Thích ứng linh hoạt để phục hồi kinh tế

Thứ Ba, 30/11/2021, 08:03

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Việc chuyển trạng thái từ “zero COVID-19” sang “thích ứng an toàn” với dịch được các chuyên gia nhận định là “luồng gió mới” để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Theo TS Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế ĐBSCL), yêu cầu mở cửa, tạo điều kiện cho DN khôi phục kinh tế, lo sinh kế cho người dân, tiến đến trạng thái “bình thường mới” là cách tiếp cận đúng đắn, nhưng sẽ nặng nề hơn. DN trở lại sản xuất, hoạt động mua bán khôi phục, làn sóng lượng lớn lao động từ TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Ðông Nam Bộ về quê châu thổ Cửu Long diễn ra trong thời gian ngắn, tâm lý bung ra đi lại, sinh hoạt bình thường của người dân sau thời gian dài giãn cách xã hội… tạo nhiều áp lực mới, càng đòi hỏi mở cửa phải an toàn. “Phải khẳng định, thay đổi tư duy phòng tránh dịch bằng cách “thích ứng an toàn” là chọn lựa không thể đảo ngược. Có hoạt động kinh tế, sinh kế thì mới có sức khỏe chống dịch”, TS Trần Hữu Hiệp nói.

Theo các chuyên gia, việc mở cửa khôi phục sản xuất, điều kiện an toàn được đặt lên hàng đầu. Bộ KH&ĐT đã hoàn thành dự thảo Ðề án “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023” trình Chính phủ cho ý kiến để trình các cấp thẩm quyền. Cụ thể, trong 5 nhóm giải pháp đề xuất thì nhóm chính sách về phòng, chống dịch bệnh và y tế có 2 nội dung liên quan đến Nghị quyết 128. Thực hiện tiêm vaccine, xét nghiệm, cách ly và điều trị đều có liên quan đến gói chính sách tài khóa và tiền tệ. Ðây cũng là điều kiện tiên quyết để thực hiện 4 nhóm giải pháp còn lại.

Thích ứng linh hoạt để phục hồi kinh tế -0
Công nhân Công ty May Tây Đô (Cần Thơ) tổ chức sản xuất an toàn, thích ứng linh hoạt với diễn biến dịch bệnh trên địa bàn. 

Ở nhóm giải pháp thứ 2 về an sinh xã hội gắn liền với phát triển bền vững, trong nhóm giải pháp này nhiều đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được nghiên cứu mở rộng thêm và nhóm giải pháp này cũng liên quan đến chính sách cho vay ưu đãi. Nhóm giải pháp thứ 3 liên quan đến hỗ trợ DN, tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa và tiền tệ, tạo động lực cho DN phục hồi, phát triển kinh tế. Thứ 4 là kích cầu đầu tư công. Cuối cùng là giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát các rủi ro…

Còn hơn 1 tháng nữa kết thúc năm 2021, dịch bệnh COVID-19 ở các tỉnh, thành châu thổ sông Cửu Long vẫn diễn biến phức tạp, nhưng các DN đang dần mở cửa, thích ứng an toàn với dịch bệnh. TS Trần Hữu Hiệp cho biết, do tính chất liên vùng, dịch bệnh ở ĐBSCL “nóng” cũng ảnh hưởng đối với TP Hồ Chí Minh và Ðông Nam Bộ khi vùng này đang mở cửa hoạt động kinh tế và du lịch, thu hút lượng lớn lao động quay trở lại làm việc. Vì vậy, từng địa phương phải có kịch bản, chủ động thực hiện phù hợp diễn biến mỗi nơi và phải tăng cường liên kết nội vùng, liên vùng. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, chỉ huy thống nhất dựa trên các nguyên tắc cốt lõi để tránh tình trạng mỗi nơi ban hành quy định riêng cản trở cái chung. Mở cửa phải khơi thông dòng chảy “chuỗi cung ứng”.

Xác định việc chuyển đổi phương thức mua bán và thương mại điện tử là giải pháp cấp bách. Ðồng thời khuyến khích phục hồi các hoạt động đầu tư hoàn thiện các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của ÐBSCL. Yêu cầu thích ứng với đại dịch COVID-19 là tạo ra một hệ thống liên hoàn đòi hỏi sức mạnh tổng lực của nhiều cấp, nhiều ngành. Cách tiếp cận phù hợp, giải pháp khả thi, tạo môi trường an toàn, chỉ đạo sát sao, có sự đồng thuận của người dân… là cách thức để các hoạt động kinh tế nhanh chóng phục hồi, đời sống người dân sớm trở lại “bình thường mới”.

Ðể có thêm nguồn lực phục hồi kinh tế, ngoài chính sách tài khóa về miễn, giảm thuế, tiền thuê đất… cần sự đồng hành của hệ thống ngân hàng. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, áp dụng từ ngày 15/7/2021 đến hết năm 2021 ước khoảng 20.613 tỉ đồng theo Nghị quyết 63 của Chính phủ. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đang tích cực đẩy vốn ra thị trường, tạo điều kiện cho DN vay phục vụ đơn hàng mới; kịp thời gỡ khó cho sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thúc đẩy cung cầu thị trường nội địa. Thực tế, các TCTD đều ưu tiên vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ, giảm các chi phí giao dịch qua ngân hàng để hỗ trợ khách hàng.

Tại TP Cần Thơ, lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ thường xuyên tham dự các cuộc họp do các sở, ngành của thành phố tổ chức, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến tín dụng ngân hàng cho các DN. Tổ hỗ trợ DN trong quan hệ tín dụng với ngân hàng trên địa bàn kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của DN trong quan hệ vay vốn với ngân hàng, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương. Ða phần các DN trên địa bàn đều có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng, luôn duy trì thường xuyên và ổn định.

Ông Trần Quốc Hà, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Cần Thơ chia sẻ: “Trong tháng 10/2021, khi triển khai Nghị quyết 128 của Chính phủ, DN khôi phục sản xuất, dư nợ tăng nhanh hơn. Tháng 10 tăng ròng 732 tỉ đồng ra nền kinh tế thành phố (từ 10,69% lên 11,4% so với cuối năm 2020). Ðến cuối năm 2021, ước tổng dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ là 3.200 tỉ đồng cho hơn 3.700 khách hàng. Doanh số cho vay mới đạt 76.000 tỉ đồng cho hơn 8.000 khách hàng vay bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ước dư nợ cho vay đến cuối năm 2021 đạt 117.000 tỉ đồng, tăng 12,76% so với tháng 12/2020, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ năm 2020”.

Theo chỉ đạo của NHNN, hệ thống các TCTD đã thực hiện nhiều giải pháp mở rộng tín dụng, giảm lãi suất cho vay. Ðồng thời triển khai các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng, góp phần thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”. Sự đồng hành của các TCTC là nguồn lực quan trọng giúp DN vượt qua khó khăn, tạo nguồn cho năm 2022.

Đ.Văn – B.Gia
.
.
.