Sản xuất điện vẫn quá phụ thuộc vào nhiệt điện than
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), số liệu được cập nhật đến ngày 30/3 cho thấy tình hình cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) của EVN vẫn đang tiếp tục có nhiều khó khăn và thiếu hụt rất lớn so với hợp đồng cung cấp than đã ký.
Trong quý I vừa qua, tổng khối lượng than đã được cung cấp cho các NMNĐ của EVN là 4,49 triệu tấn trên tổng số 5,85 triệu tấn theo hợp đồng đã ký, tương ứng tỷ lệ hơn 76,7%. Như vậy, lượng than được cung cấp đã thiếu hụt 1,36 triệu tấn so với khối lượng trong hợp đồng. Do lượng than cung cấp thiếu và tồn kho ở mức thấp nên đến cuối tháng 3 vừa qua, nhiều tổ máy nhiệt điện than trong hệ thống đã phải dừng và giảm phát. Các NMNĐ như Nghi Sơn 1, Vũng Áng 1, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 hiện chỉ đủ than để vận hành 1 tổ máy ở mức 60 - 70% công suất, riêng NMNĐ Hải Phòng chỉ đủ than vận hành cho 1 trong 4 tổ máy.
Thực trạng trên dẫn tới toàn hệ thống điện Quốc gia thiếu hụt tới hơn 3.000 MW nhiệt điện than do thiếu than. Mặc dù các đơn vị cung cấp than là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc đã có nhiều nỗ lực trong việc khắc phục khó khăn để khai thác than từ các mỏ trong nước và nhập khẩu than để pha trộn, nhưng thông tin từ Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng Công ty Đông Bắc cho biết, tình hình cung cấp than còn tiếp tục có nhiều khó khăn trong những tháng tới đây.
Như vậy, nguy cơ thiếu than dẫn đến thiếu điện từ tháng 4 trở đi là rất hiện hữu. Trong khi đó, EVN cho rằng, thời gian tới, nhất là vào thời điểm nắng nóng của mùa khô năm nay, công tác sản xuất điện từ nhiên liệu than đóng một vai trò hết sức quan trọng cho đảm bảo cung cấp điện, đặc biệt là các tháng 4, 5, 6, 7 tại khu vực miền Bắc.
Trái ngược với nguy cơ thiếu điện từ các NMNĐ chạy than trên, vào dịp thấp điểm là kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, EVN đã đưa ra khuyến cáo khi công suất phụ tải toàn quốc vào giờ thấp điểm buổi trưa đã giảm, có thời điểm chỉ còn khoảng 14.800 MW; giờ thấp điểm ban đêm chỉ còn đạt xấp xỉ 13.000 MW. Trong khi đó, tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống đã ở mức khoảng 75.700 MW, riêng các nhà máy năng lượng tái tạo đã đạt 20.800 MW, chiếm tỷ lệ 27,5% với 16.500 MW điện mặt trời và gần 4.000 MW điện gió. Đưa ra con số này, EVN muốn chứng minh rằng chỉ riêng về nguồn năng lượng tái tạo đã có công suất lắp đặt cao hơn nhiều so với công suất tiêu thụ điện toàn hệ thống trong các giờ thấp điểm.
Với mức tiêu thụ điện giảm thấp như vậy, nhiều loại hình nguồn điện buộc phải giảm phát phù hợp với nhu cầu phụ tải để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện. Đây là lý do khiến nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời bị buộc phải giảm phát, ngay cả vào thời điểm nắng nóng, không phải dịp thấp điểm. Cụ thể, dù là khoảng thời gian chạy nước rút cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối năm âm lịch, nhưng thời điểm đầu năm dương lịch 2022, đại diện một số nhà máy điện gió, điện mặt trời ở khu vực miền Trung liên tục phản ánh tình trạng bị giảm phát. Trong đó, ngày 1/1, đại diện nhà máy điện mặt trời có công suất hàng trăm MW phản ánh bị cắt giảm tới 70% công suất phát. Ngày 2/1, đại diện một nhà máy điện gió cho biết, lúc 1h30 chiều, tốc độ gió 12,8m/s nên công suất có thể phát của nhà máy lên tới 43 MW, song công suất được phát chỉ ở mức 4,6 MW.
Thông tin về sản lượng điện sản xuất trên toàn hệ thống vào tháng 2 vừa qua, EVN cho biết đã đạt 18,6 tỷ kWh, tăng 14,9% so với thời điểm đầu năm ngoái. Tổng cộng, trong 2 tháng đầu năm nay, sản lượng điện sản xuất đạt 39,59 tỷ kWh, tăng 6,1%. Trong số này, tỷ lệ huy động một số nguồn chính như thủy điện đạt 10,85 tỷ kWh, chiếm 27,4% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; Nhiệt điện than đạt 17,27 tỷ kWh, chiếm đến 43,6% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống; điện sản xuất từ tua bin khí cũng đạt 4,38 tỷ kWh, chiếm 11,1% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.