Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu
Là cửa ngõ, con đường xuất khẩu của hầu hết nông sản Việt Nam, Lạng Sơn duy trì tốt vùng đệm, vùng xanh, chấp hành nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho công tác thông quan hàng hoá. Cơ quan chức năng Việt Nam tại các khu vực cửa khẩu luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).
Chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Bà Đào Thu Lan, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, Trung Quốc vẫn tiếp tục thực hiện quản lý và kiểm soát chặt phương tiện chở hàng hoá XNK nhằm phòng, chống dịch, đồng thời vẫn tạm dừng thông quan các cửa khẩu phụ Na Hình, Bình Nghi, Nà Nưa. Việc giao nhận hàng hoá thực hiện theo phương án sử dụng cắt công, đổi đầu kéo, hiện nay phương án này đã được ổn định và nề nếp, có sự thực hiện đồng bộ giữa 2 bên, từng bước tạo thuận lợi cho giao nhận hàng hoá.
Để thực hiện xuất khẩu (XK) hàng hóa được thuận lợi, không bị ùn ứ tại cửa khẩu, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19 của nước bạn, các lực lượng chức năng trên địa bàn như Hải quan, Biên phòng, Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn… đã chủ động tổ chức các cuộc trao đổi, hội đàm với các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nhằm thống nhất các phương án XNK, thúc đẩy giao thương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thông quan đôi bên. Đồng thời, các đơn vị chức năng xây dựng các kế hoạch, phương án đảm bảo hoạt động XNK được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa…Trong đó, BQL đã liên tục hội đàm với 18 cuộc và gửi 34 Thư Công tác cho phía bạn và đề nghị với Chính phủ nhân dân thị Bằng Tường, Quảng Tây (Trung Quốc) phối hợp giải phóng hàng hoá và trao trả số container và moóc tồn tại bãi cửa khẩu 2 bên.
Anh Nguyễn Văn Phong, chủ xe BKS 73H 00184 cho biết, anh nhận chở thuê xoài sang Trung Quốc, moóc và container bị giữ lại Trung Quốc gần 5 tháng (5/1-27/5/2022). Khi bị giữ xe, anh đã gửi đơn phản ánh lên các cơ quan chính quyền của Lạng Sơn. Nhờ những nỗ lực và sự vào cuộc của các lực lượng chức năng như Công an tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm quản lý cửa khẩu, BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng… đã trao đổi với phía Trung Quốc, đến 27/5 anh đã nhận được moóc và container.
Anh Đoàn Văn Thuận chủ xe 51R-25825 cho biết, anh bị giữ moóc và container chở mít sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh từ 3/3 - 9/5/2022. Qua trao đổi giữa các lực lượng chức năng tại cửa khẩu với phía Trung Quốc và chủ hàng tự thoả thuận với nhau thì đến 9/5, anh được nhận xe và phải đóng 20.000.000 đồng tiền phí cho phía bến bãi Trung Quốc.
Chi phí thông quan nông sản tăng cao chủ yếu là do phía Trung Quốc
Ông Lê Văn Thắng, Trưởng Ban BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng cho biết, để tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa qua cửa khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hai bên đã tăng cường trao đổi và thống nhất phương án giao nhận hàng hóa tại các cửa khẩu Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma theo hướng sử dụng mô hình ghép nối container, đảm bảo nhân viên hai nước không tiếp xúc trong quá trình triển khai thực hiện. Tỉnh Lạng Sơn cũng là tỉnh đầu tiên triển khai phương thức giao nhận hàng hóa này. Phương án này đến nay đã thể hiện được hiệu quả. Số xe thông quan tăng mạnh, trung bình từ đầu tháng 7 đến nay đã tăng 15,8% so với tháng 6, đạt 730 xe/ngày, trong đó XK trên 300 xe, nhập khẩu trên 400 xe, tăng trên 700% so với thời điểm trước khi thực hiện phương thức giao nhận hàng hóa mới. Hiện cơ bản xe chở hàng hóa XK qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đều được giải phóng hết hàng trong ngày.
Hiện nay, tiến độ thông quan đã diễn ra nhanh chóng hơn, tuy nhiên chi phí để XK một 1 xe hàng sang Trung Quốc cũng gia tăng chi phí nhiều hơn. Theo phản ánh của DN thì chi phí đã tăng lên rất nhiều so với trước. Chi phí tăng quá cao đang gây không ít khó khăn cho DN.
