Thương mại điện tử thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới

Thứ Hai, 25/10/2021, 07:47

Trong đại dịch COVID-19, hàng hoá của Việt Nam xuất khẩu (XK) đi các thị trường vẫn tăng trưởng khả quan, để đạt được kết quả đó có một phần của các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến mở rộng cầu nối tới các thị trường và đẩy mạnh XK trực tuyến qua các sàn thương mại điện tử toàn cầu. Điều này cho thấy, XK trực tuyến đang trở thành hướng đi hiệu quả được cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp (DN) hướng tới.

Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Công nghệ số - Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam hiện nay có tốc độ phát triển TMĐT khá nhanh trong khu vực. Với doanh thu TMĐT B2C (kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho DN mở rộng thị trường, đặc biệt đối với hàng Việt.

Trên thực tế, xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới có rất nhiều hình thức và tại mỗi thị trường thì lại có những yêu cầu khác nhau về tính năng sản phẩm. Chính vì vậy phải nhìn nhận TMĐT xuyên biên giới là một trong những giải pháp hữu hiệu. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, khi mà kênh XK truyền thống còn đang gặp khó khăn thì việc DN ứng dụng TMĐT để thúc đẩy XK hàng hóa của Việt Nam ra thị trường thế giới thông qua TMĐT xuyên biên giới là một kênh rất phù hợp. Tuy nhiên, để có thể triển khai được TMĐT xuyên biên giới một cách hiệu quả thì còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Cụ thể, cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng như các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là phải có sự tham gia chủ động của các DN, trực tiếp là những DN sản xuất hàng hóa. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đã chủ động những chương trình hợp tác với các đối tác là các sàn TMĐT lớn, uy tín trên thế giới để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng nước ngoài.

Hiện, Cục TMĐT và Kinh tế số đang triển khai hợp tác chặt chẽ với các đối tác như: Amazone, Alibaba… để thực hiện các chương trình hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho các DN trong việc nhận thức về TMĐT, phương thức đưa hàng hóa lên sàn TMĐT, logistics TMĐT... Theo đó, để có thể vận hành luồng hàng TMĐT xuyên biên giới, Cục đã hợp tác với các sàn TMĐT trong nước như Vỏ Sò và đã XK thành công vải thiều Bắc Giang trong niên vụ 2021. Sự kiện XK thành công vải thiều Bắc Giang theo hình thức TMĐT xuyên biên giới của Vỏ Sò, nền tảng TMĐT của Việt Nam, là dấu mốc đặc biệt.

Thương mại điện tử thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới -0
Người tiêu dùng Nhật Bản chọn mua vải thiều Bắc Giang tại siêu thị. Ảnh: CTV

Theo ông Hoàng, đây là một bước tiến đáng ghi nhận đối với ngành TMĐT nước ta trong việc đưa các sản phẩm nông sản chất lượng cao sang thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu. Mặc dù đây là thí điểm, nhưng tiềm năng của phương thức này rất tốt và sắp tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng ứng dụng nền tảng của Việt Nam do Việt Nam xây dựng. Cụ thể, sẽ vận hành và có định hướng hỗ trợ các DN Việt Nam, sản phẩm Việt quảng bá ở nước ngoài thông qua những kênh như Thương vụ Việt Nam, Đại sứ quan Việt Nam tại nước ngoài.

Ở góc độ DN, bà Hoàng Thị Hương, Trưởng phòng Xuất khẩu, Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú (Hà Nội) cho rằng, nắm bắt xu hướng của thị trường ngay từ năm 2011, Công ty TNHH Nhựa quốc tế Anh Tú đã kinh doanh và XK qua các sàn TMĐT. Đến nay, DN đã XK hàng hoá tới hơn 10 thị trường, trong đó có những thị trường lớn và khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trong đại dịch COVID-19, nhưng doanh thu của DN vẫn rất khả quan.

