Vĩnh Phúc giải ngân vốn đầu tư công đạt xấp xỉ 62%

Thứ Sáu, 30/09/2022, 12:58

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và việc triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nên 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh Vĩnh Phúc đã giải ngân được 4.286,128 tỷ đồng, bằng 61,8% so với vốn kế hoạch Trung ương giao.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia mới đây, có được kết quả này là do Vĩnh Phúc đã thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công cấp tỉnh, cấp huyện; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các dự án trọng điểm; quy định cụ thể các mốc thời gian hoàn thành giải ngân vốn đối với từng dự án; giao chỉ tiêu, yêu cầu UBND cấp huyện ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư. Đồng thời, rút ngắn các quy trình, thủ tục đầu tư để dự án sớm triển khai thi công; yêu cầu các sở, ngành, chủ đầu tư định kỳ báo cáo tiến độ triển khai dự án.

Vĩnh Phúc giải ngân vốn đầu tư công đạt xấp xỉ 62% -0
Công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên đạt kết quả tích cực, tạo thuận lợi cho nhà thầu thi công dự án.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc giải ngân vốn đầu tư công gặp rất nhiều khó khăn do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chậm và còn vướng mắc về cơ chế, chính sách, trình tự thủ tục. Bên cạnh đó, biến động giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án. Đặc biệt là cơ chế điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hằng năm còn chưa linh hoạt do việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các cơ quan, đơn vị phải báo cáo HĐND trong khi lịch họp HĐND có định kỳ và phải chờ đợi, hạn chế tính chủ động của địa phương trong điều hành ngân sách.

Để tháo gỡ những bất cập trên, hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Chính phủ sửa đổi quy định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trong năm theo hướng do UBND quyết định và báo cáo lại HĐND cùng cấp tại cuộc họp gần nhất; sửa đổi quy định về phê duyệt chủ trương dự án đầu tư theo hướng HĐND phê duyệt danh mục dự án chuẩn bị đầu tư và giao UBND phê duyệt chủ trương đầu tư; sửa đổi quy định về việc cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đối với ngân sách địa phương.

Quyết liệt giải ngân nguồn vốn, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án và các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế trong thực hiện kế hoạch đầu tư công; trường hợp vượt thẩm quyền phải chủ động báo cáo, đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết. Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát các đơn vị chưa hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022, đề xuất UBND tỉnh biện pháp xử lý theo đúng quy định của Luật Đầu tư công. Các sở, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý ngân sách nhà nước, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công, đấu thầu, thanh quyết toán vốn.

Tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằn

Trong thời gian qua, một số dự án lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã đảm bảo tiến độ bàn giao đất cho chủ đầu tư. Mặc dù vậy, tiến độ triển khai tại nhiều dự án, địa phương vẫn còn chậm, đạt thấp so với kế hoạch đề ra.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), 9 tháng năm 2022, toàn tỉnh thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) cho 346 dự án, công trình (bao gồm 239 dự án chuyển tiếp và 107 dự án, công trình giao mới) với tổng diện tích cần thực hiện GPMB hơn 2.893 ha; trong đó, kế hoạch thực hiện GPMB trong năm 2022 là hơn 1.162 ha.

Vĩnh Phúc giải ngân vốn đầu tư công đạt xấp xỉ 62% -2

Đến nay, diện tích đã GPMB đạt hơn 794 ha, đạt hơn 68% kế hoạch năm (so với cùng kỳ năm 2021, diện tích GPMB đã tăng hơn 300 ha). Một số địa phương đạt kết quả tốt trong công tác GPMB như Vĩnh Tường (vượt gần 10% so với KH năm); Bình Xuyên (88,76%); Tam Đảo (85,82%)...

Bên cạnh đó, đã thực hiện tái định cư (TĐC) được 152/929 hộ với diện tích 1,35/18,22 ha, đạt hơn 16% so với KH. Một số các dự án lớn, trọng điểm đảm bảo tiến độ bàn giao đất cho chủ đầu tư. Hiện, các huyện, thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các khu TĐC để lên phương án TĐC cho các hộ gia đình cá nhân thuộc diện TĐC phục vụ công tác GPMB các dự án.

Mặc dù vậy, tiến độ triển khai hỗ trợ, bồi thường, GPMB nhìn chung vẫn chậm, kết quả tại nhiều địa phương đạt thấp so với kế hoạch đã đề ra. Một số vướng mắc kéo dài trong việc di chuyển, hoàn trả các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; việc tái định cư vẫn chưa được thống nhất giải quyết dứt điểm.

Việc xử lý các đồn tại của một số dự án lớn kéo dài nhiều năm vẫn chưa dứt điểm như Khu công nghiệp Chấn Hưng, Tam Dương II-Khu B... Công tác theo dõi, tổng hợp kết quả thực hiện GPMB cùng với việc tổ chức rà soát các vướng mắc để giải quyết chưa được cấp huyện chủ động thực hiện.

