Vĩnh Phúc tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Là điểm đến hấp dẫn và có sức hút lớn đối với các doanh nghiệp (DN) trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc cam kết luôn đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các DN triển khai các dự án đầu tư và sản xuất kinh doanh tại địa phương. Trong đó, Vĩnh Phúc sẽ đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu của DN.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Đề án thu hút các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư tại tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030, tỉnh đề ra các mục tiêu cụ thể như: thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực FDI từ 2 - 2,5 tỷ USD, nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng số vốn FDI của tỉnh lên hơn 80% đến năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu trên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Quang cho biết: Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ; đồng hành, hỗ trợ, kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho nhà đầu tư. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh và sẽ tiếp tục xây dựng các bộ chính sách nhằm đa dạng các lĩnh vực đầu tư, tăng khả năng tiếp cận hỗ trợ đầu tư đối với các DN, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà xưởng, triển khai dự án sản xuất, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp phép đầu tư và các giấy phép liên quan cho DN…
Đặc biệt, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây là một điểm cộng, một sức hút lớn nếu như địa phương nào sở hữu nguồn lao động dồi dào và có chất lượng. Do vậy, “Vĩnh Phúc đang chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, các trường đại học, cao đẳng và trung tâm dạy nghề trong tỉnh đã nỗ lực cải thiện chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Nhờ đó, các DN có thể dễ dàng tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng mà không phải tốn quá nhiều chi phí”, ông Quang cho hay.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có 9/17 khu công nghiệp (KCN) đi vào hoạt động, thu hút 413 dự án đầu tư; 13/16 cụm công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút 701 dự án vào sản xuất kinh doanh. Sự phát triển của ngành công nghiệp khiến nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các DN tăng mạnh từ 10.900 người năm 2020 lên gần 20.000 người năm 2024. Dự kiến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc cần khoảng 20.000 - 25.000 lao động, tập trung vào 3 nhóm ngành chính, gồm: Điện tử, thiết bị điện; dệt may, da giày; cơ khí, sản xuất kim loại.
Để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch như: Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Kế hoạch triển khai cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025; Đề án phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các DN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết quy định chính sách vay vốn giải quyết việc làm cho người lao động và hỗ trợ một số chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025; Nghị quyết quy định về mức hỗ trợ đối với trẻ em mầm non ở địa bàn có KCN; Nghị quyết hỗ trợ đối với người học giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 - 2025...
Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các DN; kịp thời giải quyết các vụ việc vi phạm và mâu thuẫn giữa người sử dụng lao động với người lao động. Tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo của 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với năng lực tuyển sinh, đào tạo trên 41.000 học sinh, sinh viên/năm. Trong đó, đào tạo trình độ cao đẳng trên 4.400 sinh viên/năm, đào tạo 45 nghề; trình độ trung cấp trên 8.000 học sinh/năm, đào tạo 74 nghề; sơ cấp 28.580 học viên/năm, đào tạo 135 nghề.
Hiện thực hóa các kế hoạch để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh triển khai chương trình đào tạo nghề chất lượng cao; tăng cường liên kết với các DN trong quá trình đào tạo và giới thiệu việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp…Trong đó, ngành điện tử công nghiệp là 1 trong 5 ngành nghề chất lượng cao đang được Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc đào tạo. Chương trình đào tạo nghề điện tử công nghiệp được nhà trường xây dựng dựa trên bộ chương trình được chuyển giao từ Học viện Chisholm-Australia năm 2016.
Thực hiện Quyết định số 3105 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc được lựa chọn đầu tư tập trung, đồng bộ theo tiêu chí trường chất lượng cao, có đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực hoặc quốc tế công nhận. Nhà trường chú trọng mở rộng đào tạo các ngành, nghề chất lượng cao như điện tử công nghiệp, công nghệ ô tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp… đáp ứng được yêu cầu của DN. 100% giáo viên tham gia giảng dạy chương trình chất lượng cao đều có trình độ đại học và trên đại học, có chứng chỉ kỹ năng nghề theo quy định.
Với mục tiêu “tuyển sinh là tuyển dụng”, hiện nhà trường đã ký thỏa thuận hợp tác với 50 DN và ký thỏa thuận cung ứng hơn 21.000 lao động chất lượng cao cho 8 tập đoàn, DN trong giai đoạn 2020 - 2025. Nhà trường thiết lập quan hệ hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài đến từ các quốc gia như Đức, Pháp, Australia... trong liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Nhà trường đào tạo theo hướng mở, linh hoạt; gắn kết với nhu cầu sử dụng lao động của DN, đặc biệt là các doanh nghiệp đòi hỏi lao động có tay nghề cao, nên sau khi tốt nghiệp nghề chất lượng cao, 100% sinh viên được tuyển dụng vào các vị trí việc làm phù hợp; có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh; đọc và học tập giáo trình, các bài kiểm tra, thực hành bằng tiếng Anh.
Cùng với đó, Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc đã triển khai chương trình đào tạo nghề chất lượng cao đối với 4 ngành nghề, gồm công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa; dịch vụ thú y; thông tin và mạng máy tính. Hiện nhà trường đang thực hiện các dự án, hoàn thành các hạng mục cơ sở vật chất, thiết bị dạy và học đồng bộ, hiện đại; đổi mới phương pháp dạy và học; xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn; kết hợp kiến thức chuyên môn với rèn luyện kỹ năng thực hành; chú trọng kỹ năng mềm và thực tập tại DN; thành lập bộ phận theo dõi và liên hệ với các cơ quan, DN để nắm bắt yêu cầu về vị trí việc làm, nhu cầu tuyển dụng; chủ động hợp tác quốc tế trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học...
