Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của vốn FDI
Dòng vốn FDI bị ảnh hưởng do suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam cũng trong sự ảnh hưởng đó. Theo đó, trong quý I/2023, thu hút FDI giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trước sự sụt giảm đó, nhiều tổ chức tài chính quốc tế, hiệp hội DN nước ngoài, nhà đầu tư vẫn đánh giá Việt Nam là một điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn và tin tưởng vào triển vọng hồi phục trong thời gian tới.
Điểm đầu tư quan trọng của nhà đầu tư nước ngoài
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong quý I/2023, Việt Nam thu hút FDI mới đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 4,32 tỷ USD, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, là do trong 3 tháng cuối năm 2022 có sự gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, với tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD.
Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022. Đánh giá chung về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong quý đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, tỷ trọng vốn đầu tư mới trong tổng vốn đăng ký tăng lên (chiếm hơn 55,5% so với 36% cùng kỳ năm 2022), trong khi tỷ trọng vốn đầu tư điều chỉnh giảm đi (chiếm 22,2% so với 45,6% trong cùng kỳ).
Tỷ trọng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng nhẹ từ 18,3% trong 3 tháng năm 2022 lên 22,3% trong 3 tháng năm 2023. Các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Đồng Nai, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng…
Về vấn đề FDI suy giảm, chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, trong vài năm qua, các cam kết FDI đều giảm trên toàn cầu, trong đó, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Nhưng điểm hứa hẹn là việc triển khai thực hiện các nguồn vốn đã cam kết FDI tăng nhiều trong năm ngoái, để hỗ trợ tăng trưởng tốt hơn.
Cùng với đó, các nhà đầu tư vẫn đánh giá cao môi trường đầu tư tại Việt Nam. Theo Báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý I/2023 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Decision Lab vừa công bố cho thấy, lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) châu Âu nhận định, nền kinh tế Việt Nam đã có một số cải thiện nhất định nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng. Một điểm đáng khích lệ là triển vọng môi trường kinh doanh năm 2023 đang cho thấy những dấu hiệu cải thiện đáng mong đợi.
Cụ thể, số người lạc quan về nền kinh tế quốc gia đã tăng 8 điểm, cho thấy niềm tin ngày càng tăng vào triển vọng kinh tế. Tương tự, một điểm đáng chú ý là số người tham gia khảo sát dự đoán nền kinh tế sẽ ổn định và phát triển đã tăng và số người dự đoán sẽ có cải thiện đối với doanh thu và đơn hàng tăng 7%.
Thông qua một loạt các sáng kiến chiến lược nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho vốn đầu tư nước ngoài cũng như các DN trong nước. Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhìn chung, cộng đồng DN và nhà đầu tư châu Âu hài lòng với mức độ quan tâm của các nhà hoạch định chính sách đối với nhu cầu kinh doanh tại Việt Nam, với 1/3 số người được hỏi bày tỏ sự hài lòng đáng kể hoặc vừa phải. Phản hồi tích cực này là minh chứng cho cam kết bền vững của Chính phủ đối với việc thúc đẩy môi trường kinh doanh thân thiện…
Cần hướng tới thu hút FDI có tri thức đổi mới sáng tạo
Ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho rằng, Việt Nam đã trở thành đối tác chiến lược toàn diện, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc là hỗ trợ lẫn nhau. Vốn của Hàn Quốc đổ vào Việt Nam mang tính đầu tư và hỗ trợ nhau rất lớn, phù hợp về lao động, nguồn nhân lực, và đang mang lại lợi nhuận cao cho DN.
Thời điểm hiện tại, đơn đặt hàng đang bị suy giảm mạnh ở các ngành hàng như may mặc, túi xách, giày dép…, giảm tới 50% so với những năm trước, điều này cũng dẫn tới sự khó khăn nhất định của nhà đầu tư Hàn Quốc đang đầu tư hoặc mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, “tôi cho rằng đây chỉ làm tình huống tạm thời, dự báo đơn hàng sẽ quay trở lại, khi kinh tế vĩ mô của thế giới hồi phục lại”, ông Hong Sun kỳ vọng.
Để Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, ông Hong Sun cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu so sánh với các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài ở các nước lân cận để tăng khả năng cạnh tranh thu hút FDI. Đồng thời, cũng cần sớm giải quyết một số vướng mắc và một số khó khăn mà các nhà đầu tư Hàn Quốc thấy chưa hợp lý, chưa rõ về căn cứ thực thi. Ví dụ như vấn đề giấy phép lao động, cấp visa và cấp thẻ tạm trú, quy định phòng cháy, chữa cháy...
“Chúng tôi hy vọng Chính phủ và các bộ, ngành sớm hướng dẫn để DN có thể giải quyết được những vướng mắc này. Đó chính là mong muốn của các thành viên KoCham để tiếp tục phát triển và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Tôi cho rằng, khi những vấn đề trên được cải thiện thì FDI của Hàn Quốc vào Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng”, ông Hong Sun nhấn mạnh.
Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit cho biết, từ trước đến nay, Chính phủ Việt Nam hành động nhanh chóng và quyết đoán trong thời kỳ khủng hoảng. Do đó, các thành viên EuroCham mong đợi các biện pháp hiệu quả hơn trong nửa cuối năm nay.
Những cải cách sắp tới đối với thủ tục cấp phép lao động và thị thực du lịch có thể sẽ tác động trực tiếp đến tăng trưởng. Cộng đồng DN châu Âu cảm thấy tích cực về tương lai nền kinh tế Việt Nam, và mong muốn được tham gia các cuộc đối thoại hữu ích với Chính phủ Việt Nam.