Về xứ Dừa, nghe chuyện nông dân tỷ phú…

Thứ Sáu, 27/10/2023, 11:30

Chỉ trong thời gian ngắn, Bến Tre đã lập được 10 Câu lạc bộ (CLB) Nông dân tỷ phú, với 2.384 thành viên, tất nhiên đều là… nông dân. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao và phổ biến nhân rộng. Lãnh đạo tỉnh cũng rất đặc biệt quan tâm dõi theo hoạt động của các CLB này. Riêng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND Hồ Thị Hoàng Yến đã nhiều lần thăm, thậm chí tham dự sinh hoạt tại CLB...

Làm giàu theo hướng bền vững

Lần về cuối cù lao Minh ở Bến Tre cách nay chưa lâu, tôi tình cờ biết nông dân Đặng Văn Bảy, quen gọi là Bảy An.

Thú thật khi mới gặp người nông dân này, tôi chưa hình dung rằng, đấy là tỷ phú. Thế nhưng khi nghe ông kể chuyện con tôm mà ông từng gắn bó, tôi càng thấy giá trị của sự cần cù, chịu khó, đặc biệt là sự tinh tế - độ nhạy bén của người nông dân này, nhất là khi ông thấy được xu hướng phát triển bền vững của con tôm gắn với vùng đất Thạnh Phong, vốn chỉ được biết đến như là một trong những nơi chịu nhiều mất mát, hy sinh trong chiến tranh của quê hương Đồng Khởi.

Về xứ Dừa, nghe chuyện nông dân tỷ phú… -0
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bến Tre Hồ Thị Hoàng Yến dự buổi sinh hoạt lệ kỳ lần thứ VI, CLB Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú.

“Tôm thì dân miền Tây, nhất là các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau,… nuôi nhiều, và nuôi từ lâu lắm rồi”, Bảy An bắt đầu chuyện. Cũng như bao nông dân nuôi tôm ở đất Thạnh Phong này, Bảy An khởi đầu việc nuôi tôm theo lối truyền thống - nuôi trong ao đất, tùy thuộc khá nhiều vào… trời đất.

“Thành công cũng lắm nhưng thất bại thì cũng không ít, thậm chí có lúc tưởng chừng bỏ cuộc,. Nhưng chính giai đoạn đó đã giúp cho tôi tích lũy được nhiều điều quý giá, làm nền tảng cho sau này”, Bảy An nhớ lại thời điểm cách nay gần tròn 30 năm, ngay sau khi ông hoàn thành nghĩa vụ quân sự, về lại địa phương, tiếp tục nghiệp nông dân bằng việc nuôi tôm. 

“Lên bờ, xuống ruộng” với cách nuôi truyền thống, phải đến năm 2015, sau khi cất công tham quan nhiều nơi, Bảy An cảm thấy rất hứng thú với mô hình nuôi tôm chuyên canh công nghệ cao. Và năm sau đó, ông quyết định nuôi theo hướng này, trở thành nông dân tiên phong của huyện Thạnh Phú với mô hình bền vững vừa kể.

Về xứ Dừa, nghe chuyện nông dân tỷ phú… -0
Nông dân Bảy An (thứ hai, từ trái sang) từng xác lập kỷ lục tôm nuôi 14,6 con/kg.

Theo chân Bảy An đến trang trại ở ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, chúng tôi thật sự thích thú về mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 3 giai đoạn theo hệ thống tuần hoàn khép kín. Không “tham” diện tích theo kiểu nuôi truyền thống, “có bao nhiêu, nuôi hết bấy nhiêu”, với phương thức này, trên mỗi hécta đất, người nuôi thường chỉ dùng tối đa chỉ khoảng 1/3 diện tích để nuôi, phần còn lại dùng để xây bể lắng, hạ tầng phụ trợ khác.  

Bắt đầu với nghiệp nuôi tôm với số vốn ban đầu chưa tới 200 triệu đồng, với 1,5ha đất nhưng nhờ đi đúng hướng, nhất là phương thức nuôi hiệu quả, an toàn, bền vững, lại liên tục… trúng, giờ cơ ngơi của Bảy đã lên trên 50ha, trong đó có 25 ha chuyên dụng cho 40 ao nuôi theo mô hình tuần hoàn khép kín.

Nhớ hồi Bảy An nuôi được tôm đạt kích cỡ “khủng” – chưa tới 15 con/kg, nhiều người đã gọi ông là “Vua tôm”. Vào thời điểm tôm được giá, với sản lượng 400 tấn/năm, ông đạt tổng doanh thu 80-100 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 30 tỷ đồng…

Chính vì dàm nghĩ, dám làm và làm hiệu quả, Bảy An đã trở thành điển hình nông dân sản xuất giỏi của tỉnh. Năm 2021, Bảy An được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”. Sang năm 2022, ông được tặng Bằng khen với thành tích “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2017-2022.

Ông cũng từng là một trong những đại biểu của xứ Dừa ra Thủ đô tham dự Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ X; nhận nhiều bằng khen, giấy khen, chứng nhận của nhiều cơ quan, tổ chức. “Tôi tự hào khi trang trại của mình cách nay chưa lâu được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), lãnh đạo tỉnh Bến Tre, đặc biệt là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngày đó đến thăm”, Bảy An cho biết thêm.

Tín hiệu vui từ CLB nông dân tỷ phú

Về xứ Dừa Bến Tre, tôi thật sự thích thú câu chuyện “CLB Nông dân tỷ phú”. Không phải chỉ là 1-2 CLB, mà có đến cả chục CLB, với số lượng thành viên lên đến hơn 2.300 người.

