Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ

Thứ Năm, 27/10/2022, 17:43

Sau 3 năm đi vào thực thi, doanh nghiệp (DN) Việt đã bước đầu tận dụng tốt cơ hội mà Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mang lại. Theo đó, xuất khẩu (XK) sang Canada, Mexico, Peru đã có tốc độ tăng trưởng vô cùng ấn tượng. Điều đó cho thấy, CPTPP đã và đang góp phần quan trọng để mở rộng đường cho hàng Việt Nam sang thị trường các nước châu Mỹ vốn còn rất mới mẻ và nhiều tiềm năng.

Chia sẻ tại Toạ đàm "Tận dụng đòn bẩy CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 27/10, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, trong 3 năm thực thi Hiệp định CPTPP, so sánh với những đối tác khác đã phê chuẩn CPTPP, Việt Nam là nước thành viên mà tranh thủ được khá tốt thị trường CPTPP để gia tăng thị phần ở châu Mỹ. Theo thống kê, Việt Nam là thành viên CPTPP đã phê chuẩn duy nhất gia tăng thị phần ở Canada, Mexico. 

Tận dụng “đòn bẩy” CPTPP, gia tăng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ -0
Xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng.

Theo Bộ Công Thương, trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch XK giữa Việt Nam với các nước thành viên CPTPP đạt 41 tỷ USD, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm 2021. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ khu vực này đạt 35 tỷ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Xuất siêu sau 8 tháng ghi nhận đạt 6 tỷ USD, là mức cao nhất từ khi FTA này có hiệu lực, trong khi các năm đầu thực thi CPTPP, cán cân thương mại 2 chiều khá cân bằng.

Bà Võ Hồng Anh, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Châu Âu - Châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho rằng, qua ba năm thực thi Hiệp định CPTPP, XK của Việt Nam sang thị trường CPTPP khu vực châu Mỹ có mức tăng trưởng hết sức ấn tượng. Ví dụ, với Canada, năm 2021, Việt Nam XK sang Canada khoảng 5,3 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 75 % so với thời điểm trước khi hiệp định có hiệu lực. Hay với Mexico, năm 2021, XK sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD và tăng trưởng  hơn 100 % so với thời điểm trước khi Hiệp định có hiệu lực. Những kết quả này cho thấy, Hiệp định CPTPP đã có những tác động tích cực, dù là trực tiếp hay gián tiếp tới XK của Việt Nam sang thị trường này.

Về cơ cấu mặt hàng XK của chúng ta sang các thị trường này nổi lên vẫn là nhóm điện thoại và linh kiện, chiếm khoảng 20 %, hay là nhóm điện tử và máy vi tính chiếm khoảng 16 %, máy móc, phụ tùng chiếm khoảng 9 %. Nhóm dệt may và da giày là hai nhóm hàng mà thông qua Hiệp định CPTP thì chúng ta có lợi thế về thuế quan từ 10 - 20% so với các cái đối thủ cạnh tranh trực tiếp khác. Đây là một lợi thế rõ rệt mà các DN cần phải khai thác triệt để, tận dụng thúc đẩy XK sang các thị trường này.

Theo các chuyên gia nhận định, năm 2022, các FTA, trong đó có CPTPP, sẽ tiếp tục mở ra những lợi thế về ưu đãi thuế quan, tạo động lực thu hút đầu tư để tăng năng lực sản xuất, từ đó giúp các DN XK trở nên chuyên nghiệp hơn trên trường quốc tế. Vì vậy, DN cần khai thác triệt để lợi ích từ CPTPP từ đó gia tăng thêm cơ hội để tiếp cận nhiều thị trường mới ở khu vực châu Mỹ.  

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục thông tin cảnh báo sớm cho DN, cũng như hỗ trợ DN trong việc xử lý vướng mắc phát sinh, xử lý rủi ro về rào cản thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại mà hàng XK của Việt Nam có thể gặp phải. Đặc biệt, đối với khu vực thị trường châu Mỹ, Bộ Công Thương sẽ làm việc với các bộ, ngành liên quan, các đối tác về nước sở tại để có thể hỗ trợ DN đa dạng hóa phương phương thức vận chuyển. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành để tìm ra giải pháp xem xét, tìm hiểu các tuyến vận tải mới trực tiếp, tăng khả năng kết nối cho DN tại khu vực này. 

Lưu Hiệp
.
.
.