Tuyên truyền, vận động ngư dân bám biển, khai thác hải sản hợp pháp
Ngư dân ở các tỉnh, thành vùng duyên hải miền Trung, trong đó có ngư dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang bước vào cao điểm khai thác hải sản vùng biển xa. Thời gian qua, cùng với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng, lực lượng Công an cơ sở đóng tại các xã miền biển ở tỉnh Thừa Thiên Huế đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con ngư dân nỗ lực bám biển, khai thác hải sản đúng quy định nhằm chung sức tháo gỡ "thẻ vàng" IUU (chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định).
Sáng sớm một ngày đầu tháng 7/2024, PV Báo CAND tìm về âu thuyền xã Phú Hải (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) và bắt gặp các ngư dân đang hối hả chuẩn bị ngư lưới cụ, nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến ra khơi bám biển dài ngày. Phú Hải là một trong xã biển của huyện Phú Vang có nhiều người dân tham gia đi biển khai thác hải sản và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Hiện toàn xã Phú Hải có hơn 40 tàu cá công suất lớn, trong đó có nhiều tàu hơn 800CV và 180 tàu thuyền đánh bắt vùng biển bãi ngang. Do đó, ngoài công tác tuần tra đảm bảo ANTT, phòng, chống trộm cắp tài sản tại âu thuyền neo đậu tàu cá, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Công an xã Phú Hải còn tích cực phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động chủ tàu và ngư dân lao động trên các tàu cá chấp hành nghiêm các quy định pháp luật trong quá trình khai thác, đánh bắt hải sản trên biển.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Thành, Trưởng Công an xã Phú Hải cho biết, lực lượng Công an xã chú trọng công tác tuyên truyền pháp luật cho các chủ tàu cá thường xuyên khai thác hải sản ở ngư trường xa bờ. Qua đó giúp các chủ tàu và ngư dân hiểu rõ các quy định, không vi phạm, không đánh bắt cá trái phép ở vùng biển nước ngoài, không khai thác hải sản bất hợp pháp để cùng chung sức tháo gỡ "thẻ vàng" IUU.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Minh Hải, Chủ tịch UBND xã Phú Hải, nhờ sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định để tháo gỡ "thẻ vàng" IUU của lực lượng Công an xã và các đơn vị liên quan đã giúp bà con ngư dân nắm rõ các quy định khi khai thác, đánh bắt hải sản trên biển để không vi phạm. Hiện tất cả tàu cá ở xã Phú Hải vươn khơi bám biển đều có thiết bị giám sát hành trình (VMS) đang hoạt động. Thông qua thiết bị giám sát hành trình này, cơ quan chức năng có thể phát hiện tàu cá nào vi phạm, đánh cá trái phép ở vùng biển nước ngoài, tàu nào mất kết nối dữ liệu để có biện pháp khắc phục, xử lý.
Trong khi đó, tại xã biển Phú Thuận (huyện Phú Vang) vào những ngày này, bà con ngư dân cũng đang tất bật bám biển trong đợt cao điểm đánh bắt vụ cá Nam. Vừa trở về sau nhiều ngày đi biển, lão ngư Ngô Đức Tâm, ở xã Phú Thuận cho biết, lúc nào cũng thế, cứ trước mỗi chuyến biển thì các chủ tàu như ông đều được cán bộ xã và các đồng chí Công an xã đến tận tàu tuyên truyền khai thác hải sản hợp pháp, đúng quy định để không dính vi phạm. Nhờ vậy nên bà con ngư dân đều tuân theo để cùng với ngư dân cả nước chung sức tháo gỡ "thẻ vàng" IUU. Bên cạnh đó, thông qua các đội tàu đoàn kết, các ngư dân còn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau nếu có trường hợp tàu cá đi biển gặp sự cố hỏng máy, hết nhiên liệu...
Trao đổi với PV Báo CAND, Trung tá Lương Nghĩa Hiệp, Trưởng Công an xã Phú Thuận cho biết, hiện toàn xã Phú Thuận có 53 tàu cá công suất lớn đánh bắt ở ngư trường xa bờ. Do đó trong thời gian qua, Công an xã đã triển khai các kế hoạch, tổ chức tuần tra bảo vệ tài sản trên tàu cá cho ngư dân, phối hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định về khai thác thủy hải sản đến ngư dân, trong đó chú trọng đến các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định và được chủ tàu, ngư dân chấp hành nghiêm.
Theo ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, qua công tác tuyên truyền tích cực của lực lượng Công an xã và các đơn vị nên ngư dân ở địa bàn xã đã tích cực bám biển khai thác hải sản, chấp hành nghiêm các quy định khi đánh bắt hải sản trên biển để bảo vệ ngư trường và lãnh hải của Tổ quốc. Nhờ vậy nên từ đầu năm 2024 đến thời điểm tháng 7 này, ngư dân xã Phú Thuận khai thác, đánh bắt được gần 900 tấn hải sản. "Tuy sản lượng đánh bắt hải sản có sụt giảm so với cùng kỳ năm trước nhưng để đạt sản lượng như trên thì đòi hỏi ngư dân ở địa bàn xã phải cần mẫn, kiên trì và chịu khó bám biển. Thời gian tới, chính quyền địa phương cùng với các đơn vị, trong đó có lực lượng Công an xã sẽ tiếp tục tích cực tuyên truyền, vận động bà con ngư dân bám biển dài ngày, thực hiện các giải pháp như cải hoán máy móc, đầu tư thêm ngư lưới cụ để khai thác hải sản trên biển đạt hiệu quả, đánh bắt được các loại hải sản có giá trị kinh tế cao hơn", ông Nguyễn Quang Dân khẳng định.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến tháng 7/2024, toàn tỉnh có 682 tàu cá có chiều dài từ 6 mét trở lên đã đăng ký khai thác thủy sản. Tất cả các tàu cá đã đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản đều được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia. Toàn tỉnh có 439 tàu cá từ 15 mét trở lên được trang bị 2 hệ thống gồm thiết bị VMS và thiết bị máy thông tin liên lạc VX 1700 tích hợp định vị vệ tinh GPS để giám sát, quản lý và báo cáo vị trí tàu cá hoạt động trên biển.
Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, tỉnh Thừa Thiên Huế hiện đang tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân, thực hiện theo dõi, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý kịp thời ngay từ trong bờ, trên biển để tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ thực hiện nghiêm việc quản lý đội tàu, xử lý dứt điểm tàu cá "3 không". Đồng thời sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ tàu cá tham gia hoạt động khai thác hải sản, giám sát sản lượng hải sản khai thác tại địa phương; thực hiện xác nhận, chứng nhận truy xuất nguồn gốc hải sản và kiên quyết xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác IUU.