Về xứ Dừa, nghe chuyện nông dân tỷ phú… -0
Nông dân Lê Văn Sấm, thành viên CLB Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.

Trong các CLB này, đã xuất hiện nhiều nông dân tiêu biểu. Chẳng hạn như ở huyện Thạnh Phú, điển hình được lãnh đạo tỉnh hay nhắc đến chính là nông dân Đặng Văn Bảy; ở huyện Châu Thành, có ông Huỳnh Văn Quận (trồng bưởi đạt chuẩn VietGap); ở huyện Bình Đại, có ông Nguyễn Hữu Thanh (trồng nhãn); ở huyện Ba Tri có ông Lưu Văn Cõi (nuôi bò giống chất lượng cao); ở huyện Chợ Lách có bà Nguyễn Thị Nga (trồng hoa kiểng trong nhà lưới),...

Theo ông Trần Văn Tơ, Chủ nhiệm CLB Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú, CLB được thành lập vào đầu 2021, phần lớn thành viên của CLB nuôi tôm công nghệ cao. “Cứ 2 tháng, CLB sinh hoạt định kỳ 1 lần. Nội dung chính vẫn không nằm ngoài mục đích cùng chia sẻ, cùng nhau phát triển. Lúc đầu chỉ có 26 thành viên, nhưng đến nay tăng lên 41 thành viên”, ông Tơ cho biết.

Vui nhất là qua phát động về thực hiện Phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, 100% thành viên CLB đăng ký tham gia, trong đó cấp trung ương có 7 thành viên, cấp tỉnh 28 thành viên, còn lại là cấp huyện. Thành viên Lê Văn Sấm vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2023.

Về xứ Dừa, nghe chuyện nông dân tỷ phú… -0
Một vùng nuôi tôm theo phương pháp công nghệ cao của nông dân huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Đáng mừng hơn là từ sự chia sẻ kinh nghiệm nuôi hiệu quả của các thành viên “gạo cội” như Bảy An, Ba Sấm, Tư Sia,…nhiều thành viên khác đã trở nên tự tin hơn qua việc mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích. Năm 2022, vùng nuôi của CLB đã tang thêm 40 ha, nâng tổng diện tích nuôi của mô hình công nghệ cao lên 250 ha; tổng sản lượng tôm thương phẩm hàng năm đạt trên 2.700 tấn…

Điều khá đặc biệt nhất, đó là lãnh đạo tỉnh luôn dõi theo hiệu quả hoạt động của các CLB Nông dân tỷ phú. Riêng Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND Hồ Thị Hoàng Yến đã nhiều lần thăm, thậm chí tham dự sinh hoạt của CLB Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú…

Trong lần sự sinh hoạt vào tháng 8/2023 vừa qua, lãnh đạo Tỉnh uỷ ghi nhận, ngợi khen nhiều nỗ lực, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay (giá tôm xuống và duy trì ở mức thấp, trong khi chi phí đầu vào như thức ăn, thuốc, con giống cao,…), CLB vẫn làm tốt vai trò nòng cốt trong việc thực hiện Nghị quyết số 07 về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Bên cạnh đó, đại đa số các thành viên CLB đều tham gia, vận động nhiều hội viên nông dân tham gia vào các loại hình kinh tế tập thể tại địa phương, góp phần thành lập mới, nâng chất các mô hình kinh tế tập thể hoạt động ngày càng có hiệu quả, thực chất…

Về xứ Dừa, nghe chuyện nông dân tỷ phú… -0
Nông dân Nguyễn Quốc Khởi, một thành viên CLB Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú.

Khi nghe lãnh đạo tỉnh cho hay định hướng tới đây thành lập HTX nuôi tôm công nghệ cao, các thành viên CLB phấn khởi cho biết rất sẽ tham gia nhiệt tỉnh nhằm góp phần xây dựng nên thương hiệu cho con tôm xứ Dừa…

Sau lần sinh hoạt vừa kể, một thành viên của CLB bộc bạch với PV Báo CAND rằng, con tôm không chỉ đổi đời của bao người, mà còn góp phần thay đổi từng ngày diện mạo của cả vùng quê nghèo cuối cù lao này.

 “Chúng tôi muốn xây một tượng đài tôm ở đây, tựa như ở An Giang từng xây dựng một tượng đài cá tra bên bờ sông Hậu. Tượng đài thật ra chỉ tính tượng trưng, giá trị tinh thần nhưng đấy là biểu hiện cho sự tôn vinh nghề nuôi tôm, gắn với sản vật trời ban cho vùng đất trù phú này…”, nông dân Nguyễn Quốc Khởi, một thành viên CLB Nông dân tỷ phú huyện Thạnh Phú đề xuất ý tưởng.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế và khát vọng làm giàu theo tinh thần Đồng Khởi khởi nghiệp của những nông dân có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên, nếu có nguyện vọng, nông dân đó sẽ được xem xét, kết nạp là thành viên “CLB Nông dân tỷ phú”. Từ năm 2018 đến nay, Bến Tre đã lập được 10 CLB Nông dân tỷ phú, với 2.384 thành viên là… nông dân. Đây là mô hình đầu tiên của cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao và phổ biến nhân rộng.

“Các CLB Nông dân tỷ phú đã tạo nền tảng để phát triển một số tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; chính những thành viên CLB là những người đóng vai trò nòng cốt, là những hạt nhân quan trọng để thúc đẩy phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi vươn lên làm giàu chính đáng của nông dân trong tỉnh”, lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bến Tre đánh giá.

Thái Bình
.
.
.