Để trái phiếu doanh nghiệp không là "trái đắng"

Siết chặt quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp (Kỳ cuối)

Chủ Nhật, 18/12/2022, 06:45

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ tạo hành lang pháp lý để quản lý Nhà nước chặt chẽ, kịp thời hơn. Tăng cường giám sát, kiểm tra, đề phòng sai phạm để làm sao cho các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản hoạt động an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, hiệu quả.

Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, của nhân dân trong bất cứ trường hợp nào theo quy định của pháp luật, “xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng!". 

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, của người dân

Trước sức nóng của thị trường cũng như chấn chỉnh, ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những hành động, chỉ đạo rất quyết liệt qua các Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 và  Công điện số 311/CĐ-TTg ngày 11/4/2022 về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp, các biện pháp ổn định thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp với yêu cầu các cơ quan chức năng chấn chỉnh và ổn định hoạt động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm thị trường hoạt động an toàn, hiệu quả lành mạnh, minh bạch; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật.

Kỳ cuối:  Siết chặt quản lý, đảm bảo an ninh, an toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp -0
Cuộc họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp tổ chức ngày 23/11/2022 nhằm tháo gỡ cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng và nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi sát diễn biến của thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán và thị trường trái phiếu trong nước và quốc tế để chủ động, kịp thời thực hiện biện pháp ổn định thị trường. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp phát hành và các thành viên của thị trường chủ động, công bố thông tin theo đúng quy định, không để xảy ra các vi phạm về công bố thông tin gây ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Thủ tướng cũng giao Bộ Công an chủ trì phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm tình hình thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt là các hành vi đưa tin thất thiệt không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường.

Chiều 17/11/2022, tại Huyện ủy Phong Điền, thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ đã có cuộc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Tham dự có 300 cử tri đại diện cho các quận Ninh Kiều, Cái Răng, huyện Phong Điền và chức sắc, chức vị, chức việc của các tôn giáo trên địa bàn.

Phát biểu trước cử tri về công tác quản lý thị trường chứng khoán, trái phiếu, thị trường bất động sản, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ tạo hành lang pháp lý để quản lý Nhà nước chặt chẽ, kịp thời hơn. Đồng thời tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đề phòng sai phạm để làm sao cho các thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản hoạt động an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch, phát triển bền vững, hiệu quả. Khuyến khích các thị trường phát triển theo đúng quy luật của thị trường, hoạt động đúng quy định pháp luật. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhà đầu tư, của nhân dân trong bất cứ trường hợp nào theo quy định của pháp luật. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần là: "Xử lý người làm sai để bảo vệ người làm đúng!".

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023, ngày 6/12/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết thời gian qua đã tiến hành rà soát lại và có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của các thị trường như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và hoạt động của các ngân hàng; có biện pháp cương quyết xử lý sai phạm để đưa các thị trường hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, bảo đảm lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan.

Các biện pháp chấn chỉnh, việc xử lý các sai phạm này có tác động tới tâm lý thị trường, hoạt động của các thị trường ở mức độ nhất định nhưng là việc phải làm. Từ tháng 10 đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thành lập ba tổ công tác. Nhờ đó, tình hình đang ổn định trở lại, nhất là tâm lý thị trường, niềm tin thị trường đang được tăng cường, củng cố.

Tạo môi trường minh bạch, ổn định, phát triển

Trước những bất ổn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhận định những nguy cơ tiềm ẩn, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng liên tục phát đi cảnh báo rủi ro đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nói chung, và trái phiếu doanh nghiệp bất động sản nói riêng. Đặc biệt, mỗi người dân, mỗi nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tài chính kém, kinh doanh thua lỗ, những doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo, thậm chí là có dấu hiệu lừa đảo.

Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. Trong đó yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý có vướng mắc; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, tháng 9/2022, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng chặt chẽ hơn có hiệu lực từ ngày 16/9/2022. Trong đó, bổ sung các điều kiện phát hành trái phiếu, xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng; nâng cao trách nhiệm của tổ chức phát hành; bổ sung quy định về tài sản bảo đảm; bổ sung quy định về tăng tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư khi mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tăng cường tính minh bạch của các tổ chức cung cấp dịch vụ…

Thực tiễn cho thấy Nghị định 65 là công cụ pháp lý để chấn chỉnh lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp bước sang một giai đoạn phát triển thực chất hơn, để những doanh nghiệp công bố công khai, minh bạch thông tin vẫn tiếp tục huy động được nguồn vốn trung và dài hạn hiệu quả trên thị trường.

Ngày 25/11/2022, Bộ Tài chính ban hành Công văn 12389/BTC-TCNH yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ lãi, gốc trái phiếu. Ngày 23/11/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chủ trì cuộc họp với các doanh nghiệp phát hành lớn trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và một số công ty chứng khoán thực hiện hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu doanh nghiệp có thị phần môi giới lớn để trao đổi về tình hình thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Trước mắt, để đảm bảo ổn định thị trường, Bộ Tài chính đề nghị các doanh nghiệp phát hành trái phiếu thực hiện trách nhiệm đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc, lãi trái phiếu cho nhà đầu tư, ưu tiên sử dụng mọi nguồn lực của chính doanh nghiệp để thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu, đảm bảo giữ uy tín của doanh nghiệp với nhà đầu tư và trên thị trường.

Tại Hội nghị phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế diễn ra chiều 22/4/2022, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an đã nêu rõ những giải pháp để đảm bảo an toàn minh bạch thị trường, giám sát thị trường chứng khoán. Trong đó Bộ Công an đề xuất, kiến nghị một số vấn đề sau: Thứ nhất, đề nghị Bộ Tài chính tập trung rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung những quy định vướng mắc bất cập trên các lĩnh vực về thị trường chứng khoán.

Trước mắt sửa đổi bổ sung Nghị định 156 xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực chứng khoán theo hướng tăng khung hình phạt, mở rộng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Thứ hai sửa đổi bổ sung Nghị định 153 ngày 31/12/2020 về hoạt động chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm hạn chế rủi ro trên thị trường chứng khoán. Sửa đổi bổ sung Luật Chứng khoán 2019 theo hướng có chế tài giám sát hoạt động mở tài khoản của các nhà đầu tư mở nhiều tài khoản ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau cũng như là việc kiểm tra thông tin của các nhà đầu tư khi mở tài khoản. Thứ trưởng Lê Văn Tuyến cũng đề nghị các bộ, ngành tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nâng cao hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm trên lĩnh vực ngân hàng, tài chính; chủ động phát hiện rủi ro tiềm ẩn, kịp thời có biện pháp phòng ngừa, khắc phục lỗ hổng.

Với những hành động, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, người đứng đầu Chính phủ và của cả hệ thống chính trị nhằm siết chặt, lấp những kẽ hở, khoảng trống về pháp lý, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm lừa đảo, thao túng giá thị trường; thời gian tới hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ ổn định, bảo vệ nhà đầu tư, khôi phục niềm tin của thị trường, đảm bảo sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững.

Việt Hưng
.
.
.