Tận dụng cơ hội từ các FTA để thúc đẩy xuất khẩu

Chủ Nhật, 16/01/2022, 09:05

Kim ngạch xuất khẩu (XK) của Việt Nam năm 2021 ước đạt gần 336,25 tỷ USD, đã thực sự ghi dấu mốc quan trọng trong nền kinh tế. Bước vào năm 2022, nhiều khó khăn vẫn đang hiện hữu trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tuy nhiên, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp (DN) vẫn luôn tin tưởng và kỳ vọng vào sự hồi phục của các ngành sản xuất và tăng tốc bứt phá trở lại để đạt được kim ngạch XK đạt trên 356 tỷ USD.

Nhiều dư địa để tăng trưởng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, dự báo nhu cầu hàng hóa XK trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục tăng. Việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine bổ sung và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử… của Việt Nam.

fa.jpg -0
Cần sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành trong thực thi triển khai các cam kết trong các FTA.

Một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, các DN của Việt Nam đang khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, kim ngạch XNK của nước ta đã và sẽ tiếp tục gia tăng, đặt ra nhiều cơ hội.

Điều đó cho thấy, kim ngạch XK sang các khu vực thị trường đều đạt mức tăng trưởng dương, tăng cao ở những thị trường có FTA với Việt Nam như: Trung Quốc tăng 15%; Hoa Kỳ tăng 24,2%; EU tăng 14%; ASEAN tăng 25,8%; Hàn Quốc tăng 15,8%; Ấn Độ tăng 21%; New Zealand tăng 42,5%; Australia tăng 3,1%.

Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), các hoạt động thương mại của Việt Nam vẫn có nhiều dư địa để tăng trưởng trong năm 2022, được hỗ trợ bởi nhu cầu bên ngoài ngày càng tăng và các FTA như FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Tuy nhiên, VDSC dự báo tăng trưởng XK sang thị trường Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể chững lại.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá cao cơ hội tăng trưởng XK của Việt Nam năm 2022. Trong đó, những ngành hàng có dư địa tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022 của Việt Nam gồm: Điện tử; máy tính; máy móc-thiết bị; dệt may; giày dép; sắt thép; nông, thủy sản…

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã “chảy” mạnh vào các ngành sản xuất này, cộng với nguồn vốn trong nước tạo nên khả năng cung ứng lớn mạnh trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, tăng trưởng của nhóm hàng điện thoại và linh kiện, máy tính; máy móc thiết bị, phụ tùng… có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tăng trưởng XK chung của cả nước. Đó đều là những mặt hàng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam; tiếp tục là chủ lực trong XK năm 2022 và các năm tới.

Để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2022 tăng 6-6,5%, năm 2022, ngành Công Thương phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch XK tăng từ 6-8%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những biến động của kinh tế thế giới.

Do vậy, để thúc đẩy XK trong năm 2022, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại, tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa cho sản xuất, XK, giảm chi phí logistics; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới trong việc triển khai các phương án nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa XNK tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ.

Cùng với đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, thời gian tới cần đặt vấn đề mạnh hơn để có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các bộ, ngành trong thực thi triển khai các cam kết trong các FTA; hỗ trợ DN quảng bá hàng hóa, tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thay đổi tư duy trong xuất khẩu

Trước tình trạng ùn ứ gây thiệt hại rất lớn vừa qua tại các cửa khẩu phía Bắc, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, nguyên nhân chính gây ùn ứ vừa qua là do nước bạn tạm dừng thông quan ở hầu hết các cửa khẩu. Đến nay, tình hình nhiều cửa khẩu được thông quan trở lại, chính quyền Quảng Tây cho phép mở cửa khẩu Đông Hưng; mặt hàng thanh long bắt đầu được thông quan qua Lào Cai…

Nói về giải pháp căn cơ, bà Trang cho rằng cần nâng tầm chất lượng sản phẩm trái cây, nông sản, đa dạng hóa thị trường để khai thác tối đa các FTA đã ký kết. Địa phương cần xây dựng kế hoạch kết nối cung cầu, giao thương giữa các bên như ở phía Bắc để tránh ùn tắc; tiếp tục đàm phán về chất lượng và kiểm dịch để có nhiều loại quả hơn xuất sang Trung Quốc. Với hoạt động logistics cảng biển, khi XK đường bộ khó khăn càng đặt ra vai trò quan trọng để thúc đẩy XK đường sắt và đường thủy, tháo gỡ ùn tắc ở các cảng...

Ngoài ra, theo ông Trần Thanh Hải, để chuyển XK nông sản sang Trung Quốc từ đường bộ sang đường biển hiệu quả, phải thay đổi tư duy, thay đổi khách hàng, thiết lập lại mạng lưới bán hàng. Thực tế có nhiều DN Việt đã khai thác tốt đường biển, nhưng một số chủ hàng ngại thay đổi nên vẫn chấp nhận rủi ro đưa hàng đi đường bộ.

Để mở tuyến hoặc nâng cấp tuyến hiện có đi Trung Quốc, hãng tàu cần có sự cam kết ổn định về lượng hàng. Cùng với đó, các địa phương cần phát huy hơn nữa sự chủ động trong thông tin, hướng dẫn cho nông dân và thương lái để thay đổi phương thức giao dịch theo hướng bền vững, ổn định, giảm rủi ro; đồng thời cần kết nối từ sớm, từ xa, quy hoạch các kho lạnh, kho mát cho nông sản. “Đây là lúc để nông dân, thương lái, DN quyết định thay đổi và COVID-19 là một áp lực, một chất xúc tác cho quá trình thay đổi này”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Hiện, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc tập trung ở Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn và Lào Cai. Ưu điểm của việc xuất khẩu qua đường bộ là phù hợp với số lượng nhỏ, cơ động, từ nhà vườn lên thẳng biên giới. Nhược điểm là năng lực thông quan thấp, dễ bị ùn tắc khi vào chính vụ.

Ở góc độ thúc đẩy XK nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển, ông Hải cho rằng, đối với đường biển, Việt Nam xuất hàng hóa, nông, thủy sản cần sử dụng container lạnh. Ngược lại, Việt Nam nhập hàng khô từ Trung Quốc bằng container thường nên gây ra mất cân đối, thiếu vỏ container lạnh, bắt buộc phải nhập vỏ container lạnh rỗng từ Trung Quốc hoặc từ những nơi khác về.

Bên cạnh đó, hàng hóa vận chuyển bằng container lạnh đòi hỏi phải có ổ cắm điện trên tàu cũng như ở cảng, bãi để duy trì nhiệt độ thấp. Khi nhu cầu XK cao, số lượng ổ cắm điện sẽ không đủ để đáp ứng. Đây là những vấn đề mà các DN Việt Nam cần tính toán theo hướng lâu dài.

Lưu Hiệp
.
.
.