Hiện, công tác bồi thường, GPMB gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do một số nội dung thay đổi của Quyết định số 61/2021 so với Quyết định số 35/2014 và Quyết định số 32/2015 của UBND tỉnh dẫn đến cán bộ trực tiếp làm công tác BT - GPMB còn lúng túng.

Một số nội dung vướng mắc do chính sách pháp luật đất đai từ trước đến nay vẫn chưa được giải quyết, thống nhất cụ thể trong văn bản pháp luật. Quyết định số 65/2021 của UBND tỉnh ủy quyền cho cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để tính bồi thường bị bãi bỏ, toàn bộ các dự án cần xác định giá cụ thể chuyển lên Sở TN&MT thực hiện, trình UBND tỉnh phê duyệt đã kéo dài thời gian thực hiện không thể đáp ứng yêu cầu tiến độ của công tác BT - GPMB.

Đơn cử như Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc đã GPMB được 80,52/83,79 ha. Vướng mắc hiện nay là từ tháng 3/2022 đến nay, nhà đầu tư chưa bố trí được kinh phí để chi trả tiền BT; 67 hộ còn lại của 2 thôn chưa đồng ý nhận tiền BT - GPMB, có ý kiến đòi hỏi được BT theo giá thỏa thuận hoặc đổi đất sang vị trí khác để tiếp tục canh tác.

Một số hộ đã nhận tiền theo đơn giá Quyết định số 35 và Quyết định số 32 của UBND tỉnh, nay đề nghị được được hỗ trợ chênh lệch theo đơn giá mới tại Quyết định số 61 của UBND tỉnh.

Vĩnh Phúc giải ngân vốn đầu tư công đạt xấp xỉ 62% -3
Các doanh nghiệp KH&CN đã chủ động, tích cực đề xuất nghiên cứu các nhiệm vụ KH&CN phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác BT - GPMB các dự án, để hoàn thành kế hoạch đề ra trong năm 2022, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước đã giao Sở TN&MT tổng hợp, báo cáo đề xuất với Bộ TN&MT, Bộ Tài chính sửa đổi các quy định về BT, hỗ trợ không phù hợp.

Đặc biệt là việc thuê đơn vị tư vấn trong xác định giá cụ thể để tính BT- GPMB; phê duyệt giá cụ thể, kinh phí cho công tác thuê đơn vị tư vấn xác định giá; kinh phí phục vụ công tác GPMB theo Thông tư số 74 ngày 15/5/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ TĐC khi Nhà nước thu hồi đất và chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan dự thảo quyết định điều chỉnh, bổ sung một số quy định trong Quyết số 61 của UBND tỉnh.

Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn Tổ chức Phát triển quỹ đất cấp huyện theo Luật Đất đai để quản lý quỹ đất và phục vụ công tác bồi thường, GPMB các dự án đầu tư về vật chất và con người, từ đó, giải quyết được các nội dung vướng mắc trong thực hiện quy trình, trình tự GPMB...

UBND các huyện, thành phố tập trung, quyết liệt cho công tác bồi thường GPMB, triển khai và đẩy nhanh việc đầu tư các khu TĐC, lưu ý quản lý, xử lý các tài sản thu hồi có giá trị theo quy định; không để đất bị lấn, bị chiếm, quản lý chặt chẽ diện tích đất sau thu hồi.

Đồng thời, chỉ đạo UBND cấp xã có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin về nguồn gốc đất, giấy tờ liên quan đến nguồn gốc đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cho tổ chức làm nhiệm vụ GPMB, phục vụ công tác lập phương án GPMB...

Gần 1.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

9 tháng năm 2022, tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực với gần 1.000 DN đăng ký thành lập mới, tổng số vốn đăng ký đạt hơn 19.300 tỷ đồng, tăng 20,36% về số DN, tăng 124,76% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, số lượng DN thành lập mới tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực gồm khu vực dịch vụ với 631 DN (chiếm 63,16%), tổng vốn đăng ký mới đạt gần 6.120 tỷ đồng, tăng 27,73% về số DN và tăng 20,82% về vốn đăng ký; khu vực công nghiệp - xây dựng với 361 DN (chiếm 36,18%), đạt gần 13.160 tỷ đồng vốn đăng ký mới, tăng 10,74% về số DN và tăng 287,71% về vốn đăng ký.

Nhờ đó, số lượng DN tham gia quay trở lại thị trường có xu hướng tích cực với 340 DN, tăng 16,44% so với cùng kỳ năm 2021, nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trên địa bàn tỉnh trong 9 tháng năm 2022 lên 1.339 DN.

Vĩnh Phúc giải ngân vốn đầu tư công đạt xấp xỉ 62% -0

Đẩy mạnh phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 89 về chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025; UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch số 115, Kế hoạch số 225 thực hiện chiến lược sở hữu trí tuệ và chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2030; tổ chức Ngày hội khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tỉnh lần thứ nhất năm 2022.

