Tổ chức thành công Hội nghị phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn Lào Cai
Sáng 11/11, tại TP Lào Cai, UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Công Thương phối hợp tổ chức Hội nghị phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đây là một hoạt động quan trọng trong dịp tổ chức Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung (Lào Cai) lần thứ 23 năm 2023.
Tham dự hội nghị, về phía đại biểu bộ, ngành Trung ương của Việt Nam có bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; lãnh đạo Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc; lãnh đạo, chuyên gia các Cục, Vụ, Viện của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội logistics và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics các tỉnh, thành trên cả nước.
Về phía tỉnh Lào Cai có đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị và gần 50 doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh.
Về phía đại biểu Trung Quốc có ông Hòa Đào, Cục trưởng Cục Thương mại, châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam; lãnh đạo, chuyên gia các Cục, Vụ, Ban chuyên môn châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam; lãnh đạo Huyện ủy, Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu và các doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, logistics tỉnh Vân Nam.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết đến thời điểm này, tỉnh Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Lào Cai đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang được xem xét phê duyệt Đề án “Xây dựng Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc”.
Để sớm đưa Lào Cai trở thành trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc; là “cầu nối” các dòng hàng hóa 2 chiều từ Trung Quốc sang ASEAN và khu vực châu Á khác; tỉnh Lào Cai đã chủ động xây dựng các nghị quyết, đề án, chương trình. Trong đó tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng biên giới; quy hoạch, bố trí các cơ sở công nghiệp, cơ sở kinh tế phù hợp; tiếp tục xây dựng và nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện; triển khai hoạt động giao lưu hữu nghị giữa các cơ quan hai bên; tích cực thúc đẩy xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định thương mại biên giới Việt - Trung đã được Chính phủ hai nước ký kết; thúc đẩy mở mới, nâng cấp các cặp cửa khẩu trên tuyến biên giới Việt - Trung, triển khai xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, mậu dịch tự do; đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhà đầu tư, phát huy hiệu quả vị trí vai trò cầu nối của hai bên… Tại Hội nghị hôm nay, tỉnh Lào Cai mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong nước, quốc tế để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, gợi mở cho Lào Cai và các tỉnh, thành kết nối những giải pháp thiết thực, có tính khả thi cao nhằm nâng cao năng lực hoạt động dịch vụ logistics…
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú, Lào Cai hội tụ đủ các điều kiện “riêng có” để phát triển trở thành một cực tăng trưởng của vùng biên giới phía Bắc, trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc. Hội nghị hôm nay là sự kiện quan trọng; vừa là diễn đàn giúp tỉnh Lào Cai chia sẻ tầm nhìn, tiếp thu những ý kiến của các bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia, nhà quản lý trong nước, quốc tế về các nhiệm vụ, giải pháp để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 163/NQ-CP ngày 16/12/2022 của Chính phủ; vừa là diễn đàn để doanh nghiệp hai nước trao đổi cơ hội hợp tác, kinh doanh trong lĩnh vực logistics.
Cục trưởng Cục Thương mại châu Hồng Hà, tỉnh Vân Nam Hòa Đào, cho biết ngày 25/10/2023, Chính quyền nhân dân huyện Hà Khẩu, châu Hồng Hà,Trung Quốc và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, Việt Nam đã chính thức ký Biên bản và quyết định triển khai thí điểm “phương tiện vận chuyển hàng hóa hai chiều” kéo dài 6 tháng tại các cửa khẩu đường bộ. Trong năm nay, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc và tỉnh Lào Cai, Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều buổi hội đàm, hội nghị, trao đổi các nội dung liên quan đến việc thúc đẩy xây dựng cửa khẩu, thương mại, logistics… Phía tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đang triển khai nhiều dự án thúc đẩy cửa khẩu thông minh, hy vọng sau khi hoàn hành sẽ góp phần cải thiện hiệu quả, nâng cao năng lực thông quan giữa hai nước. Phát huy ưu thế về vị trí, tập trung xây dựng kênh logistics quốc tế “Xuyên Du - Điền Trung - Hồng Hà (Hà Khẩu) - Việt Nam” và điểm tựa quan trọng của mạng lưới logistics vận tải đa phương thức tỉnh Vân Nam.
Qua hội nghị, Cục trưởng Cục Thương mại châu Hồng Hà mong muốn các bên sẽ cùng nhau nâng cao, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics giữa Hà Khẩu - Lào Cai, tạo một khu vực thông thoáng với mạng lưới logistics hoàn thiện, rộng khắp; xây dựng cửa khẩu thông minh nhằm giảm chi phí thông quan giao thông đường bộ, đường sắt…
Tại hội nghị, các đại biểu Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, Hiệp hội logistics Hà Nội, doanh nghiệp logistics của Việt Nam và Trung Quốc đã tập trung tham luận một số nội dung: Xu hướng phát triển ngành dịch vụ logistics trong tương lai, một số giải pháp, định hướng phát triển dịch vụ logistics đối với tỉnh Lào Cai; Một số vấn đề và giải pháp phát triển dịch vụ logistics Lào Cai; Logistics và giao lưu kinh tế; Thúc đẩy hoạt động logistics tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Lào Cai; Giải pháp khai thác vận tải đường sắt thúc đẩy phát triển logistics tại Lào Cai…
Bế mạc hội nghị, ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho rằng dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh hiện nay còn gặp nhiều thách thức trong quá trình phát triển nhưng chính những thách thức, sức ép này đã thúc đẩy chính quyền Lào Cai, các tỉnh, thành liên quan và tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có thêm nhiều giải pháp để triển khai thực hiện sau Hội nghị hôm nay.
Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn tỉnh Lào Cai và tỉnh Vân Nam trong thời gian tới sẽ khẳng định được thương hiệu kết nối của hai địa phương trong cả nước cũng như trong khu vực. Về vấn đề này, đồng chí cho rằng có 2 kết nối rất quan trọng là kết nối cứng và kết nối mềm. Đó chính là sự kết nối về hệ thống hạ tầng giao thông vận tải; chuyển đổi số; thông tin tiềm năng, lợi thế của các bên; quan hệ hợp tác giữa các tỉnh, thành, các vùng miền, các doanh nghiệp… để có thể thực hiện hiệu quả việc phát triển dịch vụ logistics.
Đối với ý kiến tham luận, đề xuất của các đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong nước, quốc tế trình bày tại Hội nghị; tỉnh Lào Cai nhận thấy thật sự rất hữu ích, thiết thực đối với địa phương trong quá trình thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn. Với tinh thần hết sức cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Lào Cai sẽ cố gắng phát huy nội lực cùng với các ngoại lực để xứng đáng trở thành cực tăng trưởng, là trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc…
Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Sở Công Thương tỉnh Lào Cai và Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam; ký kết Thỏa thuận hợp tác ba bên giữa Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Hiệp hội Logistics Hà Nội, Hiệp hội Logistics Hải Phòng.