Thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Thứ Hai, 25/04/2022, 07:46

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) khá nhanh trong khu vực.

Với doanh thu TMĐT kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, TMĐT xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, nhất là với hàng Việt.

Do vậy, việc chuyển từ hình thức mua bán truyền thống sang sử dụng các nền tảng kỹ thuật số, TMĐT không còn là sự lựa chọn, mà là xu thế tất yếu. Đối với TMĐT qua biên giới, khi có chính sách quản lý về hải quan riêng, phù hợp sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển đó.

1.jpg -0
Khi Nghị định được ban hành sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động giao dịch hàng hóa qua thương mại điện tử.

Để thay đổi và hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển TMĐT, thực hiện cam kết quốc tế, đơn giản thủ tục hải quan và đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử, thời gian qua Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tập trung hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua TMĐT. Dự thảo đã được Bộ Tư pháp thẩm định, hiện đang trình Chính phủ để lấy ý kiến thành viên Chính phủ trước khi ban hành.

Theo Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan Nguyễn Bắc Hải, dự thảo Nghị định quy định các vấn đề trọng tâm như quy định cụ thể đối tượng điều chỉnh là các sàn giao dịch, website TMĐT bán hàng (bao gồm cả các sàn giao dịch, website TMĐT bán hàng ở nước ngoài), các doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa giao dịch qua TMĐT. Quy định cụ thể ưu đãi về chính sách thuế, chính sách mặt hàng đối với hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua TMĐT, cụ thể là được miễn thuế nhập khẩu, miễn giấy phép, miễn kiểm tra chuyên ngành đối với các đơn hàng nhập khẩu với trị giá hàng hóa nhất định. Bên cạnh đó tại dự thảo Nghị định có các nội dung quy định nhằm đảm bảo thông tin liên quan đến hoạt động giao dịch hàng hóa để phục vụ công tác quản lý từ khi phát sinh đơn hàng đến khi thông quan hàng (đối với hàng nhập khẩu) hoặc hàng hóa thực xuất (đối với hàng xuất khẩu).

Dự thảo Nghị định chia thành các nhóm hàng hóa và trên cơ sở đó quy định cụ thể thủ tục hải quan đối với từng nhóm hàng nhằm đảm bảo thủ tục khai báo hải quan đơn giản, thời gian thông quan nhanh chóng, phù hợp với từng nhóm hàng. Song song, dự thảo Nghị định quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của các đối tượng này, ví dụ như các sàn giao dịch, website thương mại điện tử bán hàng hoặc các đơn vị được ủy quyền thực hiện phải gửi thông tin đơn hàng đến hệ thống trước khi thực hiện làm thủ tục hải quan…

Theo Cục Giám sát quản lý về hải quan, khi Nghị định đi vào thực tế sẽ tạo thuận lợi, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu qua TMĐT phát triển. Người mua hàng (đối với hàng nhập khẩu) khuyến khích việc mua hàng vì được miễn thuế nhập khẩu, miễn quản lý chuyên ngành theo định mức quy định tại dự thảo Nghị định. Khi đã cung cấp thông tin đơn hàng đầy đủ, đúng quy định thì người khai hải quan được chấp nhận giá mua bán hàng hóa thực tế để làm cơ sở tính thuế.

Phan Đức
.
.
.