Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ Năm, 29/08/2024, 08:00

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa ban hành Kế hoạch số 182 nhằm cụ thể hóa Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới. Qua đó, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu, cũng như các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT).

Đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn

Trong đó, các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường quản lý Nhà nước về công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới; triển khai hiệu quả, đồng bộ các giải pháp, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để thực hiện Luật Trật tự, an toàn giao thông và Luật Đường bộ ngay khi có hiệu lực thi hành. Bên cạnh đó, gắn việc triển khai công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ trong tình hình mới với siết chặt kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhiệm vụ.

Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc -0
Cảnh sát giao thông Công an huyện Yên Lạc lập biên bản xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Tập trung rà soát, đề xuất các cấp, các ngành sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác bảo đảm TTATGT đối với hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ đảm bảo thống nhất với Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ. Trước mắt, cần tham mưu cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ ngay những quy định bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, gây cản trở, khó khăn trong quá trình thực hiện cũng như khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong các quy định về quản lý Nhà nước đối với loại hình này.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cho tổ chức, cá nhân để từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm tham gia vào công tác bảo đảm TTATGT.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và phối hợp liên ngành để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các trường hợp vi phạm, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện tiềm ẩn gây mất TTATGT.

Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của hành khách; tiếp tục siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tăng cường kiểm soát đối với hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm ngay tại các điểm xuất phát (bến xe, bến bãi, nhà ga, đầu nguồn hàng, mỏ vật liệu); xử lý nghiêm trách nhiệm của các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải nếu để xảy ra vi phạm…

3_2024179261.jpg -0
Công an huyện Vĩnh Tường lập biên bản học sinh vi phạm TTATGT.

Tăng cường kiểm tra, rà soát hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thuộc phạm vi quản lý; nghiên cứu tổ chức quy hoạch các bến xe, các điểm trung chuyển hành khách, hàng hóa hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển thực tế của từng địa bàn; quy hoạch mở rộng lòng đường, vỉa hè; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông giờ cao điểm tại khu vực tập trung đông người như trường học, chợ, bệnh viện, khu công nghiệp...

Đáng chú ý, dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, kéo dài 4 ngày, đồng thời bắt đầu tháng cao điểm về an toàn giao thông với việc bước vào năm học mới của học sinh, dự báo lưu lượng giao thông sẽ tăng cao, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) và ùn tắc giao thông. Để bảo đảm TTATGT, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, an toàn cho nhân dân, an toàn cho các em học sinh đến trường và khai giảng năm học mới 2024-2025, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung về bảo đảm TTATGT thuộc phạm vi, quyền hạn của mình theo chỉ đạo tại Công điện số 81 của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của UBND tỉnh và Ban An toàn giao thông tỉnh, đảm bảo TTATGT dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 và tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường.

Tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc -0
Công an huyện Tam Đảo phát tờ rơi hướng dẫn kỹ năng lái xe an toàn cho các tài xế để giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông.

Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo thực hiện tăng cường công tác bảo đảm TTATGT và phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân trong kỳ nghỉ Lễ Quốc khánh; tăng cường tuyên truyền việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông trong nhân dân.

Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ biến, tuyên truyền, giáo dục việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông trong học sinh; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai "Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường", chỉ đạo và hướng dẫn các trường học đẩy mạnh giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia an toàn giao thông cho học sinh, tăng cường hướng dẫn học sinh chấp hành các quy tắc giao thông khi điều khiển xe máy điện, xe đạp điện.

Các cơ sở giáo dục phối hợp với Ban đại diện cha mẹ học sinh vận động cha mẹ, người giám hộ hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông, nhắc nhở, giáo dục con em mình tự giác chấp hành quy tắc giao thông; phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm TTATGT khu vực cổng trường…

Ban An toàn giao thông tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, không vi phạm quy định về bảo đảm TTATGT; báo cáo tình hình TTATGT trong 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9 về Ủy ban An toàn giao thông quốc gia trước 14h00 hằng ngày và báo cáo tổng hợp của 4 ngày gửi trước 14h30 ngày 3/9, đồng thời báo cáo UBND tỉnh.

Đối với Công an tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo lực lượng CSGT và Công an các huyện, thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp xe ô tô hợp đồng đưa đón trẻ em mầm non, học sinh… không bảo đảm điều kiện kinh doanh vận tải, không bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường…

Quyết tâm kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông

Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, TTATGT và Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều biện pháp, huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành với mục tiêu thiết lập trật tự kỷ cương, xây dựng ý thức tự giác, ứng xử văn minh, chuẩn mực của người dân khi tham gia giao thông. Để hạn chế tối đa vi phạm và kéo giảm TNGT trên cả ba tiêu chí, Công an tỉnh Vĩnh Phúc, đã và đang tiếp tục nhân rộng mô hình “xã, phường, thị trấn an toàn giao thông” trên toàn tỉnh để huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhờ đó, công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực; hạ tầng giao thông được đầu tư, xây dựng đồng bộ, hiện đại.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, tình hình TNGT trong 8 tháng năm 2024 được kiềm chế, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, cán bộ, công chức được nâng lên rõ rệt. Toàn tỉnh xảy ra 204 vụ TNGT, làm 90 người chết, 164 người bị thương, trong đó, có 3 vụ TNGT đường sắt. So với cùng kỳ năm 2023, giảm 1 vụ và giảm 18 người chết. Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 19.000 trường hợp vi phạm về TTATGT đường bộ; xử phạt hành chính hơn 41 tỷ đồng. Đáng chú ý, qua hệ thống camera giám sát phát hiện, thông báo vi phạm đối với gần 17.000 trường hợp; trực tiếp ghi hình, xử lý vi phạm 801 trường hợp.

