Vươn khơi đánh bắt trên ngư trường truyền thống
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ đã khiến việc vận chuyển tiêu thụ hải sản ngư dân đánh bắt được gặp khó khăn.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhờ sản lượng đánh bắt được khá, thu nhập ổn định nên ngư dân tỉnh Quảng Nam vẫn vững vàng vươn khơi, bám biển, đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam...
Tại cảng cá An Hòa, xã Tam Giang, huyện Núi Thành, ngư dân Phạm Cương (SN 1971, trú xã Tam Giang) cùng các thuyền viên trên tàu cá vỏ sắt số hiệu QNa-91269TS, công suất 829CV, làm nghề mành chụp, đang tất bật chuẩn bị ngư lưới cụ, các nhu yếu phẩm, vật dụng cần thiết cho chuyến biển dài ngày.
Ông Cương cho biết, tàu cá được đóng vào năm 2016 theo Nghị định 67 của Chính phủ, với tổng kinh phí 18 tỷ đồng; trong đó gia đình ông góp 10%, số tiền còn lại do Nhà nước hỗ trợ vay vốn. Hơn 30 năm bám biển, đây là con tàu thứ 5 của ông. Chuyến biển lần này, tàu ông Cương có 13 lao động, trong đó có ông Cương và người con trai cả năm nay 20 tuổi đi cùng.
“Tàu chúng tôi đi đánh bắt ở ngư trường truyền thống Hoàng Sa, dự kiến chuyến biển này đi khoảng 3 tuần”. Ông Cương chia sẻ thêm rằng, ngày 16/9 vừa qua, ông cho tàu cá về bờ sau chuyến đánh bắt dài ngày trên biển, thu về hơn 20 tấn cá và được thương lái thu mua hết ngay khi tàu cập cảng cá An Hòa. Điều này là động lực lớn để ông và các ngư dân chuẩn bị cho chuyến biển tiếp theo.
“Lao động trên tàu của tôi đều là ngư dân địa phương, đã gắn bó với tôi lâu năm rồi nên dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song không ảnh hưởng nhiều đến việc cho tàu vươn khơi. Hơn nữa, tàu cá của tôi cũng được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 48 của Chính phủ nên đã giúp chúng tôi vững tin hơn khi đưa tàu đi đánh bắt ở vùng biển xa thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Cương bộc bạch.
Tại cảng cá An Hòa, nhiều chủ tàu cá khác cũng đang chuẩn bị cho chuyến ra khơi. Ngư dân Hồ Văn Quận (SN 1967, trú xã Tam Quang, Núi Thành), thuyền viên tàu QNa-90129TS chuyên hành nghề câu mực xà khơi tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa phấn khởi nói rằng, trong 2 chuyến biển gần đây với thời gian 2 tháng rưỡi, ông thu nhập được gần 70 triệu đồng. Nhờ mực xà được thương lái thu mua với giá cao, khoảng 140.000 đồng/kg, nên các ngư dân hành nghề câu mực như ông quận đều có thu nhập ổn định sau mỗi chuyến biển.
Chuyến đi biển lần này, trên tàu của ông có 53 người, dự kiến câu mực ở vùng biển Hoàng Sa trong khoảng 6 tuần. Cũng theo ông quận, trong thời điểm dịch COVID-19 như hiện nay, việc có thu nhập hàng chục triệu đồng sau mỗi chuyến biển là niềm vui rất lớn đối với các ngư dân. Do đó, ngư dân luôn sẵn sàng để ra khơi bám biển, tham gia đánh bắt hải sản tại các ngư trường truyền thống.
Thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, tỉnh này có 3.043 tàu cá, trong đó tàu từ 15m trở lên là 735 chiếc. Toàn tỉnh có 9 nghiệp đoàn nghề cá trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh với 720 tàu/ 4.879 lao động tham gia; 158 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển với 1.040 tàu/ 8.063 lao động tham gia. Tỉnh Quảng Nam có cảng cá An Hòa (xã Tam Giang, Núi Thành), là cảng cá loại II, đủ điều kiện xác nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác và 2 bến cá: Tam Phú (TP Tam Kỳ) và Thanh Hà (TP Hội An).
Theo ông Ngô Văn Định, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên việc lưu thông hàng hóa có trở ngại, nhưng nguyên vật liệu đầu vào cho tàu cá khai thác thủy sản như nhiêu liệu, nước đá, lương thực, thực phẩm… vẫn được cung ứng đầy đủ.
Tuy chi phí đầu vào của sản xuất có tăng so với thường kỳ, nhưng ngư dân Quảng Nam đã khắc phục khó khăn, tổ chức lại sản xuất, dịch vụ hậu cần, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thông tin về ngư trường để tàu cá tiếp tục vươn khơi khai thác. Nhờ đó, hoạt động khai thác thủy sản vẫn duy trì bình thường, ít bị chi phối bởi dịch bệnh. Theo kế hoạch, trong năm 2021, ngành Thủy sản tỉnh Quảng Nam phấn đấu khai thác đạt 90.500 tấn.
Ông Ngô Văn Định cho biết thêm, để chống tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, ngày 15/9 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tỉnh do ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnhlàm Trưởng ban.
Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh liên quan đến công tác chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU). Thực tế hiện nay, các sản phẩm từ khai thác, chủ yếu gồm cá nục, cá ngừ, cá bánh lái có giá bán thấp.
Vì vậy, để hỗ trợ ngư dân tiêu thụ sản phẩm, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam đã đề nghị các doanh nghiệp cung ứng các suất ăn công nghiệp, tại các khu cách ly,… kết nối với các nậu vựa hoặc chủ tàu để thu mua sản phẩm cho người dân với giá phù hợp.
Bên cạnh đó, đối với việc lưu thông, vận chuyển hàng thủy sản qua các tỉnh, đề nghị cần có giải pháp can thiệp của Bộ GTVT và phối hợp chỉ đạo của các tỉnh trong việc tạo thuận lợi để rút ngắn thời gian vận chuyển sản phẩm thủy sản tại các chốt kiểm soát dịch COVID.
Để đảm bảo hoạt động sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh công tác tuyên truyền cho ngư dân thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch theo quy định.