Tận dụng cơ hội thu hút FDI từ EVFTA và EVIPA

Thứ Hai, 31/10/2022, 08:28

Việc Việt Nam và EU thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức trong thu hút FDI từ EU. Tuy nhiên, để thu hút được dòng vốn từ EU, các chuyên gia và doanh nghiệp (DN) cho rằng, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư.

Dòng vốn FDI của châu Âu vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 8/2022, hiện có 25 quốc gia thuộc EU tham gia đầu tư vào Việt Nam, với tổng số 2.378 dự án với tổng giá trị vốn đăng ký là 27,59 tỷ USD. Điều đó có nghĩa, xét về vốn, FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng chưa tới 6,41% tổng số vốn Việt Nam thu hút được. Còn xét về mặt dự án, chỉ chiếm khoảng 6,69%. Đây là một tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và EU.

Đặc biệt, tính toán theo số liệu thống kê của Eurostat và Tổng cục Thống kê, tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam chỉ dao động từ 2-5% so với tổng số vốn FDI mà EU phân bổ trên thế giới. Trong đó, 6 nhà đầu tư lớn của EU vào Việt Nam: Hà Lan, Pháp, Luxembourge, Đức, Đan Mạch và Bỉ chiếm tới hơn 91% tổng vốn FDI của EU vào Việt Nam. Luỹ kế đến tháng 8/2022, Hà Lan là nhà đầu tư lớn nhất với 401 dự án; 13,6 tỷ USD vốn đăng ký, chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư của EU vào Việt Nam. Pháp đứng ở vị trí thứ 2 với 658 dự án, 3,71 tỷ USD chiếm 13,5% tổng vốn đầu tư.

Lý giải về FDI của EU vào Việt Nam chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với tiềm năng hợp tác giữa 2 bên, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Dự báo kinh tế và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia cho rằng, EVFTA được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng FTA tiếp theo vào Việt Nam và cũng giúp nâng cao chất lượng các dự án FDI. Điều này phù hợp với định hướng của Việt Nam trong Nghị quyết 50-NQ/TW của Chính phủ về thu hút FDI chất lượng cao.

Trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) được ký kết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai bên, nhất là về kinh tế - thương mại, mở ra cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng thu hút FDI từ các quốc gia EU.

Tuy nhiên, do cơ chế “chọn - cho” trong EVFTA vẫn tương đồng với cam kết tương tự của WTO nên độ mở của nguyên tắc hợp tác còn hạn chế. Ngoài ra, cơ cấu đầu tư từ EU vào Việt Nam còn lạc hậu, bản thân EU không phải một thực thể hoàn toàn là các nước giàu có nên đầu tư của EU chưa hình thành một xu hướng mà chỉ xuất phát từ cơ chế. Chính vì vậy, chất lượng các dự án FDI của EU vào Việt Nam vẫn còn thấp trong tương quan so sánh với các nước cùng khu vực ASEAN. Lĩnh vực đầu tư của EU vào Việt Nam cũng tương đối khác so với xu hướng đầu tư chung của khối này vào các nước ASEAN.

Bà Hoàng Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Đối ngoại - Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam cho rằng, chi phí logistics quá cao cũng là một trong những trở ngại chính khiến dòng vốn FDI của châu Âu vào Việt Nam chưa được như kỳ vọng. Bên cạnh đó, vấn đề lao động, hạ tầng cũng còn nhiều vấn đề cần được cải thiện.

2.jpg -0
EVFTA và EVIPA được kỳ vọng trở thành cú huých đối với cả thương mại và đầu tư của Việt Nam.

Cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh

Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã công bố báo cáo Chỉ số Môi trường Kinh doanh BCI quý 3, theo đó, 42% DN châu Âu ở Việt Nam dự kiến sẽ tăng dòng vốn vào Việt Nam vào cuối năm 2022. Dòng vốn này có thể tăng mạnh nếu giảm bớt những cản trở về hành chính, cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nhân lực... Trong khi chỉ có 2% người trả lời BCI cho biết họ đã chuyển một phần đáng kể hoạt động của mình từ Trung Quốc sang Việt Nam, điều này cho thấy rằng vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng. Trong trường hợp những trở ngại nói trên được giải quyết, Việt Nam sẽ có vị trí thuận lợi để thu hút thêm nhiều công ty nước ngoài chuyển địa điểm ra khỏi Trung Quốc.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany cho biết, “tương lai tươi sáng đang ở phía trước. Việt Nam mang lại cơ hội đầu tư lớn cho các DN châu Âu và chúng tôi rất vui mừng về triển vọng của đất nước trong trung và ngắn hạn. Thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU và cam kết chung của chúng tôi về phát triển bền vững, các công ty Việt Nam và châu Âu có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng. Những kết quả BCI này rất đáng khích lệ. Việt Nam chắc chắn sẽ có vị thế tốt hơn trong hai hoặc ba năm tới, chứng tỏ vị thế của mình là một trong số các điểm đến đầu tư và kinh doanh năng động nhất.”

Theo các chuyên gia, về môi trường đầu tư, việc thực hiện EVFTA cùng với những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và việc thực thi EVIPA sẽ tạo môi trường thuận lợi để Việt Nam đẩy mạnh thu hút đầu tư trong một số lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh.

Để tận dụng được cơ hội từ EVFTA và EVIPA, TS. Trần Toàn Thắng cho rằng, Việt Nam cần tăng cường công tác nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến về EVFTA và EVIPA. Đồng thời, cải cách thể chế; cải thiện chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh; hoàn thiện hơn các loại hình dịch vụ tư vấn và tạo thuận lợi đầu tư; đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng.

Về đào tạo nguồn nhân lực, TS. Trần Toàn Thắng nhìn nhận, thực tế đào tạo ở Việt Nam hiện nay trình độ đại học, thậm chí cao hơn đại học thì nhiều, nhưng đào tạo theo hình thức dạy nghề thì lại ít. Trong khi đó, với những ngành sản xuất mang tính kỹ thuật cao, họ không đòi hỏi nguồn lao động mang tính cao hẳn theo kiểu nghiên cứu ở các trường đại học hay trên đại học, cái họ cần là những công nhân lành nghề hay các kỹ thuật viên được đào tạo 3 năm ở các trường nghề.

Bên cạnh đó, việc các trường nghề tại Việt Nam vẫn đào tạo theo năng lực, mà chưa chú trọng đào tạo theo tín hiệu thị trường, theo nhu cầu của DN, nên chất lượng lao động chưa được đánh giá cao. Do vậy, “để nâng cao chất lượng lao động, cần có những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tạo “cú huých” các trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo. Ví dụ, Nhà nước có thể xây dựng những dự án nghiên cứu, xem thị trường lao động Việt Nam đến năm 2025 cần bao nhiêu nhân lực trong ngành điện tử, logistics… để giúp các cơ sở đào tạo chuyển hướng, đào tạo sát hơn, trúng hơn với nhu cầu thị trường”, TS. Trần Toàn Thắng nói.

Lưu Hiệp
.
.
.