Tập trung giải ngân vốn đầu tư công năm 2025
Trong bối cảnh, tiêu dùng phục hồi chậm và chưa có dấu hiệu khởi sắc, hoạt động thương mại toàn cầu bị tác động chính sách thuế quan mới của Mỹ, vốn đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng, góp phần giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân.
Khơi thông dòng vốn đầu tư công
Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (đầu tư công) thực hiện quý I/2025 ước đạt khoảng 116,8 nghìn tỷ đồng, bằng 13,5% kế hoạch năm và tăng 19,8% cùng kỳ năm 2024. Có được kết quả này nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự tập trung triển khai thực hiện của bộ, ngành và địa phương ngay từ các tháng đầu năm, các biện pháp chỉ đạo đầu năm bước đầu phát huy hiệu quả, dòng vốn đầu tư công đã dần được khơi thông.
Là một trong địa phương có tốc độ giải ngân cao hơn trung bình cả nước (9,5%), Sở Tài chính Quảng Ninh, kết thúc quý I/2025, ước thực hiện giải ngân đến đạt 1.209 tỷ đồng, đạt 10,2% kế hoạch giao đầu năm. Theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của các đơn vị, dự kiến đến ngày 30/6/2025, toàn tỉnh Quảng Ninh giải ngân được 5.484 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch giao đầu năm.

“Đơn vị đã tích cực rà soát các nội dung, tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tập trung đẩy mạnh giải ngân đầu tư công ngay từ đầu năm; các chủ đầu tư, UBND các địa phương xây dựng kế hoạch giải ngân theo từng tháng, quý cho từng dự án. Hiện nay, cơ bản dự án được tháo gỡ, nhất là những dự án được xác định là động lực, trọng điểm của các ngành, địa phương. Đơn cử, như tuyến đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TP Đông Triều. Dự án này đến nay đã cơ bản giải quyết được nguồn vật liệu san lấp nên tiến độ thi công nền đường đang được triển khai rất khẩn trương của liên danh đơn vị nhà thầu”, ông Phạm Hồng Biên, Giám đốc Sở Tài chính Quảng Ninh cho hay.
Nhận thức được tầm quan trọng của vốn đầu tư công, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều công điện, chỉ thị tập trung vào việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tạo sự lan toả tới đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước và khu vực FDI. Song, theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn những điểm nghẽn về cơ chế chính sách, các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước; vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện; khó khăn về nguồn thu ngân sách địa phương là các nguyên nhân dẫn tới thực tế đến hết quý I/2025 vẫn còn một lượng vốn đáng kể chưa được phân bổ chi tiết.
Theo Bộ Tài chính, vốn giải ngân đến ngày 31/3 đạt 78.712 tỷ đồng, tương đương 9,53% kế hoạch, thấp hơn so với số cùng kỳ 12,27% của năm 2024. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 666,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó vốn khu vực Nhà nước chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư, tăng 13,7%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 54,2%, tăng 5,5%; khu vực FDI chiếm 18,1%, tăng 9,3%.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực đầu tư công, mới đây, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập 7 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương. Cùng với tinh thần đó, “đi từng dự án, xuống từng địa phương” đã được các Tổ trưởng Tổ công tác triển khai ở nhiều địa phương trên cả nước.
Đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư các công trình, dự án
Theo Bộ Tài chính, trong 3 tháng năm 2025, có 13/47 bộ, cơ quan trung ương và 36/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm, nhiều các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa giải ngân (17 bộ, cơ quan trung ương) hoặc giải ngân rất thấp (16 bộ, cơ quan trung ương và 6 địa phương giải ngân dưới 5%).

Nêu một số khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án, Bộ Tài chính cho biết, khó khăn, vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách; trong tổ chức thực hiện; liên quan đến phân bổ vốn. Trong đó, việc chưa phân bổ một lượng vốn tương đối lớn đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSNN những tháng đầu năm 2025 (tính đến ngày 15/3/2025 còn khoảng 62.015,2 tỷ đồng, chiếm 7,51% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, chủ yếu số vốn chưa phân bổ dự kiến bố trí cho các dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư. Một số bộ, cơ quan trung ương đã phân bổ chi tiết cho các dự án không đủ điều kiện phân bổ và giải ngân như: chưa được phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư, chưa có quyết định đầu tư, bố trí vượt tổng mức đầu tư đã duyệt, vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn, vượt thời gian bố trí vốn…
Bộ Tài chính đã có văn bản kiểm tra, nhận xét chi tiết đến từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh, hoàn thiện. Cùng với đó, công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (GPMB) phục vụ thi công các dự án còn chậm do vướng mắc như chưa đạt được thỏa thuận đối với người dân trong công tác GPMB, chậm bàn giao mặt bằng; xác định nguồn gốc sử dụng đất của các hộ gặp nhiều khó khăn do chuyển nhượng nhiều lần nên mất thời gian, việc hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất qua nhiều bước,...Về nguyên vật liệu: nguồn cung một số nguyên vật liệu hạn chế (đất, cát đắp...); giá nhiều nguyên vật liệu tăng đột biến so với thời điểm mời thầu làm tăng chi phí dự án…
Theo TS Nguyễn Bích Lâm, vốn đầu tư công thực hiện sẽ là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam năm 2025, bởi động lực tăng trưởng dựa vào tiêu dùng cuối cùng đang phục hồi chậm và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Tổng vốn đầu tư công năm 2025 là 825,9 nghìn tỷ đồng, nếu giải ngân được 95% thì đạt 784,6 nghìn tỷ, khi đó GDP tăng thêm 1,07 điểm phần trăm. Nếu giải ngân hết 100% tổng số vốn, GDP tăng thêm 1,4 điểm phần trăm. Cùng với đó, TS Nguyễn Bích Lâm cho rằng, cần rà soát loại bỏ tất cả những các quy định chưa phù hợp trong Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách Nhà nước, những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện giải ngân vốn đầu tư.
Việc triển khai thực hiện không đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương, đòi hỏi cần tiếp tục quyết liệt cải cách, nâng cao năng lực thực hiện, tập trung khắc phục giải quyết triệt để các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện đặc biệt là khó khăn về GPMB để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chung của nguồn vốn này trong quý II và các tháng cuối năm.