Thở phào vì tỷ giá "hạ nhiệt"

Chủ Nhật, 01/09/2024, 07:07

Đồng USD đã kết thúc tháng 8 với mức giảm được cho là tồi tệ nhất kể từ tháng 11/2023. Điều này đã hỗ trợ tỷ giá trong nước hạ nhiệt, không những giúp doanh nghiệp hưởng lợi, mà cơ quan điều hành cũng "dễ thở" hơn.

Theo số liệu công bố, chỉ số USD trên thị trường tài chính thế giới kết thúc tuần cuối cùng của tháng 8 đã có đà tăng 0,66% - là tuần tốt nhất kể từ đầu tháng 8 và chấm dứt chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp. Tuy nhiên, trong tháng 8, chỉ số này giảm 2,6%, đánh dấu tháng tệ nhất kể từ tháng 11/2023. Hiện chỉ số USD Index (DXY), thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác ở mức 101,37 điểm.

Với thị trường trong nước, đồng USD cũng đã chính thức rơi xướng dưới mốc 25.000 đồng/USD. Cụ thể, ngày thứ 6, giá mua USD thấp nhất đang ở mức 24.660 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 24.730 VND/USD. Ở chiều bán ra, giá bán USD thấp nhất đang ở mức 25.030 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 25.130 VND/USD. Như vậy, nếu tính từ đầu tháng 8 tới nay, giá USD ngân hàng đã "bốc hơi" khoảng 400 đồng. Giá USD cũng đang ở mức thấp nhất từ đầu năm tới nay.

Theo phân tích của giới chuyên gia, nguyên nhân chính khiến USD lao dốc là Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) gần như chắc chắn sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 9. Điều này sẽ giúp giảm chênh lệch lãi suất USD-VNĐ, một trong những nguyên nhân chính khiến VNĐ mất giá so với đồng USD thời gian trước đó. Mức cắt giảm dự kiến sẽ khoảng 0,25 đến 0,5 điểm % trong tháng 9 và khoảng 1 điểm % cho cả năm nay. Điều này mang đến tín hiệu vui cho cả nền kinh tế, vì khi tỷ giá giảm, giá cả hàng hóa nhập khẩu sẽ hạ nhiệt, giảm bớt áp lực lạm phát. Đặc biệt là với các doanh nghiệp, nhất là các nhóm ngành nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào cao như thép, xăng dầu, đồ uống, hay các nhóm có tỷ lệ vay nợ ngoại tệ cao như hàng không, điện, thép, ôtô… cũng sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Theo như chia sẻ của lãnh đạo Công ty Fine Mold Việt Nam - một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, mỗi tháng Fine Mold Việt Nam phải chi ra 160 nghìn USD, tương đương 4 tỷ đồng để nhập khẩu thép nguyên liệu, gia công, sản xuất phôi mẫu. Chỉ một đồng tăng thêm của tỷ giá hối đoái, tương đương doanh nghiệp sẽ phải chi thêm 200 nghìn đồng chi phí. Đặc biệt, theo tính toán của ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cứ tỷ giá tăng 1%, thì chi phí của Tổng công ty tăng thêm 300 tỷ đồng. Tương tự, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, dư nợ vay ngoại tệ của tập đoàn này hiện tại là 38.000 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ USD. Tỷ giá tăng đồng nghĩa với việc chi phí của Tập đoàn tăng lên rất mạnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh.  Do đó, các doanh nghiệp đều mong muốn tỷ giá ổn định, ở mức thấp nhất có thể.

Mà, không phải chỉ doanh nghiệp, ngay cả với cơ quan điều hành, áp lực tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thêm dư địa để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn. Từ đầu tháng 8 đến nay, NHNN đã có động thái giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu, trong đó, lãi suất tín phiếu đã có 3 lần giảm, từ mức 4,5%/năm xuống 4,15%/năm hiện tại. Các chuyên gia Chứng khoán VNDirect VNDirect cho rằng, động thái này diễn ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá hạ nhiệt đã cho phép NHNN linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ. Theo đó, nhà điều hành sẽ có thêm không gian chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường thông qua kênh thị trường mở cũng như điều kiện để bổ sung dự trữ ngoại hối vào giai đoạn cuối năm nay. Nếu như NHNN đã phải bán ra khoảng 6 tỷ USD dự trữ ngoại hối để kiềm chế đà tăng tỷ giá trong 6 tháng đầu năm 2024, áp lực từ thị trường ngoại hối đã giảm đáng kể kể từ đó, chủ yếu đến từ việc chỉ số DXY suy yếu và chênh lệch giá vàng dần được thu hẹp sau những biện pháp can thiệp của NHNN. Bởi vậy, vào đầu tháng 8, NHNN đã có động thái giảm lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu như đã nêu trên. VNDirect dự báo tỷ giá duy trì xu hướng hạ nhiệt về cuối năm với kỳ vọng FED bắt đầu cắt giảm lãi suất từ tháng 9 tới, qua đó khiến đồng USD tiếp tục suy yếu. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục ghi nhận thặng dư thương mại cao 14,5 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024, vốn FDI thực hiện dồi dào tăng 8,4% so với cùng kỳ và kỳ vọng vào dòng kiều hối mạnh mẽ trong quý IV là những trợ lực mạnh mẽ cho việc điều hành tỷ giá trong thời gian tới.

Tương tự, theo báo cáo của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), tốc độ tăng giá của tiền đồng trong tháng 8 nhanh hơn tháng 7 và tỷ giá USD/VND đã giảm nhanh hơn so với kỳ vọng nhờ diễn biến suy yếu của đồng USD. Nhóm phân tích cũng dự báo áp lực về nhu cầu USD tăng trở lại trong cuối quý III và đầu quý IV cũng sẽ không gây áp lực đến triển vọng tỷ giá. Tỷ giá USD/VND cuối năm 2024 có thể dao động quanh mức 25.000 đồng/USD, tăng khoảng 3% so với cuối năm ngoái. Với diễn biến tỷ giá hiện tại, VDSC cho rằng NHNN sẽ không cần phải nâng lãi suất điều hành để ứng phó với áp lực tỷ giá trong các tháng còn lại của năm.

Hà An
.
.
.