Vượt khó thoát nghèo, trở thành nông dân xuất sắc của cả nước
“Không chỉ vượt khó thoát nghèo, rồi nỗ lực vươn lên trở thành tỷ phú, mà anh ấy còn giúp đỡ nhiều người đổi mới đời sống và sản xuất, đồng thời nuôi dạy con học tập tốt, phấn đấu trở thành người chiến sĩ CAND”. Đó là nhận xét của ông Phan Xuân Hạnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên khi nói về anh La Mo Nõn (SN 1982, trú ở thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) - một trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024.
Tiếp chuyện PV Báo CAND bên cánh đồng mía, anh La Mo Nõn cùng người vợ là Nguyễn Thị Thùy Linh bồi hồi nhớ lại một thời nghèo khó. Anh Nõn là người dân tộc Chăm, quê ở thôn Da Dù, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân; chị Linh là người Kinh, quê ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Sau khi kết hôn năm 2000, hai người bám nương rẫy mưu sinh, nhưng do đồng đất khô cằn, thời tiết biến động bất thường nên trồng đậu, trỉa ngô, gieo lúa đều thất bại, nên nhiều năm liền gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, được nhà nước giao cho 400m2 đất ở để dựng tạm căn nhà nhỏ.
Duyên may đến với họ từ năm 2005, khi được Công ty TNHH KCP Việt Nam hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật trồng trọt 2ha mía nên liên tục bội thu nhiều niên vụ. Tiền lãi thu được mỗi năm vợ chồng anh Nõn mua thêm đất trồng mía và đất rừng trồng keo, đến năm 2015 mới tính toán giảm thiểu chi phí sản xuất bằng cách mượn thêm tiền người thân để mua máy cày xới đất của gia đình, kết hợp cày thuê. Những mùa vụ kế tiếp mua thêm xe tải chở mía cây, sắn mì, keo đến tận nhà máy, rồi mua xe ben, xe đào múc đất để san ủi đường vào nương rẫy và làm dịch vụ cho nhiều người khác. Đến nay, vợ chồng anh Nõn đã làm chủ 13ha mía, 20ha keo, 1 máy cày lớn, 2 xe tải hạng nặng, 1 xe ben và 1 xe đào múc đất. Ngoài gia sản chính chủ, gia đình anh mới mua thêm rừng keo 3 năm tuổi trên diện tích 10ha ở xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) để đầu tư chăm sóc thêm 2 năm nữa sẽ đốn hạ, trả lại đất cho bên bán. Theo đó, nhiều năm qua gia đình anh Nõn vừa thu lãi lớn từ cây mía, vừa có thêm nguồn thu từ dịch vụ cày đất, vận chuyển hàng hóa, mua bán sắn mì, keo lai...
Nói về hiệu quả sản xuất nông nghiệp, vợ chồng anh Nõn cho biết, chỉ riêng niên vụ 2023-2024, gia đình anh thu hoạch gần 1.400 tấn mía, trừ các khoản chi phí thì tiền lãi thu được hơn 900 triệu đồng. Ngoài cây mía, một nửa rừng keo đủ 5 năm tuổi cũng vừa đốn hạ bán được 1,3 tỷ đồng, cộng với nguồn thu ước tính mỗi năm hơn 300 triệu đồng từ dịch vụ cày đất, vận tải hàng hóa và mua bán nông sản, thì vợ chồng anh Nõn thật sự xứng danh gia đình nông dân tỷ phú.
Điều đáng nói là từ khi thành đạt, vợ chồng anh Nõn không quên một thời nghèo khó, thường xuyên hỗ trợ giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho hơn 20 gia đình nông dân địa phương. Điển hình như hai gia đình ông La Lan Vũ và bà Kpá Thị Đẻ, được vợ chồng anh Nõn cho mượn tiền, hỗ trợ giống mía, cày đất… nên họ thoát nghèo, vươn lên đổi mới đời sống và sản xuất. Bên cạnh đó, ngoài việc thuê hàng trăm nhân công trồng mía đầu vụ, đốn mía cuối vụ, gia đình anh Nõn còn giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 người quản lý, chăm sóc ruộng mía, rừng keo và vận hành máy cày, xe tải, xe múc đất.
“Niềm vui và hạnh phúc đối với vợ chồng tôi là hai đứa con trai thật sự hiền lành, luôn nỗ lực học tập tốt với tinh thần cầu tiến. Tự hào hơn nữa khi người con trai đầu là La Tất Thành, từ một người lính nghĩa vụ đã được tuyển dụng vào biên chế trong lực lương CAND ở Trại giam Xuân Phước (Bộ Công an) và được cử tuyển đào tạo tại Trường Trung cấp CSND tại TP Hồ Chí Minh. Người con thứ hai là La Thanh Phong đang học lớp 10 tại Trường Tư thục Trần Cao Vân, TP Hồ Chí Minh và cũng ước mơ trở thành chiến sĩ CAND như mong muốn của vợ chồng tôi”, anh La Mo Nõn bày tỏ.