Thấy gì sau 2 năm thực hiện Hiệp định EVFTA?

Chủ Nhật, 31/07/2022, 05:58

Sau 2 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) (1/8/2020 - 1/8/2022), doanh nghiệp (DN) đã bước đầu nắm bắt được cơ hội và tận dụng hiệu quả những ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, gia tăng xuất khẩu.

Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong 7 tháng qua, trong đó, Việt Nam ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng cao sang Mỹ, EU, Hàn Quốc. Đặc biệt, nhờ có cú hích EVFTA, xuất khẩu sang thị trường này tăng trưởng hơn 20%, xuất siêu 18,7 tỷ USD, tăng 41,5% so với cùng kỳ 2021.

fta.jpg -0
Doanh nghiệp đã bắt đầu tận dụng ưu đãi từ Hiệp định EVFTA cho các đơn hàng xuất khẩu.

Điều đó cho thấy, các ngành tận dụng khá tốt cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU. Các chuyên gia kinh tế dự báo, trên đà tăng trưởng năm 2021, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia FTA, như EVFTA. Các ngành sản xuất như nông sản, dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.

Về kết quả này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, với Hiệp định EVFTA, ngay từ năm đầu tiên đã có bước tăng trưởng, trong 2 năm thực thi cho thấy, đây là 1 trong những hiệp định có tỷ lệ tận dụng ưu đãi cao nhất so với những hiệp định khác. Theo đó, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của DN Việt Nam thông qua giấy chứng nhận xuất xứ mà DN được cấp để tận hưởng ưu đãi khi hàng hóa đi vào EU khá cao. Sáu tháng đầu năm 2022, tỷ lệ này đã có tốc độ tăng rất mạnh, lên đến trên 32%.

“Đây cũng là một trong những tỷ lệ rất là khá, cao hơn khoảng 4 lần so với tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong Hiệp định CPTPP. Điều này cho thấy, DN đã bắt đầu thể hiện tính tích cực hơn và lợi ích của Hiệp định đem lại cũng đã thể hiện rõ rệt hơn”, ông Lương Hoàng Thái cho hay.

Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời hoàn tất việc xuất khẩu gần 500 tấn gạo “Cơm ViệtNam Rice” sang thị trường châu Âu trong tháng 6/2022. Đợt hàng này, gạo được vận chuyển bằng đường biển và sẽ tới Đức, Hà Lan, Pháp trong tháng 7/2022, chủ yếu là gạo thơm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh lạm phát giá, EVFTA là yếu tố thuận lợi trợ lực cho xuất khẩu tôm sang EU. Tính tới ngày 15/6/2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 338 triệu USD, tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khối EU, top 3 thị trường gồm Hà Lan, Đức và Bỉ đều tăng 58-91% nhập khẩu tôm Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2022. Theo VASEP, hiện nay, nhu cầu các sản phẩm tôm bền vững và hữu cơ ngày càng tăng ở châu Âu. Các sản phẩm ăn liền tiện lợi cũng có nhu cầu cao tại thị trường này.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020 mang lại nhiều ưu đãi, tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng thủy sản của Việt Nam, và là cơ hội để các DN Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào thị trường Bắc Âu với giá cao hơn xuất khẩu qua trung gian. Đặc biệt, ở châu Âu, cá tra được tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường Bắc Âu. 

Để thủy sản có thể chinh phục tại thị trường Bắc Âu, ngoài việc cung cấp đúng sản phẩm, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn phải tuân thủ rất nhiều quy định của thị trường, nghiên cứu các yêu cầu bắt buộc của thị trường trên các cổng thông tin chính thức của EU như Trade Help Desk, CBI để hiểu các thủ tục liên quan đến thủy sản. Bên cạnh đó, cần đáp ứng các yêu cầu bổ sung như chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận tuân thủ xã hội, chứng nhận bền vững... Đặc biệt, các DN cần lưu ý dán nhãn với thông tin chính xác.

Cùng với đó, để đẩy nhanh thực thi EVFTA hiệu quả, ông Lương Hoàng Thái cho rằng, hiện nay, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… tức là họ không chỉ đơn thuần yêu cầu về giá cả, chất lượng mà còn quan tâm đến quy trình sản xuất hàng hóa đó như thế nào.

Lưu Hiệp
.
.
.