Thanh toán không tiền mặt "lên ngôi" nhờ dịch bệnh

Chủ Nhật, 10/04/2022, 08:54

Do đặc thù của giai đoạn giãn cách xã hội, đại dịch COVID-19 đã thay đổi đáng kể thói quen sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân Việt Nam khi quy mô giao dịch trên nền tảng số, thanh toán online tăng mạnh, trong khi giao dịch trực tiếp tại quầy hay rút tiền từ thẻ ATM có xu hướng giảm.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ đầu năm 2020 đến nay, trải qua các đợt dịch bệnh liên tiếp, quy mô giao dịch tại các kênh giao dịch của ngân hàng đã có sự biến động lớn.

4-3.jpg -0
Năm 2021, thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng đột biến.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết: "Theo thống kê cho thấy, trong năm 2021, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, kênh Internet tăng 48,8% về số lượng và 32,6% về giá trị, qua kênh điện thoại di động tăng 76,2% và 87,5%; thanh toán qua QRcode lên đến 200% so với năm 2020, tỉ trọng các giao dịch rút tiền mặt qua ATM trên tổng các giao dịch xử lý qua hệ thống của NAPAS giảm mạnh từ 26% năm 2020 xuống còn 12%".

Chia sẻ thực tế từ ngân hàng mình, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Vietcombank cho biết, trong năm 2021, quy mô giao dịch qua các nền tảng số của Vietcombank tăng trưởng 62,5% về số lượng giao dịch và gần 30% về giá trị giao dịch so với năm 2020, tương ứng đạt khoảng 1,5 triệu giao dịch online bình quân/ngày. Các hình thức TTKDTM cũng được khách hàng đẩy mạnh sử dụng, đặc biệt là phương thức thanh toán bằng mã QR với tổng quy mô thanh toán QR năm 2021 bằng 213% so với năm 2020. Đối với giao dịch thẻ nội địa, doanh số rút tiền mặt giảm đồng thời doanh số thanh toán thẻ tại các mạng lưới các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ của VCB tăng 25% so với cùng kỳ.

"Như vậy, có thể thấy trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, khách hàng cũng đã có sự thay đổi về cách thức sử dụng phương tiện thanh toán, hạn chế chi tiêu tiền mặt, chủ trọng TTKDTM và đặc biệt ưu tiên thanh toán trực tuyến" - bà Oanh cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Vietcombank, sự tăng trưởng mạnh mẽ khối lượng giao dịch trên các kênh online đến từ sự chuyển dịch xu hướng giao dịch của tập khách hàng hiện hữu và sự tăng trưởng đáng kể số lượng khách hàng online. Cụ thể, quy mô khách hàng sử dụng dịch vụ online của Vietcombank tăng trưởng 39% so thời điểm cuối năm 2020; tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ online so với tổng số lượng khách hàng của Vietcombank đạt 36%.

Tại một ngân hàng khác là Agribank, tính đến hết năm 2021, ngân hàng này đã triển khai ký thỏa thuận hợp tác với trên 2.000 nhà cung cấp dịch vụ để thực hiện các dịch vụ thanh toán thu hộ, chi hộ phục vụ nhu cầu thanh toán của khách hàng từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hàng năm, số lượng giao dịch với khách hàng đạt trên 30 triệu, tốc độ tăng trưởng đạt 35%.

Còn theo thống kê của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS), tiếp tục đà tăng trưởng trong 2 năm qua, trong quý 1/2022, hoạt động thanh toán qua mạng lưới của NAPAS tăng trưởng 89% về số giao dịch và 123% về giá trị so với quý I/2021. Trong đó giao dịch rút tiền mặt qua ATM có xu hướng giảm (-9,6%) về số lượng và (-8,8%) về giá trị giao dịch so với cùng kỳ 2021. "Qua số liệu cho thấy xu hướng thanh toán đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các phương tiện điện tử thay thế cho tiền mặt" - ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết.

Các số liệu nói trên đều cho thấy dịch bệnh thực sự đã mở ra cơ hội cho TTKDTM phát triển. Để không bỏ lỡ cơ hội này, NHNN, các ngân hàng thương mại, NAPAS đang tích cực phát triển các sản phẩm, dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Hà An
.
.
.