Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI

Thứ Hai, 06/06/2022, 08:15

Dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở lại trạng thái bình thường như trước khi dịch COVID-19 xuất hiện. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng và đổ vốn vào Việt Nam.

Theo đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 5 tháng đầu năm 2022 ước tính đạt 7,71 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức vốn thực hiện cao nhất của 5 tháng đầu năm các năm 2018-2022.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng vào môi trường đầu tư

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Duy Đông cho biết, dịch bệnh đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn các hoạt động luân chuyển hàng hóa, làm trì hoãn tiến độ thực hiện các dự án, khiến các tập đoàn, tổng công ty đa quốc gia buộc phải tính toán chiến lược đầu tư, các nước đều phải nghiên cứu thay đổi chính sách thu hút đầu tư cho phù hợp với bối cảnh mới. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn là điểm sáng trên bản đồ thu hút FDI. Các nhà đầu tư đến từ châu Á, châu Âu, Hoa Kỳ và ASEAN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam.

“Việc nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những giải pháp rất hiệu quả của cả Chính phủ, doanh nghiệp (DN) và người dân trong việc kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch COVID-19 để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế”, ông Trần Duy Đông nói.

Số liệu từ Bộ KH&ĐT cho thấy, tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 11,71 tỷ USD, bằng 83,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tuy vốn đăng ký mới giảm 53,4%, nhưng vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp tăng mạnh lần lượt là 45,4% và 51,6%. Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 6,8 tỷ USD, chiếm 58,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nếu xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất.

Đáng chú ý, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2022. Bình Dương dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,52 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp gần 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Bắc Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 1,65 tỷ USD. TP.Hồ Chí Minh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1,3 tỷ USD.

Tổng cục Thống kê cho rằng, trong 5 tháng qua, tín hiệu đáng mừng là vốn điều chỉnh (đây chính là phần mở rộng vốn bổ sung của nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam); vốn góp, mua cổ phần (con số này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với Việt Nam) vẫn tăng lên. Con số này phản ánh đúng xu hướng chung của sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế nhất là trong bối cảnh chiến tranh Nga – Ukraine và dòng vốn FDI toàn cầu suy giảm.

3.jpg -0
Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới.

Chuẩn bị hạ tầng để đón các dự án công nghệ cao

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, đầu năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã trao 22 giấy chứng nhận đầu tư cho các DN đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, động thổ xây dựng KCN Việt Nam-Singapore (VSIP III) với diện tích 1.000ha. Một trong số dự án lớn được nối tiếp trong dòng chảy thu hút vốn FDI của tỉnh là dự án xây dựng nhà máy của Tập đoàn LEGO và Tập đoàn Pandora với tổng số vốn hơn 1,1 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, 2 nhà máy này sẽ cung cấp việc làm cho hơn 10.000 lao động. Đến nay, tỉnh có hơn 4.033 dự án đầu tư nước ngoài đang còn hiệu lực với tổng vốn trên 38 tỷ USD; trong đó, có 29 KCN tập trung với tổng diện tích gần 13.000ha, tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt trên 83,4%.

“Chính quyền tỉnh Bình Dương cam kết tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các DN trong và ngoài nước trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động kinh doanh”, ông Võ Văn Minh nhấn mạnh. Theo đó, tỉnh Bình Dương ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước phát triển, đối tác tiềm năng hàng đầu thế giới với trình độ quản trị hiện đại, trong đó có đối tác Pháp vào các ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics; các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào KCN khoa học công nghệ... để Bình Dương trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng cho biết, Vĩnh Phúc sẽ tạo thuận lợi hơn nữa trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước để thu hút được những dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao. Nhằm tạo thuận lợi hơn nữa trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai, môi trường đầu tư, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho DN. Tạo điều kiện tối đa để các dự án triển khai nhanh và hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Ông John Campbell, Phó Giám đốc, Bộ phận Dịch vụ Công Nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, với những điều kiện thuận lợi về chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo. Trong năm 2021, chúng tôi ghi nhận lượng lớn vốn FDI sản xuất tập trung tại khu vực miền Bắc. Tuy nhiên, bước sang quý I/2022, dòng vốn này đang chảy vào các tỉnh thành phía Nam, chiếm 88% tổng vốn đăng ký. Điều này là nhờ vào khoản đầu tư trị giá 1,3 tỷ USD của Tập đoàn Lego tại Bình Dương và Coca-Cola trị giá 136 triệu USD tại Long An.

“Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế và chiến dịch tiêm chủng thành công của Việt Nam trong thời gian qua đã tạo cơ sở vững chắc cho các DN FDI đặt niềm tin vào sự phục hồi thị trường của Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phát triển ngoài mong đợi vào năm 2022 khi nhu cầu trong nước phục hồi và dòng FDI vẫn tăng trưởng ổn định. Đáng chú ý, từ cuối năm 2021 đến nay, chúng ta đã có một số bước phát triển tích cực, mới nhất là việc mở lại biên giới và miễn visa cho công dân của 13 quốc gia. Điều này rất có ý nghĩa với các chủ đầu tư cũng như khách thuê là các công ty đa quốc gia chưa thể đến Việt Nam. Các công ty này có thể đến xem dự án trực tiếp, ký hợp đồng thuê, thiết lập các cơ sở tại Việt Nam cũng như hoàn thiện giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký DN”, ông John Campbell nhấn mạnh.

TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, trong thời gian này cần duy trì sức hút với thị trường truyền thống, mở rộng hợp tác với thị trường tiềm năng. Trong đó, thu hút FDI cần cân đối, hợp lý giữa các vùng miền, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam trong giai đoạn tới, do vậy cần có quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ nguồn vốn FDI. Theo đó, những địa phương có kết cấu hạ tầng tương đối hiện đại và nguồn nhân lực có chất lượng thì tập trung thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, dự án nghiên cứu phát triển, dịch vụ hiện đại.

Những địa phương điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn vẫn tiếp tục thu hút các dự án FDI vào những ngành thâm dụng lao động, nhưng phải đảm bảo các điều kiện về công nghệ, môi trường, tiết kiệm năng lượng. Danh mục các dự án quốc gia gọi vốn FDI sẽ xác định rõ từng loại dự án quy mô lớn theo ngành trên từng địa bàn cụ thể, vừa rõ ràng minh bạch với các nhà đầu tư nước ngoài, vừa tránh được sự cạnh tranh chạy dự án giữa các địa phương, giữa các nhà đầu tư,... làm xấu và giảm sức cạnh tranh của môi trường đầu tư Việt Nam.

Để thu hút nguồn vốn FDI, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện biện pháp phát triển các ngành dịch vụ theo chiều sâu; tăng năng suất khu vực dịch vụ và khu vực sản xuất kinh doanh, hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ; bổ sung các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư FDI hiệu quả, chất lượng cao.

“Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón nhận làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho hay.

Lưu Hiệp
.
.
.