SVB phá sản, kinh tế Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Trong vài ngày qua, thị trường tài chính toàn cầu rúng động trước thông tin ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) - ngân hàng phục vụ nhiều startup và công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon đã dừng hoạt động. Vậy, liệu kinh tế Việt Nam có chịu hiệu ứng gì từ vụ việc này?
Sáng 10/3 (theo giờ Mỹ), ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) đã chính thức dừng hoạt động, đánh dấu sự sụp đổ lớn thứ hai của một tổ chức tài chính trong lịch sử Mỹ, kể từ năm 2008. SVB - ngân hàng lớn thứ 16 của Mỹ với khối tài sản 209 tỷ USD đã sụp đổ chỉ trong chưa đến 48 giờ. Theo CNBC, giới chức California đã đóng cửa SVB và giao lại cho Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) quản lý. Đơn vị này sẽ thanh lý tài sản của SVB để trả cho người gửi tiền và các chủ nợ của ngân hàng.
Cho đến thời điểm này, mặc dù đã có một số tổ chức lên tiếng đứng ra mua lại, giải cứu SVB, tuy nhiên, ảnh hưởng từ việc sụp đổ của một tổ chức tài chính khiến nhiều người nghi ngại, đặc biệt trong thời điểm "nhạy cảm" về mọi mặt trên thị trường tiền tệ. Đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, chuyên gia kinh tế - tài chính TS Bùi Kiến Thành cho rằng, việc ngân hàng SVB đóng cửa không ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng cũng như các hoạt động kinh tế tài chính khác ở Việt Nam. Tuy nhiên, sự việc này có thể tạo ra tâm lý lo lắng cho một số người có tiền gửi ở các ngân hàng chưa thực sự vững chắc, có thể xảy ra hiện tượng một số người sẽ đi rút tiền ở các ngân hàng và ngân hàng đó phải đối mặt với khó khăn về tiền mặt khi thanh khoản.
Có cùng nhận định này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng khẳng định, vụ đóng cửa của ngân hàng SVB không mang tầm cỡ quốc tế, không gây phản ứng dây chuyền trong hệ thống tài chính, ngân hàng của Việt Nam, không ảnh hưởng đến việc điều chỉnh tỷ giá, đến hoạt động tài chính ngân hàng, mà nó chỉ ảnh hưởng về tâm lý. Vị chuyên gia này còn cho rằng việc này cũng không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động ngân hàng của Mỹ, tuy nhiên, đây sẽ là một bài học cho Việt Nam.
Trong khi đó, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, sau thông tin SVB phá sản, nhà đầu tư trên các sàn chứng khoán thế giới có thể bi quan, lo ngại. Tâm lý này dẫn đến hành động bán bớt tài sản khiến các thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm. Ông Ngọc nhận định, cần thời gian để kiểm chứng xem những tác động từ vụ phá sản SVB có lan tỏa tâm lý tiêu cực đến các thị trường khác trong dài hạn hay không. Hiện tại, Việt Nam không có ngân hàng cũng như doanh nghiệp niêm yết có mối quan hệ hợp tác kinh doanh với SVB, nên nếu có tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam thì cũng chỉ là những ảnh hưởng về mặt tâm lý với nhà đầu tư.
Thực tế, vụ SVB phá sản đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc trong phiên giao dịch ngày 10/3. Nằm trong diễn biến chung, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có phiên đầu tuần không khởi sắc khi các chỉ số đồng loạt đi xuống và chỉ sau 15 phút mở cửa phiên giao dịch phiên 13/3, VN-Index giảm hơn 7 điểm, HNX-Index và UPCOM-Index giảm nhẹ. Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng chìm sâu trong sắc đỏ và chỉ còn duy nhất VPB giữ được sắc xanh. Sắc đỏ cũng lan rộng tại nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản, dầu khí, thực phẩm đồ uống... Dù sang phiên chiều, thanh khoản lớn đã giúp thị trường hồi phục nhẹ, nhưng kết thúc phiên thị trường vẫn bị mất điểm.