Tìm giải pháp chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Những “sự cố” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn đang tiếp tục gây hệ lụy cho các nhà đầu tư cũng như DN. Các chuyên gia cho rằng để khắc phục, cần phải có các giải pháp cũng như phải có sự thay đổi từ chính 3 bên tham gia thị trường: cơ quan quản lý, DN và nhà đầu tư.
Đánh giá sự tồn tại và phát triển tất yếu của thị trường TPDN trong hệ thống tài chính, TS Vũ Đình Ánh cho rằng điều mà chúng ta cần là phát triển thị trường ổn định, bền vững, đây không chỉ là kênh huy động vốn, đầu tư mà còn tạo ra sự bền vững trong hệ thống tài chính.
“Tôi cho rằng có một điểm mà chúng ta đang xử lý và sẽ tiếp tục xử lý để phục hồi niềm tin của nhà đầu tư vào TPDN và làm cho thị trường TPDN, đặc biệt là phát hành riêng lẻ phát triển theo đúng thông lệ quốc tế và phù hợp với đặc điểm Việt Nam. Chúng ta đang hướng tới và có nhiều văn bản từ cơ quan chức năng, hệ thống các nhà phát hành cũng như là các nhà phân phối, đặc biệt là trình độ của nhà đầu tư sau sự rung lắc của thị trường thời gian vừa qua cũng đã được nâng lên một mức cơ bản. Những quy định pháp lý cũng như thực tiễn triển khai đã tạo ra niềm tin, nên dù có sự rung lắc khá mạnh trong thời gian vừa qua, nhưng không phải với tất cả các loại TPDN”, ông Ánh nhận định.
Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, rõ ràng thị trường TPDN còn nhiều bất ổn cần phải khắc phục. Bà Nguyễn Thị Hoạt, chuyên gia Công ty chứng khoán TCBS cho rằng thị trường trái phiếu là thị trường mới nên khi phát triển sẽ bộc lộ những điểm riêng, tổ chức phát hành chạy đua về phát hành, chạy đua lãi suất, khối lượng tăng không đồng đều với chất lượng. Trong khi đó nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chưa có kinh nghiệm, chưa có nhiều hiểu biết về thị trường này.
Nhiều nhà đầu tư coi TPDN như một sản phẩm tiết kiệm, lựa chọn trái phiếu theo lãi suất, chính vì vậy mà khi có một số vi phạm trong phát hành trái phiếu được công bố nhà đầu tư hoang mang. “Chúng tôi nhận thấy sự quan tâm của thị trường với trái phiếu gần đây có những thay đổi nhất định. Thứ nhất, về lãi suất không phải cứ lãi suất cao là tốt mà quan tâm phân tích rủi ro trái phiếu thế nào cũng giống như đi chợ, họ cần hiểu mặt hàng nào tốt, ít rủi ro, hiểu được khẩu vị của mình để lựa chọn trái phiếu phù hợp với khẩu vị của mình”, bà Hoạt nói.
Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh khẳng định điều đầu tiên với nhà đầu tư TPDN đặc biệt phải lưu ý rằng TPDN là một kênh đầu tư, không phải kênh tiết kiệm. Việc chưa có sự phân biệt rõ ràng khiến cho không ít nhà đầu tư trong thời gian vừa qua đã hành xử với TPDN tương tự như với khoản tiết kiệm ngân hàng. Trong khi, “nhà đầu tư nhận biết rõ họ đầu tư vào TPDN đi kèm lợi ích là rủi ro có liên quan.
Khi có sự cố xảy ra, nhà đầu tư phải hết sức bình tĩnh, phân tích, đánh giá thông tin trước những tin đồn mang tính tiêu cực. Vì cơ bản các tin đồn không có căn cứ và gây rất nhiều thiệt hại, và thiệt hại trực tiếp cho nhà đầu tư. Nếu nhà đầu tư hoạt động theo tin đồn hay là theo hiệu ứng đám đông thì sẽ ảnh hưởng tới uy tín của nhà phát hành, cũng như các nhà phân phối. Vô hình trung, khi tình hình chưa căng thẳng thì chúng ta lại đẩy nó vào căng thẳng, gây thiệt hại cho tất cả các bên tham gia thị trường”, ông Ánh khuyến nghị.
Cũng theo vị chuyên gia này, nhà phát hành trái phiếu riêng lẻ, bản chất phát hành là dựa trên uy tín, niềm tin. Hướng thị trường tới chuyên nghiệp - điều rất quan trọng giúp tạo dựng và củng cố niềm tin của nhà đầu tư với thị trường TPDN. Tính chuyên nghiệp không chỉ liên quan tới nhà phát hành, mà còn là hệ thống phân phối, bảo lãnh hay tính chuyên nghiệp trong xếp hạng tín nhiệm, với các nhà xếp hạng tín nhiệm uy tín, cũng như trong kênh phân phối. Tăng tính chuyên nghiệp và uy tín thì sẽ củng cố niềm tin của nhà đầu tư với DN.
Ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Phân tích Xếp hạng tín nhiệm và Thành viên Hội đồng Xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cũng cho rằng việc khôi phục niềm tin của nhà đầu tư là giải pháp ngắn hạn và nên khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào công cụ chuyên nghiệp như các quỹ mở. Để tránh trường hợp DN hoạt động tốt, kinh doanh bình thường, đảm bảo được khả năng chi trả vẫn bị ảnh hưởng bởi các tin đồn vô căn cứ hay thông tin không thuận lợi, thì giải pháp là phải minh bạch thông tin, bổ sung đánh giá độc lập để khẳng định vị thế kinh doanh của họ, cũng như khẳng định việc vẫn kinh doanh bình thường.
“Với các tổ chức phát hành gặp vấn đề trong đáp ứng khả năng chi trả, thì họ cần tôn trọng trái chủ bằng cách đáp ứng công khai minh bạch lộ trình giải pháp, hoạt động cấu trúc lại thời gian trả nợ, như vậy thì nhà đầu tư cũng sẽ an tâm phần nào. Khi không có thông tin thì họ sẽ hành động rất là nhanh chóng là chuyển nhượng lại các tài sản/trái phiếu đó. Về phía nhà đầu tư, nhà đầu tư cần bình tĩnh, xem xét lại tài sản, trái phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ của DN nào, kết quả kinh doanh ra sao, nếu thật sự tốt thì không có lý do gì chúng ta bán rẻ, chiết khấu rất cao”, ông Khang phân tích.