Thanh long Việt Nam được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng

Thứ Sáu, 03/09/2021, 07:36

Trái thanh long tại một số địa phương hiện đã vào vụ với sản lượng lớn, trong khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội đã hạn chế hoạt động của các thương lái, vận chuyển khó khăn, tạo áp lực tiêu thụ cho bà con vùng trồng. Tuy nhiên, trong thời gian qua, thanh long Việt Nam được nhiều thị trường đón nhận và mở ra nhiều cơ hội chinh phục thị trường khó tính.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), ở Việt Nam, thanh long được xếp vào nhóm mặt hàng trái cây xuất khẩu (XK) chủ lực và thường nằm trong nhóm sản phẩm XK tỷ USD của Việt Nam trong những năm qua. Ngoài thanh long quả tươi, hiện Việt Nam cũng có thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép si rô, snack thanh long, rượu vang thanh long, kem thanh long, chả cá thanh long, bánh mỳ thanh long… Một số sản phẩm thanh long chế biến đã được XK. Sự đa dạng hoá các sản phẩm giá trị gia tăng từ thanh long của các địa phương và doanh nghiệp (DN) được xem là hướng đi đúng để đa dạng kênh tiêu thụ, giảm sức ép mùa vụ, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm.

Thời gian qua, thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường châu Á, châu Âu và Mỹ. Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh long Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng lên với một số nguồn cung khác từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia… Đặc biệt, hiện nay một số tỉnh trồng thanh long ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ đang chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 khiến hoạt động sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ nhiều sản phẩm nông sản, trong đó có thanh long càng trở nên khó khăn.

7-3.jpg -0
Khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam. Ảnh minh hoạ.

Thị trường XK chủ lực là Trung Quốc siết chặt kiểm dịch đối với nhiều mặt hàng, trong đó có thanh long hoặc đóng biên tại một vài cửa khẩu trong một số thời gian nhất định. Các hoạt động logistics có chi phí tăng cao đột biến cũng chồng thêm những bất cập cho XK thanh long. Gặp khó tại Trung Quốc, tuy nhiên ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, nhu cầu tiêu thụ thanh long Việt Nam tại các thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục tăng. Khá nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài quan tâm phát triển nguồn cung thanh long chất lượng cao từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, đại diện nhiều thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nhận định, thanh long Việt Nam được người tiêu dùng nước ngoài ưa chuộng. Ông Nguyễn Phú Hoà, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã đưa ra con số cụ thể: 6 tháng đầu năm, XK  thanh long của Việt Nam vào Australia tăng trưởng đột biến, đạt tới 3 triệu USD giá trị. Một số siêu thị ở Australia bày bán rất nhiều thanh long Việt Nam với giá bán lẻ 4,9USD/quả, 14 USD/kg. Sản phẩm chế biến từ thanh long cũng khá đa dạng, như: Thanh long sấy dẻo, sấy lạnh…

Tới đây, cùng với việc tiếp tục tiếp thị quảng bá thanh long Việt Nam tới người tiêu dùng gốc Á, Thương vụ cũng sẽ đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá mặt hàng này tới người tiêu dùng phương Tây tại Australia để mở rộng hơn nữa thị trường cho thanh long Việt.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cũng cho biết, người tiêu dùng Nhật Bản coi thanh long là loại quả giàu dinh dưỡng, giàu chất xơ, đem lại làn da đẹp, mịn màng. Các sản phẩm chế biến từ thanh long như nước thanh long đóng chai, thanh long sấy dẻo, kẹo thanh long… nên đa dạng hơn về mẫu mã, mùi vị, nâng cao chất lượng để phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại Nhật Bản.

Đồng thời, ông Tạ Đức Minh cũng khuyến cáo các DN Việt Nam nên tận dụng ưu đãi thuế từ các FTA mà Việt Nam và Nhật Bản cùng là thành viên; thực hiện liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo giữ được độ tươi ngon và chất lượng sản phẩm, giữ vững thương hiệu và thị trường. “Một số tiêu chuẩn nhập khẩu trái cây của Nhật Bản còn cao hơn cả EU. Trái cây Việt Nam có thể xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản sẽ có nhiều thuận lợi thâm nhập các thị trường khác”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, thời gian tới, để giúp hàng hóa Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường EU, Thương vụ sẽ phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) lập danh sách các DN tham gia sản xuất, chế biến, XK trái cây, sản phẩm trái cây uy tín trên cả nước để kết nối với các DN nhập khẩu; tiếp tục tìm kiếm các DN nhập khẩu trái cây và sản phẩm trái cây tại EU và kết nối với DN XK tại Việt Nam.

Để hoạt động XK được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU nhìn nhận, ở trong nước, các địa phương cần quan tâm hơn nữa việc kêu gọi DN XK liên kết chặt chẽ với các hộ gia đình, hợp tác xã sản xuất theo hướng chứng nhận Global GAP; hỗ trợ DN XK khi vận chuyển lưu thông đảm bảo thông suốt, đẩy mạnh các khâu sơ chế, hun trùng, kiểm dịch, hỗ trợ phí kiểm tra trước khi XK; lấy mẫu và gửi mẫu sang thị trường EU để kiểm tra theo yêu cầu của thị trường EU và các nhà nhập khẩu.

Lưu Hiệp
.
.
.