Theo anh Nguyễn Văn Phong, chuyến xe gần đây anh trở thanh long từ Phan Thiết ra cửa khẩu Hữu Nghị, tổng chi phí của phía Việt Nam và Trung Quốc hết 22.830.000 đồng. Trong đó, tại phía Trung Quốc phí hết nhiều nhất (1 NDT tương đương 3.600 đồng), cụ thể, phí thuê tài Trung Quốc hết 1.700 NDT; phí đầu xe: 1.200 NDT; phí lắp đầu xe container 200 NDT; phí qua đêm 25 NDT; phí bãi hoa quả: 125 NDT; phí chạy lạnh 1 đêm 150 NDT; phí dịch vụ cắt moóc (tháo- nối) 168 NDT…
Anh Đoàn Văn Thuận cho biết thêm, nhà anh có 8 xe, từ ngày có dịch, chi phí tăng quá cao, hiện lái xe chủ yếu chạy thuê, khoán trọn gói từ lúc bốc xếp hàng lên xe cho tới xuất sang Trung Quốc. Hiện, 1 xe hàng từ cửa khẩu Tân Thanh xuất qua Trung Quốc thành công đến lúc nhận xe về Việt Nam thuế phí hết 26.500.000 đồng. Phí bên Trung Quốc khá lớn, nếu xe hàng lưu lại bãi lâu thì chi phí càng tăng thêm.
Trên thực tế, xe hàng XK sang Trung Quốc các chi phí phụ thuộc vào từng xe hàng lạnh hay thường, tuỳ từng cửa khẩu xuất (Tân Thanh hay Hữu Nghị) thì đầu phía bến bãi Trung Quốc có mức quy định thu phí riêng. Mức thu của họ cũng tuỳ theo điểm vào – ra, thu thêm, thu theo lượt. Dừng đợi quá 48 tiếng thì thu thêm.
Trước phản ánh của DN, ông Lê Văn Thắng cho biết, hiện nay Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách “zero COVID”. Họ đã thay đổi phương thức giao nhận hàng hóa theo mô hình không tiếp xúc giữa nhân viên hai nước dẫn đến chi phí thông quan tăng trong thời gian qua. Về vấn đề này, tỉnh Lạng Sơn rất quan tâm và chỉ đạo BQL chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát toàn bộ khoản thu phí bên phía Việt Nam. Kết quả rà soát cho thấy hầu như các chi phí bên phía Việt Nam được thực hiện theo đúng quy định, không tăng, bao gồm chi phí thuê tài xế chuyên trách, chi phí thuê đầu kéo, chi phí hạ tầng, bến bãi cùng các chi phí khác.
“Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và phương thức giao nhận hàng hoá mới nên phát sinh nhiều chi phí, nhưng các chi phí tăng thêm này chủ yếu từ phía Trung Quốc. Do hàng XNK qua các cửa khẩu là hàng nông sản, hoa quả tươi, XK sang Trung Quốc phải thực hiện kiểm hoá 100%, ngoài ra tại cặp cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) - Pò Chài (Trung Quốc) chủ yếu mua bán theo theo hình thức tiểu ngạch, thậm chí chưa phát sinh giao dịch mua bán nên thời gian thực hiện mua bán kéo dài, do đó dẫn đến phát sinh thêm nhiều chi phí như lưu kho, bảo quản hàng hoá, chạy lạnh… Các khoản thu phí của phía Trung Quốc được công khai tại các bến bãi của Trung Quốc”, ông Thắng cho hay.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Lạng Sơn đã trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc. Mới đây nhất, tỉnh Lạng Sơn có công hàm gửi Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh và chính quyền, nhân dân khu tự trị dân tộc Choang (Quảng Tây, Trung Quốc), thị Bằng Tường rà soát các khoản chi phí để có thể tiết giảm chi phí cho DN. Phía thị Bằng Tường đã có công văn trao đổi lại và cho biết, do phải phục vụ phòng, chống dịch bệnh nên tất cả chi phí này thị Bằng Tường thu theo đúng quy định hiện hành. Hiện, BQL tiếp tục theo dõi và trao đổi với phía Trung Quốc rà soát các khoản chi phí để tiết giảm cho DN.
Liên quan đến những bất cập trong việc không thể dùng xe đầu kéo chở hàng đường dài của DN Việt Nam mà phải đổi sang xe đầu kéo của một công ty khác, đại diện BQL cho hay đã trao đổi vấn đề này với phía Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Trung Quốc nhất quyết yêu cầu phải là lái xe chuyên trách gắn với xe đầu kéo cố định, với một chuẩn đấu nối và bên họ chuẩn bị một đội tương ứng như bên mình để thực hiện giao nhận hàng.
Để giải quyết vấn đề này, bà Đoàn Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát các chi phí, nhất là chi phí thuê lái xe, thuê đầu kéo. Tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc để giảm chi phí thông quan cho DN XK. Đồng thời, UBND tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo BQL Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng phối hợp với các cơ quan chức năng công khai, minh bạch về quy trình, các loại thuế, phí và mức phí của cả phía Việt Nam và Trung Quốc khi XK 1 xe hàng sang Trung Quốc. Đối với phương tiện có tranh chấp đề nghị phía chủ hàng giải quyết sớm để giải phóng phương tiện.