Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nguồn vốn FDI

Chủ Nhật, 10/11/2024, 07:31

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam 10 tháng qua đạt hơn 27 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm trước. Theo các chuyên gia, vốn FDI đổ vào Việt Nam vẫn trong xu hướng tăng, trong đó ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ. Hiện, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Đón nhận dòng vốn FDI công nghệ mới

Theo Tổng cục Thống kê, giải ngân vốn FDI cũng tiếp tục xu hướng tích cực. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 10 tháng năm 2024 ước đạt 19,58 tỷ USD, tăng 8,8% so cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, thu hút FDI và xuất khẩu vẫn tiếp đà tăng của 2024 và là động lực quan trọng dẫn dắt cho tăng trưởng kinh tế cho năm 2025.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nguồn vốn FDI -0
Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Ảnh minh họa

Trong Báo cáo Tiêu điểm ngành công nghiệp Việt Nam 2024: Làn sóng mới của Savills Việt Nam công bố ngày 8/11 nhận định, thành công của ngành công nghiệp Việt Nam được củng cố bởi nhiều yếu tố, bao gồm lực lượng lao động năng động, các chính sách ưu đãi của Chính phủ, sự cởi mở trong hợp tác thương mại, vị trí chiến lược cùng với sự nâng cấp và cải thiện liên tục của cơ sở hạ tầng. Các ngành có giá trị cao như điện tử và chất bán dẫn đang thúc đẩy sự tăng trưởng, định hình nhu cầu bất động sản và thu hút đầu tư khu vực. Trong thu hút vốn FDI của Việt Nam, dẫn đầu là các ngành có giá trị cao như điện tử, linh kiện ôtô, chất bán dẫn và công nghệ xanh. "Việt Nam đã chuyển đổi từ quá trình sản xuất truyền thống, với các công ty tập trung tìm kiếm chi phí lao động thấp hơn, thành một quốc gia công nghệ cao, chuyên sâu hơn, với năng lực sản xuất cao", ông Troy Griffiths, Phó Giám đốc Savills Việt Nam cho biết.

Trao đổi với PV Báo CAND chiều 9/11, TS. Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (VEPR) - Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội cho rằng, chúng ta thấy rõ xu hướng dịch chuyển sản xuất, đầu tư từ Trung Quốc sang các nước ASEAN trong đó có Việt Nam được tiếp nhận các dòng vốn tương đối nhiều.

Theo thống kê, trong số 76 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 10 tháng năm 2024, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,98 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 2,08 tỷ USD; Trung Quốc 2,07 tỷ USD; Hồng Kông (Trung Quốc) 1,69 tỷ USD... Nếu xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới từ đầu năm nay, chiếm 28,6% tổng số dự án. Qua đó có thể thấy, dòng vốn FDI từ thị trường Trung Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) vào Việt Nam đang ngày càng tăng tốc.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nguồn vốn FDI -1
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng, sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Cùng với đó, là sự khởi sắc thương mại ở những sản phẩm công nghệ cao, liên quan đến khu vực chip, bán dẫn, cũng như là các sản phẩm sản xuất ôtô điện hay là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Hy vọng là cùng với làn sóng thương mại của năm 2024 ở trong những lĩnh vực đó cũng sẽ kéo theo sự gia tăng của FDI. 10 tháng qua, nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn.

Đáng chú ý, Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn của Singapore tại Bắc Ninh điều chỉnh mở rộng dự án thêm 1,07 tỷ USD. Cùng với đó, tập đoàn lớn như Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất của mình vào Việt Nam. Đồng thời, "bộ ba" đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam,... Bên cạnh đó, cũng gia tăng những doanh nghiệp trong lĩnh vực truyền thống như dệt may, da giầy…

Phó Giáo sư-TS. Nguyễn Thường Lạng, Giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân cũng cho rằng, đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, không chỉ trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo mà cả logistics, lĩnh vực năng lượng và các lĩnh vực liên quan đến bán buôn bán lẻ, pin mặt trời, xe điện sẽ tăng lên trong thời gian tới. Bởi Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý gần Trung Quốc, với những lợi thế về môi trường đầu tư ổn định, thị trường xuất khẩu được mở rộng, cùng với đó với số lượng FTA đã ký kết, Việt Nam đang được nhiều công ty đa quốc gia lựa chọn và tận dụng cơ hội để đưa vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Kỳ vọng có "đại bàng" đến làm tổ

TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, thương mại khởi sắc sẽ kéo theo sản xuất, xuất khẩu và đầu tư. Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu càng mạnh trong lĩnh vực lắp ráp, chế biến, chế tạo, điện thoại, điện tử, may mặc, da giầy, đồ gỗ… đồng thời cũng là những lĩnh vực tiếp tục đón nhận dòng vốn FDI từ đăng ký mới và đăng ký bổ sung từ các dự án đã có sẵn ở Việt Nam. Đây là sự tăng trưởng được nhìn thấy rất rõ thời gian qua.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với nguồn vốn FDI -0
Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu.

Song, TS Việt cho rằng, trong lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, điện tử thì Việt Nam mới đang ở phần gia công lắp ráp là chính. Để có bước đột phá thì cần phải có được những nhà đầu tư lớn vào đầu tư và những lĩnh vực liên quan. Chúng ta cũng đang săn đón và mong mỏi có những nhà đầu tư liên quan đến trung tâm dữ liệu, AI, internet, tuy nhiên cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Bởi, không chỉ là môi trường, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mà còn có nhiều yếu tố khác đồng thời phụ thuộc vào chiến lược đa quốc gia của tập đoàn đấy. "Nếu chúng ta có được những "đại bàng" dẫn dắt như vậy thì chúng ta có thể có thể hy vọng những tập đoàn, doanh nghiệp lớn sẽ kéo theo chuỗi giá trị bao gồm cả những lĩnh vực công nghệ cao khác có liên quan đến Việt Nam", TS. Việt cho hay.

Về xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư toàn cầu và đầu tư vào Việt Nam, các chuyên gia cho rằng, với sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định vĩ mô, chính sách đầu tư hạ tầng và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư toàn cầu. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư cần nắm bắt những cơ hội này để xây dựng chiến lược phát triển bền vững và hiệu quả trong giai đoạn tới.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp châu Âu lên kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Trong số các doanh nghiệp chia sẻ kế hoạch mở rộng, hơn một nửa dự định mở rộng hoạt động, với nhiều kế hoạch phát triển các cơ sở sản xuất mới ở miền Bắc hoặc mở thêm văn phòng tại các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại công bố báo cáo Chỉ số Niềm tin Kinh doanh (BCI) quý 3/2024 cho thấy, 67% doanh nghiệp châu Âu nhận định: Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. "Kết quả này không chỉ là những con số, mà còn tô điểm một bức tranh toàn cảnh, nêu bật sự phát triển của Việt Nam như một trung tâm kinh doanh chiến lược", ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch EuroCham nhận định.

 Lưu Hiệp
.
.
.