Thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng

Thứ Hai, 02/01/2023, 07:08

Trong năm 2022, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng của nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư và thương mại quốc tế suy giảm. Theo đó, có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD; vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với chính sách, môi trường đầu tư của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2022, tính đến 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt 27,72 tỷ USD, bằng 89% (tức giảm 11%) so với cùng kỳ năm 2021. Mức sụt giảm này đã thể hiện rõ khó khăn chung trong ngắn hạn của nền kinh tế thế giới cũng như của Việt Nam trước nhiều rủi ro và biến động trong năm 2022.

Tuy tổng vốn FDI đăng ký giảm 11%, nhưng vẫn có tín hiệu tích cực. Bởi, trong tổng vốn đăng ký thì cấu phần vốn đầu tư điều chỉnh lại tăng mạnh cả về vốn đầu tư cũng như số lượt dự án điều chỉnh trong năm 2022 so với cùng kỳ (tăng 12,2% số vốn và tăng 12,4% số lượt điều chỉnh). “Mức tăng này đã khẳng định niềm tin của nhà ĐTNN đối với chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư của Việt Nam an toàn và đã đưa ra các quyết định đầu tư mở rộng dự án hiện hữu của nhà ĐTNN”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng -0
Chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Ảnh: Nguyễn Lượng

Theo đó, nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong năm 2022, như dự án Samsung Electro[1]mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD; dự án Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE (TP Hồ Chí Minh) tăng trên 841 triệu USD; dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD.

Ông Nguyễn Văn Độ, Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hai năm 2021-2022, thu hút FDI của Vĩnh Phúc đạt trên 1,6 tỷ USD, bằng 80% mục tiêu cả nhiệm kỳ 2021-2025 (2 tỷ USD). Trong năm 2022, thu hút FDI trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh về số vốn đăng ký điều chỉnh. Nếu vốn đăng ký cấp mới cho 31 dự án FDI (268,30 triệu USD) chỉ bằng 30,31% so với cùng kỳ thì vốn đăng ký điều chỉnh của 39 dự án FDI (193,81 triệu USD) vẫn tăng 38,56% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu cho thấy Vĩnh Phúc là môi trường đầu tư tin cậy, lý tưởng cho các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Về lĩnh vực thu hút FDI, các dự án thu hút được chủ yếu tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 458,23 triệu USD cho 66 dự án, trong đó ngành mũi nhọn là sản xuất linh kiện điện tử với 173,06 triệu USD cho 50 dự án. Để chủ động thu hút, đón nhận các dòng vốn FDI chất lượng, trong năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường các hoạt động xúc tiến, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, thời gian tới, xu hướng đầu tư của các doanh nghiệp châu Âu vào Việt Nam rất đa dạng, tập trung vào sản xuất chế biến, chế tạo. Đây là xu hướng các tập đoàn đang muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng và Việt Nam cũng là điểm đến các tập đoàn đầu tư của châu Âu đang cân nhắc trong khu vực châu Á. Cùng với đó là xu hướng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bao gồm hạ tầng về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió trên bờ, điện gió ngoài khơi.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế của nước ta trong năm 2022 cho thấy, các nhà đầu tư đang đặt niềm tin rất lớn vào môi trường đầu tư, vị thế kinh tế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, điều đáng mừng là thu hút đầu tư nước ngoài đã chuyển hướng, tập trung vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, phù hợp với chủ trương nâng cao chất lượng, ưu tiên các dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao, đồng thời đáp ứng mục tiêu phát triển xanh và bền vững, đưa kinh tế Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới cung ứng toàn cầu. Đây là sự chuyển hướng tích cực, cũng thể hiện rõ tiềm năng, sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế. Thực tế này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ về việc nâng cao chất lượng, sự đóng góp của khu vực này, theo hướng ưu tiên những dự án hiện đại, có sức lan tỏa về công nghệ, làm ra sản phẩm giầu sức cạnh tranh.

Ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam ngày càng chứng tỏ tiềm năng, lợi thế của mình thông qua môi trường đầu tư - kinh doanh ngày càng cải thiện, sự ổn định chính trị và kinh tế vĩ mô cũng như sức cạnh tranh các yếu tố về thị trường và nội lực…

Trên thực tế, mặc dù còn nhiều khó khăn, bất lợi xuất phát từ nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng chắn chắn dòng vốn đầu tư nước ngoài và vốn từ Hàn Quốc nói riêng sẽ gia tăng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Đặc biệt, cần “chủ động triển khai các chiến dịch vận động xúc tiến đầu tư, khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư an toàn, tin cậy. Chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết để thu hút đầu tư như rà soát, bổ sung quỹ đất sạch; rà soát lại quy hoạch điện; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; bổ sung chính sách để phát triển công nghiệp hỗ trợ; xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư FDI có công nghệ tiên tiến, có khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để phát triển bền vững và bảo đảm an ninh quốc gia”, bà Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.

Lưu Hiệp
.
.
.