Với quyết tâm kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh cũng đã tăng cường công tác tuần tra, xử lý vi phạm trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Tham mưu UBND tỉnh lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, phạt nguội nhằm kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời, để xây dựng thành công văn hóa giao thông an toàn, Công an tỉnh đã yêu cầu trưởng công an cấp huyện, cấp xã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan đơn vị xây dựng mô hình “xã, phường, thị trấn an toàn giao thông”.

Tại địa bàn TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), với quyết tâm kiềm chế, kéo giảm TNGT, ngay từ đầu năm, Công an TP Vĩnh Yên đã chủ động tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố, chỉ đạo các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm bảo đảm TTATGT. Công an thành phố đã huy động lực lượng CSGT, Công an các xã, phường cùng với phương tiện, thiết bị kỹ thuật tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, đi không đúng phần đường, làn đường, không chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; xe chở hàng quá tải, để vật liệu rơi vãi gây ô nhiễm môi trường...  Tính đến tháng 8/2024, tình hình  TTATGT trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên cơ bản ổn định, không xảy ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng. Lực lượng CSGT Công an thành phố đã phát hiện và xử phạt trên 2.700 trường hợp vi phạm với số số tiền trên 6 tỷ đồng. Trong đó 880 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; kiểm soát qua hệ thống camera giám sát xử phạt “nguội” trên 3.900 trường hợp vi phạm.

Tại huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc, Đội CSGT, Công an huyện thường xuyên rà soát, tham mưu với cấp ủy, chính quyền phương án khắc phục những bất cập về hạ tầng giao thông, lắp đặt hệ thống đèn, biển báo, tổ chức giao thông, xóa bỏ điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông… Bố trí cán bộ phân luồng giao thông tại các điểm hay xảy ra TNGT vào những giờ cao điểm. Vận động, nhắc nhở các hộ kinh doanh và người dân không lấn, chiếm lòng lề đường, vỉa hè, gây mất an toàn giao thông, đồng thời, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp cố tình vi phạm. Công an huyện cũng đã tham mưu Ban an toàn giao thông huyện xây dựng mô hình “Xã an toàn giao thông” tại 17/17 xã, thị trấn trên địa bàn.

Trước mắt, bảo đảm tuyệt đối ANTT an toàn xã hội dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9; khai giảng năm học mới 2024 - 2025 và Tháng cao điểm an toàn giao thông. Cùng với đó, các phòng, ban đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT, nhất là ý thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho người dân. Phát động phong trào thực hiện “Văn hóa giao thông” trong các nhà trường; nhân rộng các mô hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông; lập các tổ, đội thanh niên phối hợp bảo đảm TTATGT; duy trì hoạt động bảo đảm an toàn giao thông cổng trường học; phát động “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh tới trường Tháng 9”. Đặc biệt, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Lạc phối hợp với Công an huyện Yên Lạc xây dựng kế hoạch tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về an toàn giao thông trong các nhà trường và thông tin về xử lý học sinh vi phạm các quy định khi tham gia giao thông; gắn tiêu chí tham gia giao thông an toàn với việc chấm điểm thi đua hàng năm của các cá nhân và các trường.

Theo Công an tỉnh Vĩnh Phúc, để mô hình “xã, phường, thị trấn an toàn giao thông” phát huy hiệu quả, công an các đơn vị đã tham mưu chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch triển khai, phân công nhiệm vụ cho từng lực lượng Công an và Ủy ban MTTQ xã, các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền, ký cam kết thực hiện TTATGT; quyết liệt trong giải tỏa, đảm bảo hành lang an toàn giao thông cũng như tuần tra kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm. Đến nay, 103 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã xây dựng và ra mắt mô hình thành công. Ngay khi đi vào hoạt động đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình cao từ phía người dân

Ông Lê Văn Thanh, xã Nhạo Sơn, huyện Sông Lô cho biết: Từ khi xây dựng mô hình, từng thôn đã tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật về TTATGT; mỗi gia đình, phụ huynh quản lý chặt chẽ phương tiện, không cho con em tự ý sử dụng tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi. Nhờ đó, tình trạng thanh, thiếu niên đi hàng 2, hàng 3, không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, gây nguy hiểm cho người đi đường đã giảm đáng kể.

Đại tá Trần Minh Dũng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định, với ý nghĩa thiết thực, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng ra toàn tỉnh. Thông qua mô hình sẽ tạo nền tảng, động lực để các thôn, tổ dân phố phát động phong trào thi đua thực hiện tốt công tác đảm bảo TTATGT. Các tổ chức đoàn thể vào cuộc quyết liệt hơn trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ. Đặc biệt, đối với số lượng lớn người dân là lao động từ nơi khác đến tạm trú để làm việc trong các khu công nghiệp, hiện không có tổ chức xã hội nào quản lý, khi mô hình đi vào hoạt động, các tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi các lao động này tạm trú có trách nhiệm tuyên truyền, nhắc nhở để tất cả mọi người đều chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; có ý thức, trách nhiệm xây dựng văn hóa giao thông an toàn vì hạnh phúc của bản thân và cộng đồng xã hội.

Minh Hiền- Lưu Hiệp
.
.
.