TP Hồ Chí Minh giải ngân hơn 30 nghìn tỉ đồng cho hàng loạt công trình giao thông trọng điểm

Thứ Hai, 01/05/2023, 09:50

Theo ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, dự án đường Vành đai 3 khu vực TP Hồ Chí Minh hiện đang được TP Hồ Chí minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An tập trung cao độ trong việc triển khai nhằm có thể khởi công trước 30/6 năm nay.

Ông Trần Quang Lâm cho biết, khởi công đường Vành đai 3 là sự kiện lớn, không chỉ riêng của thành phố, mà còn của cả các địa phương trong vùng dự án. Để bảo đảm tiến độ các dự án giao thông quan trọng, những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5 này, các công trường như mở rộng Quốc lộ 50, công trình nút giao An Phú… vẫn tiếp tục làm việc. Trong năm nay, các công trình hạ tầng giao thông của thành phố sẽ phải giải ngân trên 30 nghìn tỉ đồng, gấp 8-9 lần so với những năm trước đây. Riêng dự án đường Vành đai 3 sẽ phải giải ngân khoảng 8 nghìn tỉ đồng ngay trong tháng 5.

gt-1682905902546.jpg
Dự án tuyến metro số 1 sẽ được thành phố đưa vào chạy thử cuối năm 2023.

Ngoài tuyến Vành đai 3, năm nay đường Vành đai 2 cũng sẽ được TP Hồ Chí Minh triển khai các hợp phần cuối cùng để khép kín tuyến. Đối với tuyến Vành đai 4, hiện thành phố đang nghiên cứu phương án tài chính và điều chỉnh hướng tuyến để sang đến quý 3 sắp tới sẽ trình việc bố trí vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư. Về tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, thành phố cũng đặt mục tiêu đến quý 3 sẽ hoàn thành chủ trương đầu tư dự án. Các dự án giao thông khác hiện đang được TP Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư còn có cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và cả 2 công trình này cũng sẽ phấn đấu khởi công vào đầu năm 2025.

Để bảo đảm nguồn vốn rất lớn đầu tư cho hạ tầng giao thông, TP Hồ Chí Minh đang trình Quốc hội để thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 về cơ chế đặc biệt cho thành phố. Ông Trần Quang Lâm cho hay, ngành giao thông đã đề xuất cơ chế cho các dự án BT thanh toán bằng tiền và dự án BOT trên đường cũ. Với những dự án có vốn giải phóng mặt bằng lớn, chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư dự án, thành phố cũng xin cơ chế vốn tham gia của Nhà nước lên 70%. Với các dự án BT, hiện thành phố cũng xin cơ chế thanh toán bằng tiền chứ không phải bằng quỹ đất như trước đây.

Lý giải về cơ chế huy động tự nhân bỏ tiền làm công trình trước, ngân sách trả tiền sau, ông Lâm cho rằng, với những dự án có mức vốn đầu tư 10-20 nghìn tỉ đồng, hiện thành phố chưa thể cân đối được vốn. Nhưng 5 -7 năm sau, khi công trình được hoàn thành, TP Hồ Chí Minh sẽ có được những nguồn vốn rất lớn từ việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước hoặc từ việc đấu giá các khu đất công… Với những cơ chế và mục tiêu trên, hạ tầng giao thông, hạ tầng dô thị của TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục có sự đột phá trong những năm sắp tới.

Bảo Sơn 
.
.
.