Tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu trên sàn thương mại điện tử

Chủ Nhật, 20/08/2023, 06:28

Trong lúc thiếu đơn hàng xuất khẩu (XK), nhiều doanh nghiệp (DN) đã tận dụng sàn thương mại điện tử (TMĐT) để tiếp cận thêm các thị trường quốc tế, trong đó Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và EU... được xem là các thị trường XK trọng điểm trong vòng 5 năm tới của DN Việt.

Trên sàn TMĐT Amazon, "Top 5" ngành hàng bán chạy nhất của các DN Việt Nam trong liên tiếp 2 năm qua bao gồm: nhà bếp; nhà cửa; may mặc; sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và cá nhân; tiện ích gia đình.

tmdt.jpg -0
Doanh nghiệp vừa trưng bày sản phẩm, vừa chào bán trên sàn thương mại điện tử.

Ở góc độ DN, ông Trần Hữu Hoài - Giám đốc Công ty TNHH Gia Nhiên (chuyên XK đồ gỗ, thủ công mỹ nghệ) chia sẻ, thị trường XK chính của DN là Mỹ và EU. Tuy nhiên, gần đây DN XK vào thị trường EU bị sụt giảm, nhưng giảm sâu nhất là thị trường Mỹ, hiện chỉ còn 20% chủ yếu là bán lẻ, không còn đơn hàng lớn như trước đây. Một số thị trường khác như Nhật, Trung Quốc thì mỗi năm cũng chỉ xuất 1 container hàng.

Khi "đứt" thị trường chủ lực là Mỹ, DN buộc phải tìm kiếm thị trường mới bằng cách tích cực "chào hàng" trên sàn TMĐT Alibaba. Kết quả là DN đã tiếp cận được một số thị trường mới, trong đó có Ba Lan.

"Khoảng 2 tuần qua (khoảng đầu tháng 8/2023), có một số khách hàng quay trở lại hỏi hàng, có cả khách hàng mới biết DN thông qua sàn TMĐT Alibaba. Với dấu hiệu khả quan đó, có khả năng DN sẽ có đơn hàng mới trong những ngày tới", ông Hoài lạc quan.

Tương tự, nhãn hiệu quần áo Việt Nam V-SixtyFour của Công ty TNHH Việt Thắng Jeans (VitaJean) ngày càng hiện diện nhiều hơn ở thị trường Hàn Quốc, đó cũng là nhờ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh TMĐT xuyên biên giới của DN.  Cũng đưa hàng chào bán lên sàn TMĐT, trong nửa đầu năm 2023, sản phẩm cà phê của Simexco tăng doanh số bán hàng trên 20% và lượt tìm kiếm sản phẩm của công ty tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái… Có rất nhiều DN, lâu nay chỉ kinh doanh theo mô hình truyền thống, nay cũng bắt đầu tham gia kênh TMĐT, xem đây là một lối đi tắt vươn đến khách hàng toàn cầu.

Khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) với hàng nghìn DN trên cả nước cho thấy, lĩnh vực TMĐT tiếp tục phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng trên 25% và đạt quy mô trên 20 tỷ USD.

Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số nhận định, TMĐT xuyên biên giới đang là xu hướng bùng nổ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây là một ngành mới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế số của Chính phủ.

Ông Nguyễn Bắc Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát về hải quan (Tổng Cục Hải quan) cho rằng, dù TMĐT xuyên biên giới phát triển mạnh nhưng Việt Nam chưa có quy định riêng về chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa giao dịch qua TMĐT. Hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT gặp những vướng mắc về thủ tục hải quan, về cấp phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành... Vì vậy, cần đổi mới chính sách quản lý, quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua TMĐT.

T.Hà - H.Giang
.
.
.