Tăng cường liên kết phát triển trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Thứ Sáu, 01/07/2022, 14:55

Việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) miền Trung theo nguyên tắc cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau có lợi, khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng; đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Chiều 1/7, tại TP Tam Kỳ, Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức Tọa đàm khoa học “Liên kết phát triển Vùng KTTĐ miền Trung trong bối cảnh mới”.

Tăng cường liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung -0
Buổi tọa đàm có sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Các đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39; Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 39; Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam chủ trì buổi tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, TP Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, các tỉnh trong Vùng KTTĐ miền Trung; thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39; các chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cho rằng, trước bối cảnh thách thức và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của quá trình hội nhập, cạnh tranh quốc tế, của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các lợi thế dần bị thu hẹp; các thách thức về giao thông, môi trường, dân số, hiện tượng cực đoan về biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thời gian gần đây… đã và đang ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững chung của cả vùng và của từng địa phương.

Do đó, việc đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng theo nguyên tắc cùng nhau vượt qua khó khăn, cùng nhau có lợi, khai thác hiệu quả nhất kết cấu hạ tầng kết nối nội vùng, liên vùng; đồng thời, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh các ngành, lĩnh vực nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương là hết sức cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Tăng cường liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung -0
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.
Tăng cường liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung -0
TS Trần Du Lịch, chuyên gia nghiên cứu kinh tế phát biểu tham luận tại tọa đàm.

Phát biểu chỉ đạo buổi tọa đàm, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39 cho biết, triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương được giao chủ trì Đề án tổng kết thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và Kết luận số 25 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39.

Để triển khai Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp chặt chẽ với 20 Ban cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và Tỉnh ủy, Thành ủy của 14 địa phương trong vùng để thành lập Ban Chỉ đạo và ban hành Kế hoạch số 81-KH/BKTTW, ngày 16/5/2022 phục vụ việc tổng kết; trong đó có tổ chức một số hội thảo, tọa đàm nhằm củng cố các luận cứ khoa học và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo đề xuất Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng chí Trần Tuấn Anh đánh giá, Vùng KTTĐ miền Trung có điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, phát triển đa dạng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, nghề cá, dầu khí, vận tải...; phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, kinh tế đảo và vận tải biển, sông - biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp, đóng mới và sửa chữa tàu biển; phát triển các khu kinh tế và các trung tâm thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Vùng KTTĐ miền Trung được Nghị quyết số 39 định hướng phát triển để “trở thành vùng kinh tế động lực thúc đẩy, lôi kéo các địa phương khác mà trước hết là các tỉnh trong vùng cùng phát triển; phát huy tối đa tác động hành lang Đông - Tây của tiểu vùng Mê Kông mở rộng, tam giác phát triển Việt Nam- Lào- Campuchia và vùng Đông Bắc Thái Lan”.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, tốc độ phát triển Vùng KTTĐ miền Trung còn khá chậm, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Trung ương, đang là “vùng trũng” trong các vùng KTTĐ của cả nước; tăng trưởng kinh tế còn thiếu ổn định; quy mô kinh tế còn nhỏ; quy hoạch phát triển Vùng KTTĐ miền Trung còn nhiều bất cập; các đô thị thiếu liên kết thành một hệ thống thống nhất, vai trò hạt nhân của TP Đà Nẵng chưa cao;…

Tăng cường liên kết phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung -0
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án tổng kết Nghị quyết số 39 phát biểu chỉ đạo tọa đàm.

Đặc biệt là cơ chế điều phối, liên kết phát triển vùng đã được ban hành (như Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng...), nhưng chưa mang lại nhiều kết quả do thiếu cơ chế ra quyết định và điều phối liên kết giữa các địa phương, xuất hiện những xung đột giữa lợi ích địa phương và lợi ích toàn vùng; lợi thế cấp vùng của nhiều ngành, lĩnh vực chưa được khai thác, phát huy.

Vì vậy, Tọa đàm “Liên kết phát triển Vùng KTTĐ miền Trung trong bối cảnh mới” có ý nghĩa quan trọng nhằm củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn, giúp Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 39 hoàn thiện Đề án và đề xuất Bộ Chính trị các chủ trương, định hướng mới cho phát triển kinh tế - xã hội vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung, Vùng KTTĐ miền Trung nói riêng.

Đây còn là cơ hội để lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học đánh giá lại kết quả liên kết Vùng KTTĐ miền Trung thời gian qua; đề xuất các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tăng cường liên kết phát triển Vùng KTTĐ miền Trung phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt là các giải pháp về thể chế, các cơ chế, chính sách nhằm khai thông và bổ sung nguồn lực thúc đẩy liên kết phát triển Vùng KTTĐ miền Trung nói riêng và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ nói chung trong thời gian tới.

Vùng KTTĐ miền Trung gồm 5 tỉnh, thành phố gồm Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; có diện tích tự nhiên khoảng 27.881 km2, dân số khoảng 6,5 triệu người, là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh đối với cả khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và cả nước.

Vùng KTTĐ miền Trung có tài nguyên nguyên khoáng sản khá phong phú; có hơn 80 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, nhiều bãi biển đẹp và một số hệ sinh thái điển hình và có 3/8 di sản văn hóa thế giới và 1/9 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam...

Toàn vùng hiện có 4 sân bay, 4 khu kinh tế ven biển, 1 khu công nghệ cao Đà Nẵng và 19 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, có chiều dài đường bờ biển khoảng 600km, là cửa ngõ ra biển, là bệ đỡ, cầu nối trong giao lưu kinh tế, văn hóa với quốc tế cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây; có hệ thống cảng biển khá dày đặc với nhiều cảng biển quan trọng, hình thành con đường huyết mạch trên biển thông thương ra thế giới.

Ngọc Thi
.
.
.