Thua thiệt do xuất khẩu nông sản thô

Thứ Hai, 06/06/2022, 07:42

Là một trong những quốc gia xuất khẩu (XK) nông sản hàng đầu thế giới, nhưng do hạn chế ở khâu chế biến phải XK chủ yếu dưới dạng thô, khiến nông sản Việt bị thua thiệt...

Cà phê, chè, là những mặt hàng nông sản XK chủ lực của Việt Nam. XK cà phê của Việt Nam hiện đứng thứ 2 thế giới với hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ (chiếm 14,2% thị phần XK cà phê nhân toàn cầu). Cùng với cà phê, Việt Nam có hơn 170 giống trà các loại, cũng được XK hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thế nhưng, có điều nghịch lý là sản phẩm trà, cà phê Việt Nam có chất lượng tốt, thị trường rộng mở toàn cầu, tỷ trọng XK lớn đứng vào tốp đầu thế giới, nhưng giá trị mang lại chưa cao. Nguyên nhân, phần lớn cà phê và trà chủ yếu XK dưới dạng thô, chưa chú trọng đến chế biến sâu.

4.jpg -0
Sản phẩm trà, cà phê qua chế biến, đa phần là những doanh nghiệp có thương hiệu lớn.

Với thị trường Trung Quốc, trà và cà phê của Việt Nam đang giữ vị trí rất quan trọng. Nhu cầu tiêu thụ cà phê tại thị trường này đang có xu hướng tiếp tục tăng, đặc biệt cà phê hòa tan chiếm thị phần lớn nhờ sự tiện lợi trong việc sử dụng. Thị trường cà phê của Trung Quốc có nguồn cung từ gần 80 thị trường, trong đó Việt Nam, Malaysia, Brazin… được xem là những thị trường cung cấp cà phê chính. Tuy nhiên, theo Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, Trung Quốc là một thị trường lớn nhưng lại có tính cạnh tranh cao.

Chính vì vậy, để XK các sản phẩm đồ uống, trong đó có trà, cà phê sang thị trường này, DN Việt Nam cần đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm, và nâng cao chất lượng, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Trung Quốc hiện nay. Ngoài ra, các DN XK cần tập trung đẩy mạnh việc truyền thông sản phẩm và thương hiệu của DN.

Thực tế cho thấy, XK cà phê cuả Việt Nam được đánh giá có tiếng về sản lượng, còn về chất lượng chưa được đánh giá cao. Hiện, cà phê nhân chiếm phần lớn trong cơ cấu XK, cà phê chế biến sâu mới đạt khoảng 12%, trong khi thị trường thế giới đang có xu hướng ưa chuộng cà phê rang xay, cà phê hòa tan, nhất là kể từ khi bùng dịch COVID -19 bởi các loại cà phê này có sự tiện lợi.

Ông Nguyễn Minh Thanh - Giám đốc Công ty cà phê Thanh Vy cho biết: “Giá XK một tấn cà phê nhân khoảng 2.400 USD, trong khi đó 1 tấn cà phê đã qua chế biến giá khoảng 3.600 USD. Rõ ràng, để cà phê XK có giá trị cao thì DN phải đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại để chế biến. Tuy nhiên, cái khó hiện nay cuả DN là thiếu vốn để đầu tư dây chuyển sản xuất, DN khó khăn trong xây dựng thương hiệu, bởi thị trường hiện đang có quá nhiều thương hiệu lớn, nên những DN mới, DN khởi nghiệp, rất khó tiếp cận và phát triển thị trường”.

XK mặt hàng trà sang thị trường Trung Đông và một số thị trường châu Á như Đài Loan, Malaysia..., anh Nguyễn Phước Quý Tín - Công ty Trà Cát Nghi chia sẻ: Từ xưa giờ Việt Nam vẫn là một nước XK trà tương đối lớn, nhưng cũng giống như nhiều ngành khác, phần lớn trà XK nguyên liệu thô. Vì thế, bây giờ công ty muốn mở rộng thị trường nội địa để sản xuất ra thành phẩm, để từ đó XK thành phẩm ra nước ngoài luôn, chứ không còn XK nguyên liệu thô nữa. Vì từ nguyên liệu thô chuyển sang thành phẩm giá có thể tăng lên gấp vài lần. Trong khi công ty có sẵn vùng nguyên liệu, có nhà máy sản xuất ở Lâm Đồng để sản xuất ra thành phẩm. Đó là con đường lâu dài mà công ty đã tính đến.

Có sẵn vùng nguyên liệu rộng lớn, nhưng nhiều DN đặc biệt là DN nhỏ và vừa sản xuất -XK trà, cà phê vẫn còn loay hoay, chưa biết cách phải tiếp cận thị trường thế nào cho hiệu quả. Nhằm hỗ trợ các DN XK trà, cà phê thâm nhập sâu vào các thị trường tiềm năng, trong tháng 4 và tháng 5/2022, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công thương đã kết nối các DN trong nước để tiếp cận, tìm hiểu các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện XK sản phẩm trà, cà phê của Việt Nam sang một số nước châu Á…

Thúy Hà
.
.
.