Để kịp thời cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Vĩnh Phúc đã khảo sát nhu cầu tuyển dụng lao động chất lượng cao trình độ cao đẳng giai đoạn 2023-2030 của các DN trên địa bàn tỉnh. Hiện, có hơn 20 DN đăng ký với tổng nhu cầu tuyển dụng hơn 2.000 lao động thuộc 9 ngành, nghề. Việc xây dựng cơ sở đào tạo ngành/nghề chất lượng cao tạo điều kiện cho các trường nghề tiếp cận với những loại hình đào tạo mới, tiên tiến, cơ sở vật chất hiện đại; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề, trình độ, kỹ năng, tác phong công nghiệp. Hằng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%; tỷ lệ học sinh, sinh viên học nghề tìm được việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 80%; trong đó có hơn 90% sinh viên học các nghề chất lượng cao có việc làm ổn định.
Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Vĩnh Phúc, nguồn cung lao động cho các DN trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp ra trường và một bộ phận học sinh, sinh viên tốt nghiệp tại các tỉnh, thành phố khác về Vĩnh Phúc làm việc cơ bản đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN.
Lực lượng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của nhà đầu tư
Theo Sở LĐ -TB&XH tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo hướng hiện đại, mở, linh hoạt với yêu cầu của DN và thị trường lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã lấy người học làm trung tâm, giảng viên là người hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học đa dạng, linh hoạt; nâng cao kiến thức, kỹ năng gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động và theo nhu cầu của DN.
Tính đến nay, lượng lao động ở độ tuổi từ 15 trở lên khoảng 613.000 người, chiếm gần 34% tổng số lao động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, trong đó có trên 98% người có việc làm. Cùng với đó, lao động ở khu vực thành thị có xu hướng tăng, với khoảng 256.950 lao động đang làm việc tại 8.385 DN; lao động làm việc trong các KCN là hơn 142.440 người, cụm công nghiệp là hơn 7.150 người.
Chia theo lĩnh vực, cả tỉnh có trên 160.000 lao động làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, chủ yếu là lĩnh vực sản xuất sản phẩm điện tử và thiết bị điện, dệt may, da giầy, cơ khí chế tạo, lắp ráp và sản xuất kim loại khoảng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2024 ước đạt 81%; trong đó, tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đạt 38,5%; mức lương bình quân của người lao động trong các DN đạt 9,1 triệu đồng/người/tháng. Lực lượng lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu số lượng cần tuyển dụng của nhà đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng lao động ngành công nghiệp và dịch vụ. Đặc biệt, từ việc chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của DN đã giúp Vĩnh Phúc tăng thứ bậc về chỉ số đào tạo nguồn nhân lực từ vị trí thứ 17 năm 2020 lên vị trí thứ 6 toàn quốc năm 2023.
Tuy nhiên, việc phát triển thị trường lao động, nguồn cung lao động chất lượng cao còn gặp không ít khó khăn do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động lên lực lượng lao động có trình độ thấp dẫn đến người lao động phổ thông mất hoặc thiếu việc làm; chất lượng đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nhất là đối với các lĩnh vực, ngành nghề đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao. Bên cạnh đó, công tác phối hợp giữa nhà trường và DN mới dừng lại ở việc phối hợp đưa và nhận học sinh, sinh viên tham gia thực hành, thực tập tại DN; một số cơ sở đào tạo nghề tập trung chủ yếu giảng dạy lý thuyết trên lớp, thời gian thực hành ít, người lao động sau đào tạo thiếu kỹ năng thực hành nên khó tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp; tình trạng “nhảy việc” của người lao động còn khá phổ biến.
Khắc phục những bất cập trên, nhất là để có lực lượng lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo Sở LĐ-TB &XH Vĩnh Phúc chủ động tham mưu tỉnh có các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiếp tục gắn kết chặt chẽ với DN trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp; chú trọng đào tạo lại, đào tạo thường xuyên để nâng cao trình độ kỹ năng nghề, duy trì việc làm ổn định cho người lao động. Tăng cường áp dụng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề, nhất là kỹ năng mềm trước khi sinh viên tốt nghiệp. Tăng cường công tác phối hợp đào tạo, tuyển chọn lao động giữa DN với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; khai thác có hiệu quả lực lượng lao động đã qua đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho người lao động, thúc đẩy đào tạo lao động theo nhu cầu của thị trường. Cùng với đó, hỗ trợ, hướng dẫn các DN xây dựng kế hoạch tuyển dụng, sử dụng lao động có trình độ theo ngành, nghề cụ thể trên phần mềm cung - cầu lao động của tỉnh. Đổi mới hoạt động thu hút đầu tư, hướng đến các dự án đầu tư chất lượng, phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nhằm tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 có tối thiểu 40% học sinh sau Trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có 1 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao; có khoảng 10 ngành, nghề trọng điểm, trong đó có 1-2 ngành, nghề có năng lực cạnh tranh vượt trội trong khu vực ASEAN; đến năm 2045, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới…
Để thực hiện mục tiêu, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo tăng cường công tác hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động. Mặt khác, đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành chính sách hỗ trợ học phí cho học sinh, sinh viên tham gia học nghề tại các trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn. Qua đó, tạo sức hút tuyển sinh, đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Vĩnh Phúc miễn học phí cho học sinh các cấp
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 18, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2024 - 2025. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ dành nguồn kinh phí từ ngân sách khoảng 142 tỷ đồng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập và ngoài công lập, học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh trong năm học 2024 - 2025. Từ các năm học tiếp theo, tỉnh tiếp tục thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh theo khung học phí mới và ổn định ngân sách giai đoạn 2025 - 2028.