Tăng trưởng GDP có thể đạt 6,95% trong năm 2024

Thứ Ba, 09/07/2024, 10:21

Sáng 9/7, tại Hà Nội, trong khuôn khổ chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Chính phủ Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối mặt với những thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức từ bối cảnh quốc tế, song khó khăn, thách thức được đánh giá nhiều hơn so với thuận lợi. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo dựng nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nêu một số điểm nổi bật của nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, CIEM cho biết, tính chung cả 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, trong đó quý I đạt mức 5,87%, quý II đạt mức 6,93% (so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024. Lạm phát có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát…

Tăng trưởng GDP có thể đạt 6,95% trong năm 2024 -0
Toàn cảnh hội thảo.

Từ các yếu tố thuận lợi và điều kiện trong nước, CIEM đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024.

Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD.        

Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.

Cùng với đó, CIEM cũng đã tập trung phân tích thực trạng phát triển tài chính xanh và phát triển kinh tế ban đêm ở một số đô thị lớn ở Việt Nam. Trên cơ sở các phân tích, báo cáo chỉ ra một số vấn đề cần xử lý, và đưa ra một số kiến nghị chính sách đối với các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam.

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi, phân tích, kiến nghị về các nội dung, ưu tiên chính sách nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng gắn với cải thiện chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở củng cố nền tảng kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng.

Lưu Hiệp
.
.
.