Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp

Thứ Năm, 24/03/2022, 07:03

Tại Hội thảo “Thương mại điện tử mở đường cho doanh nghiệp trong bối cảnh bình thường mới” do Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPS-C) tổ chức trực tuyến chiều 22/3, ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam đang từng bước chuyển mình hướng tới nền kinh tế số, trong đó, hoạt động thương mại xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi.

Chinh phục khách hàng quốc tế

Thương mại điện tử Việt Nam có mức tăng trưởng mạnh và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.

dien tu.jpg -0
Thương mại điện tử giúp định giá thương hiệu.

Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng Chính sách, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, dù đối mặt với nhiều thách thức bởi COVID-19, doanh nghiệp áp dụng được chuyển đổi số vẫn có cơ hội riêng. Bà Hà dẫn ra số liệu điều tra với 47 quốc gia từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021, tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, so với trước thời điểm đó (năm 2019) là 10,3%.

Ông Lê Nguyễn Khánh Trình, Giám đốc Công ty Cổ phần Khánh Trình đã chia sẻ câu chuyện thực tế làm thế nào đưa hàng Việt ra thế giới. Ông Trình bắt đầu kinh doanh năm 2010, với sản phẩm chính là xà đơn. Năm 2015, ông đặt kế hoạch tăng khai thác tiềm năng sản phẩm bằng cách bán hàng trên website thương mại điện tử toàn cầu. Đầu tiên ông chọn Alibaba nhưng không thành công vì đặc thù sản phẩm. Sản phẩm mới mẻ, chưa có thương hiệu, người mua không biết chất lượng nên khó thuyết phục nhà buôn nước ngoài nhập số lượng lớn. Khó nữa, các đơn vị buôn sỉ luôn có tâm lý tìm đơn vị giá rẻ và thường so sánh với đơn vị sản xuất Trung Quốc - điều mà chúng ta không thể so sánh vì họ có quy mô lớn, giá thấp hơn.

"Dù chúng tôi lập website quốc tế, lập đội bán nhưng không thành công. Năm 2016 tôi thử cách tiếp cận khác trên Amazon và thành công vì họ hỗ trợ, cho phép người mua nhận toàn bộ tiền khi hàng kém chất lượng, sai mô tả. Chính sách này thu hút người mua lớn kể cả với thương hiệu mới vì họ tin có đơn vị hỗ trợ quyền lợi. May mắn sản phẩm xà đơn xếp của Khánh Trình không cạnh tranh quá cao nên người mua tìm được dù ông chưa biết cách chạy quảng cáo. Năm 2017, sản phẩm bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài qua sàn Amazon và được khách quốc tế ưa chuộng vì an toàn, chất lượng, đa năng. Hiện sản phẩm đến được với khách hàng hơn 70 nước. Doanh thu 3-4 triệu USD mỗi năm. Sắp tới, chúng tôi sẽ phát triển sâu rộng các thị trường mới như Nhật, Nga, Hàn, Australia...", ông Trình chia sẻ.

Đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, bà Vũ Thị Thư, Giám đốc kinh doanh khu vực Hà Nội đã chia sẻ về những bài học đúc kết cho doanh nghiệp mới tiếp cận và đang tăng trưởng trên sàn thương mại điện tử trong mô hình kinh doanh B2B, B2C. Thay vì tâm lý e ngại, theo bà Thư, doanh nghiệp nên kinh doanh đa sàn, tận dụng tiềm năng doanh nghiệp và tối ưu hoá từ lợi thế mỗi sàn. Với doanh nghiệp mới lên sàn, cần hiểu rõ đối thủ, phân tích thị trường, xây dựng chiến lược dài hạn, tiếp theo là kế hoạch marketing, quảng bá sản phẩm, tư vấn và chăm sóc sau bán hàng…

Cách hạn chế rủi ro khi giao dịch ngoại thương

Chia sẻ về những kinh nghiệm khi tham gia trên sàn thương mại điện tử, Luật sư Ngô Khắc Lễ cho rằng, nhận diện các rủi ro pháp lý trong các giao dịch điện tử (hình thức giao dịch phổ biến khi kinh doanh TMĐT) và biện pháp phòng tránh, được ông đúc kết qua một số vụ tranh chấp thương mại. Ông Ngô Khắc Lễ lưu ý tầm quan trọng của việc lưu giữ dữ liệu khi giao dịch TMĐT, đề phòng các trường hợp phát sinh tranh chấp. Ông dẫn chứng trường hợp một doanh nghiệp Việt Nam tham gia điện tử xuyên biên giới, khi giao dịch chỉ dùng thiết bị điện tử không dây là điện thoại di động. Doanh nghiệp này sau đó bị lừa, đã chuyển tiền nhưng không nhận được hàng. Khi ra nước ngoài, người của doanh nghiệp vẫn có thể liên lạc với bên lừa đảo bằng điện thoại di động. Thậm chí cảnh sát sở tại cũng nói chuyện với người lừa đảo kia bằng điện thoại di động nhưng cảnh sát cho rằng họ cũng không biết số điện thoại đó có phải của nước họ không? Sau đó, doanh nghiệp nhìn hợp đồng, gọi điện thoại theo số hợp đồng thì phát hiện điện thoại thiếu một số. Các địa chỉ trên hợp đồng đều là địa chỉ ma hoặc là địa chỉ của một đơn vị khác.

Để tránh rủi ro, ông Lễ cho rằng, khi giao dịch điện tử, đầu tiên phải điều tra đối tác cụ thể, xác định rõ phương thức lưu giữ thông tin. Thực tế, nhiều người dùng zalo, viber, lẫn lộn việc chung riêng, đến khi có tranh chấp, không phân tách được. Khi được yêu cầu hồ sơ để giải quyết tranh chấp, không lưu lại được các bản các bên đã sử dụng.

Thực tế, có những bản trên điện tử có thể tự động xóa khi đối tượng thay đổi. Quan trọng, các doanh nghiệp làm sao phải lưu giữ được các thông tin, văn bản để khi tranh chấp có thể kiểm tra. Thư điện tử cũng được coi là văn bản. Có thể sao lưu những email, đoạn chat ra nhiều nơi và khi có tranh chấp có thể mang máy tính đến để lấy được văn bản.

Lưu Hiệp
.
.
.