Theo đó, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Vĩnh Phúc cũng đã lập Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 báo cáo UBND tỉnh trình Bộ KH&CN. Từ năm 2017, tỉnh đã xây dựng và đưa vào vận hành Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến với mục tiêu tạo môi trường trung gian hiệu quả, kết nối bên cung và bên cầu, khuyến khích đưa các giải pháp công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất. Từ khi Sàn giao dịch đi vào hoạt động đến nay đã có 2.209 doanh nghiệp (DN) tham gia, phần lớn là các DN nhỏ và vừa trong và ngoài tỉnh; hơn 4.000 sản phẩm chào bán và rất nhiều sản phẩm đăng ký tìm mua trên sàn. Tính đến ngày 15/9/2022, có 8.987 link liên kết xem và tìm kiếm các sản phẩm, dây chuyền thiết bị trên sàn giao dịch...

Theo ước tính, có hàng trăm giao dịch tham gia thị trường KH&CN mỗi năm; các hợp đồng giao dịch đã mang lại doanh thu lớn cho các DN, thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương trong và ngoài tỉnh, đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ thành lập một số DN KH&CN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đến nay, Sở KH&CN đã thẩm định và cấp giấy chứng nhận cho 5 DN KH&CN trên địa bàn. Các DN KH&CN đã chủ động, tích cực đề xuất nghiên cứu các nhiệm vụ KH&CN phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Trong đó, Công ty cổ phần ong Tam Đảo đã nghiên cứu đề tài cấp Bộ về ứng dụng tiến bộ KH&CN phát triển nghề nuôi ong mật và chế biến các sản phẩm ngành ong theo hướng sản xuất hàng hóa tại tỉnh; Công ty TNHH Nấm Phùng Gia thực hiện đề tài nghiên cứu ứng dụng, hoàn thiện công nghệ tự động hóa nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng hiệu quả sản xuất nấm đùi gà tại công ty và trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Các ngành chức năng đã kiểm tra, thẩm định, đang hoàn tất các thủ tục để Công ty TNHH Một thành viên Quế Lâm Phương Bắc mở rộng diện tích đi vào hoạt động thêm lĩnh vực KH&CN. Hoạt động chuyển giao công nghệ được các DN ngày càng chú trọng, nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được ký kết và đăng ký với cơ quan quản lý. Trong năm 2022, có 8 hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại Sở KH&CN Vĩnh Phúc. Việc chuyển giao và ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cũng đã góp phần vào các hoạt động của thị trường KH&CN. Trong thời gian qua, tỉnh đã hỗ trợ 4 nhiệm vụ KH&CN cho các DN với tổng số tiền trên 9,1 tỷ đồng.

Vĩnh Phúc giải ngân vốn đầu tư công đạt xấp xỉ 62% -1

Vĩnh Phúc mong muốn sớm được triển khai dự án “Phát triển năng lực địa phương”

Tại tọa đàm về dự án “Phát triển năng lực địa phương” do Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn khẳng định, đây là cơ hội để Vĩnh Phúc phát triển năng lực địa phương. Qua các ý kiến thảo luận, đề xuất cho tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, Vĩnh Phúc sẽ tiếp thu và thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung cần USAID hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực quản lý của chính quyền địa phương từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Cùng với đó, lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương của Vĩnh Phúc đề nghị USAID tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Vĩnh Phúc các hoạt động về quản trị y tế, công nghệ gen, tế bào gốc trong điều trị bệnh, nâng cao sức khỏe người dân; hỗ trợ, kết nối với các tổ chức quốc tế đào tạo nâng cao trình độ ngoại ngữ, trình độ công nghệ thông tin, bảo mật an toàn an ninh thông tin, phát triển hạ tầng số, công nghệ lõi, tạo nền tảng vững chắc để Vĩnh Phúc đẩy nhanh xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Nhiều đại biểu đề nghị USAID quan tâm, hỗ trợ các giải pháp liên kết cộng đồng doanh nghiệp; xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; chương trình, dự án hỗ trợ trẻ em yếu thế có cơ hội học tập, tu nghiệp tại các nước phát triển. Có các dự án ứng dụng công nghệ mới trong xử lý chất thải, nhất là xử lý chất thải rắn; dự án phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao; dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ...

Ông Bradley Bessire, Phó Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, sau buổi tọa đàm này, USAID sẽ lựa chọn các nội dung hỗ trợ phù hợp nhất cho tỉnh nhằm nâng cao năng lực của chính quyền và các tổ chức trên địa bàn, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có trình độ, chuyên nghiệp, vì nhân dân phục vụ, đáp ứng tốt yêu cầu hội nhập kinh tế.

PV
.
.
.