Thu hẹp phạm vi khoáng sản được cấp quyền khai thác không qua đấu giá

Thứ Hai, 17/06/2024, 16:53

Giới chuyên gia mỏ địa chất, doanh nghiệp khai khoáng và luật sư đóng góp nhiều ý kiến xác đáng về việc cần sửa đổi, bổ sung quy định để tăng cường đấu giá khoáng sản, thu hẹp phạm vi nhóm khoáng sản được cấp phép khai thác không qua đấu giá.

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức chiều 14/6/2024 nhận được sự quan tâm từ giới doanh nghiệp, luật sư, chuyên gia địa chất khoáng sản.

Thu hẹp phạm vi khoáng sản được cấp quyền khai thác không qua đấu giá -0
Hội thảo do VCCI phối hợp với Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các nhà khoa học, luật sư

Theo ông Nguyễn Xuân Ba, Hội Khoa học và Công nghệ mỏ Việt Nam, tại Nhật Bản, trữ lượng khoáng sản đã qua đấu giá, doanh nghiệp nếu không khai thác hết thì phải nộp tiền thiệt hại cho Nhà nước. Nhưng trong dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản có quy định khống chế trữ lượng khai thác.

Vì vậy, trong tham luận của mình, ông Nguyễn Xuân Ba đề nghị bổ sung điểm sau đây vào Khoản 2 Điều 62 dự thảo Luật: “2. Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có các nghĩa vụ sau đây: q) Quyết toán khoáng sản khi giấy phép chấm dứt hiệu lực; r) Trường hợp tổ chức, cá nhân xin cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại khu vực khoáng sản đã được doanh nghiệp Nhà nước thăm dò và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng thì phải thực hiện việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản".

Ông Ba nhấn mạnh, các mỏ mà các đơn vị đã thăm dò và được phê duyệt trữ lượng nhưng không khai thác, khi Nhà nước cấp giấy phép khai thác cho người khác thì cần lựa chọn đơn vị khai thác thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác để tối đa hóa lợi ích Nhà nước.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) góp ý: “Để tăng thu ngân sách, bảo đảm tính công bằng, cần mở rộng tối đa các trường hợp bắt buộc phải đấu giá, các trường hợp không đấu giá chỉ nên áp dụng hạn chế.  Vì vậy, luật sư Phạm Thanh Tuấn góp ý nên bỏ điểm (e) Khoản 2 Điều 104 Dự thảo Luật, về các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản bao gồm cả “trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều này”. Trong khi đó, Khoản 5 Điều này (tức Điều 104) quy định Chính phủ quy định chi tiết Điều này. Theo ông Tuấn, việc quy định điểm (e) Khoản 2 Điều 104 Dự thảo là không cần thiết và không bảo đảm kỹ thuật lập pháp.

Luật sư Lê Thanh Sơn, Trưởng Văn phòng luật sư AIC (Hà Nội) cho rằng, các quy định pháp luật cần phải áp dụng tối đa các cơ chế thị trường như đấu giá, đấu thầu để hạn chế tới mức tối thiểu tình trạng "xin - cho" quyền khai khoáng.

“Chúng tôi kiến nghị luật cần quy định tất cả các quyền khai thác khoáng sản phải được cấp thông qua đấu giá hoặc đấu thầu dự án khoáng sản, trừ những khu vực chứa khoáng sản năng lượng phóng xạ, hạt nhân, khu vực vành đai biên giới, khu vực chiến lược về an ninh, quốc phòng”, Luật sư Sơn nêu quan điểm.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, dự thảo Luật Địa chất khoáng sản nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp về nội hàm “đấu giá khoáng sản” với mong muốn tối đa lợi ích của Nhà nước. Vì vậy, đơn vị soạn thảo dự luật tiếp thu mọi ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo để làm sao phạm vi những loại khoáng sản không qua đấu giá là hẹp nhất.

Trước đó, tại phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày 4/6/2024, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh cũng nhấn mạnh quan điểm, với các mỏ khoáng sản mà doanh nghiệp nhà nước đã thăm dò nhưng không khai thác thì cần báo cáo để Nhà nước thu hồi và tổ chức đấu giá.

Nguyên Hoàng
.
.
.