dự phòng để sẵn sàng bổ sung nguồn phụ tải khi điện mặt trời đồng loạt ngưng phát. Ngoài ra, tình trạng sụt giảm nguồn phát đồng loạt vào cùng thời điểm nhất định hằng ngày cũng gây nguy cơ mất an toàn cho hệ thống điện.