Theo ông Đỗ Tuấn Lương, Phó Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, với chi phí thấp, sức lan toả rộng, HTX đã đẩy mạnh việc quảng bá và XK hàng hoá trên các sàn TMĐT quốc tế. Đến nay, doanh thu của HTX trên nền tảng TMĐT đã đạt 1 triệu USD. Hiện, các sản phẩm chè của công ty đã có mặt tại Bắc Mỹ, Trung Đông…

“Kinh doanh trên nền tảng trực tuyến quốc tế là giải pháp hữu hiệu, giúp các DN nhỏ và vừa vượt qua khó khăn không chỉ trong thời điểm đại dịch bùng phát mà cả trong tương lai. Điều đó cho thấy, nhờ đẩy mạnh XK trực tuyến, nhiều DN nhỏ và vừa, có cơ hội bình đẳng vươn ra thị trường nước ngoài, thay vì chịu nhiều thua thiệt trước các đối thủ quy mô lớn, tiềm lực mạnh như thương mại quốc tế truyền thống”, ông Lương chia sẻ.

Thương mại điện tử thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới -0
Doanh nghiệp cần nắm bắt đầy đủ các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan của thị trường nước nhập khẩu.

Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc khu vực phía Nam - Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng, với việc người tiêu dùng tiến hành mua sắm trực tuyến nhiều hơn, kênh XK qua TMĐT xuyên biên giới sẽ là một trong những hướng đi mà nhiều DN thủ công mỹ nghệ nói riêng và DN nói chung của Việt Nam nên cân nhắc tìm hiểu. Là một DN có nhiều kinh nghiệm kinh doanh sản phẩm thủ công mỹ nghệ trên Amazon, ông Trần Quý Hiến, đồng sáng lập Ecomstone Việt Nam chia sẻ, sản phẩm thủ công mỹ nghệ là thế mạnh của Việt Nam.

Tuy nhiên, để bán hàng thành công trên Amazon hay các sàn TMĐT quốc tế các DN Việt cần chú ý tới sản phẩm khi đăng bán trên thị trường cần được đóng gói đẹp, chất lượng sản phẩm, nên sử dụng vật liệu thân thiện, bền vững với môi trường. Đặc biệt, sản phẩm không được vi phạm trademark (thương hiệu). Do đó, các DN phải sáng tạo ra mẫu hoặc kiểm tra kỹ các mẫu đó có vi phạm bản quyền hay không để tránh rủi ro. Bên cạnh đó, sản phẩm cần thiết kế gọn nhẹ, dễ tháo lắp, dễ vận chuyển.

Trong thời gian tới, theo các chuyên gia và DN, TMĐT xuyên biên giới sẽ mở ra câu chuyện XK cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực. Đây là cơ hội không chỉ cho DN xuất khẩu nói chung mà cho cả các DN nhỏ, DN địa phương, hợp tác xã, các cá nhân có sản phẩm chất lượng tốt và biết vận dụng TMĐT. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm với thách thức. Đó là những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa, bảo quản hàng hóa, khâu thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu và đặc biệt là đối với lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới.

Đây chính là những vấn đề mà DN, cá nhân khi tham gia TMĐT xuyên biên giới cần phải lưu ý. Cụ thể, cần phải hiểu biết về thị trường nước nhập khẩu, một sản phẩm có thể bán rất tốt ở thị trường này, nhưng sẽ không thể bán được ở thị trường khác do tính chất của sản phẩm và đặc tính tiêu dùng của thị trường.

Để có thể đưa hàng hóa Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và XK thành công trên các kênh TMĐT xuyên biên giới, ông Hoàng cho rằng, DN cần hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu. Đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, quy định về pháp lý trước khi đưa sản phẩm vào thị trường đó.

Đồng thời, cần nắm rõ được quy trình vận hành logistics trong TMĐT xuyên biên giới, cách thức bảo quản hàng hóa hiệu quả và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên TMĐT tại thị trường quốc gia nhập khẩu.

“Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội DN tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ DN bán hàng thành công trên các sàn TMĐT quốc tế. Đây là hướng phát triển hiệu quả, phù hợp với không chỉ trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay mà còn cả trong tương lai”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định.

Lưu Hiệp
.
.
.