Tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19

Thứ Năm, 03/03/2022, 07:50

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, số lượng F0 tại Hà Nội và một số tỉnh, thành tăng nhanh đã kéo theo nhu cầu về các mặt hàng như kit test nhanh COVID-19, máy đo nồng độ ôxy trong máu (SPO2), thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 có xu hướng gia tăng mạnh.

Nguồn "cầu" khổng lồ này là động lực lớn để các đối tượng buôn lậu thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch và thuốc điều trị COVID-19 tiếp tục gia tăng hoạt động. Cùng với đó, tại thị trường trong nước, một số cơ sở kinh doanh đã lợi dụng nhu cầu tăng cao, tiếp tay, buôn bán các thiết bị vật tư y tế và thuốc khám chữa bệnh trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Trong những ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) trên cả nước đã liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển, kinh doanh các thiết bị vật tư y tế và thuốc khám chữa bệnh COVID-19 vi phạm, trong đó nổi bật là: kit test, thuốc điều trị COVID-19 nhập lậu, không rõ nguồn gốc.

Trong tối ngày 1/3, qua theo dõi trên kênh thương mại điện tử bán hàng online, Đội QLTT số 17 phối hợp Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) tiến hành kiểm tra xe ôtô biển kiểm soát 29A.071.52 đang dừng đỗ chờ giao hàng trước ngõ 202 Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe ôtô có 1.950 que test nhanh kháng nguyên COVID-19, do nước ngoài sản xuất (trên bao bì có nhãn chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam). Trị giá lô hàng hóa vi phạm là gần 100 triệu đồng.

2.jpg -0
Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hoá vi phạm.

Qua xác minh, cơ quan chức năng xác định chủ sở hữu lô hàng hóa trên là bà Hà Thu Hường. Bà Hường khai nhận, đã mua trôi nổi số hàng hóa này trên thị trường về bán kiếm lời và không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Cùng ngày, Đội QLTT số 5 cũng phối hợp Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra đối tượng vận chuyển hàng hoá tại địa chỉ số 902 Bạch Đằng - phường Thanh Lương - quận Hai Bà Trưng.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 900 bộ kit test COVID-19. Chủ hàng hoá là Nguyễn Văn Hiếu (sinh năm 2001) không xuất trình được hoá đơn, chứng từ hợp pháp. Lô hàng có tổng trị giá khoảng 27.000.000 đồng. Đội QLTT số 5 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 16.000.000 đồng. Đồng thời tịch thu toàn bộ số hàng hóa vi phạm để xử lý theo quy định.

Theo Phó Đội trưởng Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Bắc Bùi Trọng Thanh, khi dịch bùng phát, việc buôn lậu mặt hàng thuốc điều trị, vật tư thiết bị y tế phòng, chống dịch có diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt qua đường hàng không bằng loại hình chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế. Trong đó, hàng hóa tập trung tại hai sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Qua các vụ việc đã phát hiện, bắt giữ vừa qua có thể thấy thủ đoạn của các đối tượng tuy không mới nhưng tiềm ẩn phức tạp với nhiều phương thức ngày càng tinh vi hơn. Thủ đoạn của các đối tượng là chia lẻ hàng hóa thành các kiện nhỏ, nhập khẩu theo loại hình quà tặng, quà biếu qua đường bưu chính quốc tế, chuyển phát nhanh cố ý khai báo sai tên hàng hóa để nhập lậu… gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, bắt giữ.

Tại thị trường trong nước, đại diện Tổng cục QLTT cho hay, trong những vụ phát hiện, bắt giữ nổi lên các loại thuốc mang thương hiệu “Lianhua Qingwen jiaonang" (còn gọi là "Liên hoa thanh ôn" (loại 24 viên/hộp (2 vỉ /hộp) do Trung Quốc sản xuất; Arbidol, Areplivir do Nga sản xuất;… Được biết, những loại thuốc này chưa được Bộ Y tế cấp phép và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam. Thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều đối tượng đã thu mua các sản phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch như kit test nhanh COVID-19, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 trôi nổi, không nguồn gốc trên mạng xã hội rồi về bán kiếm lời.

Thủ đoạn của các đối tượng này rất tinh vi, thường không có địa điểm kinh doanh cố định. Phương thức giao hàng, nhận hàng ở những nơi khuất dân cư, hoặc gọi giao hàng qua các ứng dụng công nghệ. Điều này gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình nắm bắt, kiểm soát và phát hiện.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, để đảm bảo quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng, Tổng cục QLTT đã có Công văn gửi Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng kit test COVID-19 và các sản phẩm thuốc điều trị COVID-19 chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành, có dấu hiệu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng. Đồng thời, yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đội QLTT chủ động thu thập thông tin, tăng cường công tác quản lý địa bàn để chủ động phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn bán mặt hàng kit test COVID-19, thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT chủ động, phối hợp các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19.

Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, cơ quan hải quan cũng xác định cụ thể các địa bàn trọng điểm và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý nghiêm các vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Phương châm chỉ đạo là nắm chắc diễn biến tình hình từ xa, ngăn chặn ngay tại cửa khẩu, kiên quyết không cho hàng hóa thẩm lậu vào nội địa để tiêu thụ. Đặc biệt là các loại hàng hóa liên quan đến sức khỏe cộng đồng như thuốc điều trị, thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch.

Lưu Hiệp
.
.
.