Tháo gỡ vốn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh
Doanh nghiệp (DN) than thiếu vốn sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh, còn gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ đã được triển khai hơn 1 tháng, trong đó một số chính sách đã đưa vào thực tế. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn còn lo ngại là sẽ khó tiếp cận được khoản vay mới, do những quy định khó áp dụng...
Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ với mục đích giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID -19 với các đối tượng thụ hưởng: Đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cộng đồng DN, an sinh xã hội, y tế, chuyển đổi số... Trong đó, có gói hỗ trợ 49.400 tỷ đồng thông qua chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) đã được áp dụng từ đầu tháng 2 cho đến hết năm nay; Gói cấp bù lãi suất 2% sẽ hỗ trợ lãi suất 2% cho các DN, HTX, hộ kinh doanh, có khoản vay trong năm 2022 -2023, ước tính tổng gói hỗ trợ lãi suất này 40.000 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong thời gian dịch bệnh DN phải gồng nhiều chi phí phát sinh để cầm cự trong thời gian dài thì gói hỗ trợ này được xem là nguồn lực giúp DN tái khởi động lại dây chuyền sản xuất, mở rộng những dự án mới, khôi phục lại các hoạt động gần như bị "đóng băng" do dịch bệnh. Thế nhưng, nhiều DN cho rằng vẫn khó để tiếp cận được khoản vay hỗ trợ lãi suất này.
Ông Nguyễn Thanh Hưng - Giám đốc Công ty chuyên sản xuất hàng tiêu dùng (quận 12) phần trần: "Từ đầu năm đến nay, đơn đặt hàng thì nhiều nhưng DN không dám nhận do sau dịch DN gần như trắng tay. Bởi, để "gồng" mình sống sót qua dịch, toàn bộ tài sản DN đã "cắm" ở ngân hàng. Bây giờ muốn vay vốn để đầu tư trang thiết bị để mở rộng sản xuất, cũng không còn tài sản đảm bảo để vay. Không có tài sản thế chấp, muốn vay được vốn, thì phía ngân hàng yêu cầu DN phải chứng minh rằng DN đã bị ảnh hưởng bởi COVID -19 trong thời gian qua. Nhưng để chứng minh việc này thì DN không biết phải chứng minh thế nào".
Nhiều DN cũng cho rằng, khi bước vào giai đoạn phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, DN nhận được rất nhiều đơn hàng, nhưng DN gặp không ít áp lực. Nhất là gía xăng dầu đang ở mức cao, giá vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng, dẫn đến chi phí cuả DN khi phục hồi sản xuất đã không giảm mà còn tăng cao. Ngoài ra, DN cũng thiếu vốn để mở rộng, đầu tư nâng cấp trang thiết bị nên không dám nhận những đơn hàng lớn. DN phải vừa sản xuất vừa xoay vòng vốn.
Phần lớn các DN không có tài sản đảm bảo để vay vốn, thậm chí nhiều DN vẫn còn khoản nợ đọng cũ cuả ngân hàng. Vì vậy, để tạo điều kiện cho DN tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi thì điều kiện quan trọng nhất là bản thân DN đó phải có khả năng phục hồi. Phải nhìn xem là phương án trong tương lai, hay kế hoạch sản xuất kinh doanh của DN có khả năng tạo ra dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Đó cũng là giải pháp giúp DN tiếp cận được vốn vay trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.
Theo các chuyên gia, nên khuyến khích những khoản vay mới. Bởi, khoản vay cũ của DN về cơ bản đã được giãn, hoãn, hoặc cũng đã giảm 1 phần lãi nào đó rồi. Quan trọng là DN chứng minh được khả năng trả nợ cho ngân hàng.