Trung Quốc là thị trường đứng đầu về nhập khẩu rau quả Việt Nam

Thứ Sáu, 22/09/2023, 07:07

Tám tháng năm 2023, xuất khẩu (XK) rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 2,26 tỷ USD, tăng 133,6% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, Trung Quốc đang là thị trường đứng đầu nhập khẩu lớn nhất của nhóm hàng rau quả của Việt Nam và luôn có sự tăng trưởng rất tích cực với hai con số từ đầu năm.

Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương cho biết, bất chấp sự khó khăn chung của thị trường và những xáo trộn trong chuỗi cung ứng, XK nông sản thực phẩm của Việt Nam những năm gần đây vẫn có nhiều bứt phá. Đặc biệt trong năm 2022, nhiều loại nông sản của nước ta như chuối tươi, khoai lang, tổ yến, bưởi, nhãn, chanh leo, sầu riêng… được cấp phép XK sang các thị trường phát triển và có tiêu chuẩn cao trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho XK trái cây.

Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 8/2023, XK rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua con số 3,36 tỷ USD của cả năm 2022. Rau quả cũng là nhóm hàng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất của ngành Nông nghiệp trong 8 tháng năm 2023. Về thị trường XK, Trung Quốc vẫn là thị trường đứng đầu với kim ngạch XK 2,26 tỷ USD, chiếm 63,6% kim ngạch XK toàn ngành rau quả của nước ta trong 8 tháng năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, XK rau quả sang thị trường này 8 tháng năm nay tăng mạnh 133,6% và tăng 47,7% so với tổng kim ngạch cả năm 2022 (1,53 tỷ USD). Với con số 2,26 tỷ USD, XK rau quả sang thị trường Trung Quốc cũng lập kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước đó. Riêng trái cây, mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong XK rau quả là sầu riêng (35%), thanh long (13%), chuối (6%), xoài (6%), mít (5%)… Đây cũng là những mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều.

2.jpg -0
Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất nhóm hàng rau quả của Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, năm nay, Trung Quốc mở cửa trở lại sau chính sách Zero COVID, cùng với việc quả sầu riêng của nước ta được xuất chính ngạch vào quốc gia này đã thúc đẩy kim ngạch ngành hàng rau quả tăng trưởng đột phá sang thị trường này. Ước tính, 8 tháng vừa qua, XK sầu riêng đạt gần 1,3 tỷ USD, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch loại trái cây này của nước ta. Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng được Trung Quốc tăng mua như chuối, mít, thanh long, dưa hấu...

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, sầu riêng, mít… là những mặt hàng trái cây nhiệt đới Trung Quốc chưa trồng được, hoặc trồng được nhưng chất lượng không cao nên tiềm năng và cơ hội để trái cây Việt khai thác rất lớn và tăng giá trị XK trong những năm tiếp theo. Trung Quốc vẫn đang là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam khi chiếm tới gần 65% kim ngạch. Rau quả Việt Nam xuất sang thị trường này, ngoài sầu riêng đang rất được ưa chuộng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm mít, thanh long… Điển hình như sầu riêng chính vụ ở vùng Tây Nguyên với sản lượng và diện tích rất lớn, đặc biệt là trái vụ so với các nước khác đã bắt đầu vào vụ sẽ góp phần đưa giá trị XK rau quả còn tiếp tục tăng cao.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Việt Nam sẽ tiếp tục đàm phán với Trung Quốc các nghị định thư về các mặt hàng xuất nhập khẩu, đặc biệt là các mặt hàng dưa hấu từ mặt hàng XK truyền thống chuyển sang ký nghị định thư để chuẩn hóa quy định; sầu riêng lạnh, ớt, dược liệu và trái cây có múi. Nếu giải quyết được đồng bộ các vấn đề trong XK các mặt hàng này, thì việc giao thương sẽ rất thuận lợi, tốc độ tăng trưởng còn lớn hơn rất nhiều.

Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu, năm 2023, Trung Quốc vẫn sẽ là thị trường hấp dẫn nông sản Việt Nam nhờ nhu cầu bùng nổ sau hậu COVID-19 cộng với lợi thế về vị trí địa lý gần khiến chi phí logistics và rủi ro về thời gian thấp hơn các thị trường khác.

Để khai thác tốt hơn thị trường Trung Quốc, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) cho rằng, các địa phương, doanh nghiệp XK rau quả cần xây dựng thương hiệu sản phẩm và XK theo hình thức chính ngạch, để đảm bảo về chất lượng hàng hoá cũng như tránh những rủi ro không đáng có. Địa phương, DN sản xuất cũng cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm nghiệm kiểm dịch ngày càng khắt khe, nghiêm ngặt của Trung Quốc. Bên cạnh đó cần lưu ý Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, không phải hàng hóa nào, tiêu chuẩn nào người Trung Quốc cũng chấp nhận. Hơn nữa, các mặt hàng XK của Trung Quốc khá tương đồng với Việt Nam, hàng hoá của Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh.

Đây là cơ hội, đồng thời gắn liền với thách thức mà doanh nghiệp Việt đón bắt một cách nghiêm chỉnh để XK sang thị trường này với đầy đủ chứng chỉ, xuất xứ, điều kiện kinh doanh. Để cung cấp thông tin chính thống đến doanh nghiệp có hoạt động giao thương với thị trường Trung Quốc, ngoài việc thường xuyên đưa ra khuyến cáo, Bộ Công Thương đã xây dựng và phát hành Cẩm nang Hướng dẫn XK rau quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là một hợp phần trong Đề án của Chính phủ về thúc đẩy, chuyển đổi hoạt động XK qua biên giới sang hình thức chính ngạch.

Phan Đức
.
.
.