Sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc nhiều khởi sắc

Thứ Sáu, 04/10/2024, 11:51

Sự hồi phục của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN), điều hành chỉ đạo của tỉnh Vĩnh Phúc phát huy hiệu quả cùng sự nỗ lực của cộng đồng DN đã giúp cho sản xuất công nghiệp của tỉnh có sự khởi sắc. DN đã và đang tăng tốc sản xuất, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm, tạo tiền đề xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh trong năm tới.

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, kinh doanh

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 8 tháng đầu năm tăng 12,31% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 16,14%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí tăng 10,36%; ngành sản xuất ô tô tăng 16,64%; ngành sản xuất xe máy tăng 29,62%; ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 11,69% so với cùng kỳ năm ngoái, tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng của ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc.

Sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc nhiều khởi sắc -0
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông và ông Tan Teck Yong, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục quốc tế KinderWorld.

Là một trong 3 trụ cột chính trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh, ngành sản xuất linh kiện điện tử tiếp tục giữ vai trò là động lực tăng trưởng khi chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 11,69% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, đã có nhiều dự án, nhà máy sản xuất sản phẩm điện tử đi vào hoạt động. Đơn cử như: Dự án Mitrastar Việt Nam, chuyên sản xuất thiết bị kết nối mạng; dự án Universal Microwave Technology, sản xuất linh kiện truyền dữ liệu; dự án ACC Technologies, sản xuất loa, micro cho điện thoại di động... Các DN ngành linh kiện điện tử đã đầu tư tại tỉnh từ nhiều năm như Compal, BH Flex, DKT Vina, Interflex Vina, Solum Vina nhờ dây chuyền công nghệ, trang thiết bị hiện đại, tự động hóa ở nhiều công đoạn; nhiều DN tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có khả năng đáp ứng được các đơn hàng lớn nên tiếp tục có đơn hàng ổn định từ những tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, Samsung, Google, Dell…

Sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc nhiều khởi sắc -0
Công ty TNHH sản phẩm thông minh Assa Abloy Việt Nam giải quyết việc làm cho hơn 100 lao động. Ảnh Mai Liên

Từ đầu năm 2024 đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty Honda Việt Nam có nhiều khởi sắc khi DN này đã cho ra mắt thị trường nhiều mẫu xe mới lần đầu xuất hiện tại Việt Nam. Đồng thời, Honda Việt Nam triển khai nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, hỗ trợ lệ phí đăng ký, tặng voucher, tặng quà... nhằm kích cầu tiêu dùng, nâng cao sức mua, đẩy mạnh lượng tiêu thụ và sản xuất.

Đối với mặt hàng ô tô, Honda Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách kích cầu như ưu đãi, điều chỉnh giá bán cho hai dòng xe chủ lực lắp ráp trong nước là Honda CR-V và Honda City với mức giảm từ 40 triệu đến 80 triệu đồng; hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho các dòng xe nhập khẩu là Honda HR-V, Honda BR-V, Honda Accord để thu hút người mua. Nhờ vậy, chỉ tính riêng tháng 8/2024, công ty bán ra thị trường 178.514 xe máy, tăng 13,4% so với cùng kỳ, thể hiện sức tiêu thụ ổn định của thị trường.

Sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc nhiều khởi sắc -0
Công ty TNHH Exedy Việt Nam (Vĩnh Yên) luôn theo dõi sát thông tin thị trường để bố trí sản xuất phù hợp, đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 250 lao động.

Cùng với sự khởi sắc của Honda Việt Nam, bước sang năm 2024, Công ty TNHH Piagio, Khu công nghiệp Bình Xuyên đã đầu tư mở rộng danh mục sản phẩm, bổ sung các dòng xe có nhiều tiềm năng phát triển như thể thao, phân khối lớn, động cơ điện.... Công ty TNHH Polaris Việt Nam, Khu công nghiệp Bá Thiện II đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất xe máy thứ 2 tại Vĩnh Phúc, nâng công suất của DN này lên 10.000 xe mô tô và 30.000 động cơ xe phân khối lớn/năm. Nhờ đó, chỉ số sản xuất xe máy 8 tháng đầu năm tăng 29,62% so với cùng kỳ và trở thành điểm nhấn nổi bật trong số các ngành sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Ông Kazuki Hayashi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Exedy Việt Nam (KCN Khai Quang, TP Vĩnh Yên) cho biết, Công ty chuyên sản xuất, cung cấp các linh kiện động cơ cho các hãng ô tô, xe máy hàng đầu như Toyota, Honda, Yamaha... Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình thế giới có rất nhiều biến động đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, khiến việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Để đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra trong năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 250 lao động, công ty luôn theo dõi sát thông tin thị trường để lên kế hoạch, bố trí sản xuất phù hợp, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh việc nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới, công ty cũng tập trung vào việc tăng năng suất lao động, cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm, giữ uy tín với các đối tác lâu năm.

Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất Thép Việt Đức (Bình Xuyên) cũng cho hay, công ty tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, trong 8 tháng năm 2024, sản lượng sản xuất của công ty đã vượt kế hoạch đề ra, là tiền đề quan trọng để DN quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng đề ra trong năm 2024. Với hơn 20 năm phát triển trong lĩnh vực thép xây dựng, ngoài sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thép, đơn vị đang mở rộng sang đầu tư bất động sản với những dự án nổi bật như Khách sạn Quốc tế Modena Vĩnh Yên và Khu đô thị Legend City. Mới đây, công ty đã ký kết hợp tác chiến lược với Hệ thống rạp chiếu phim Beta Media xây dựng hai cụm rạp chiếu phim hiện đại nhằm mang đến cho người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc những trải nghiệm giải trí hiện đại và chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 16 nghìn DN đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh. Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của tình hình chính trị, kinh tế thế giới và trong nước đã khiến các DN gặp nhiều khó khăn, thách thức. Đồng hành cùng các DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, các cấp, ngành đã tập trung triển khai các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, gỡ vướng trong tiếp cận vốn tín dụng...Với quyết tâm hoàn thành cao nhất các mục tiêu sản xuất, kinh doanh đề ra trong năm 2024, các DN tiếp tục chủ động, nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới, tái cơ cấu sản xuất, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ...

Sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc nhiều khởi sắc -0
Công ty TNHH Valuetronics Việt Nam, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động.

Để hoàn thành cao nhất mục tiêu tăng trưởng công nghiệp đã đề ra trong năm 2024, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện tốt công khai, minh bạch thông tin; tập trung phát triển hạ tầng số, các dịch vụ số trong nền kinh tế, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến không giấy tờ, giảm chi phí; tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Về dài hạn, tỉnh tập trung đẩy mạnh tiếp cận, thu hút các nhà đầu tư lớn, các dự án lớn, có tính động lực cao, thúc đẩy tăng trường thông qua việc tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các thị trường truyền thống Bắc Á hướng tới các thị trường mới có thế mạnh về vốn, công nghệ cao như Tây Âu, Bắc Mỹ…

Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Theo báo cáo của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc, tháng 8/2024, Ban đã thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho 2 lượt dự án. Trong đó, 1 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 24,9 triệu USD và 1 dự án FDI với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 100 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2024, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 24 dự án FDI mới và 25 lượt dự án FDI tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 402,1 triệu USD.

Sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc nhiều khởi sắc -0
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của Honda Việt Nam đang có nhiều khởi sắc.

Lũy kế số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các khu công nghiệp tỉnh là 493 dự án, gồm 117 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 37.784,64 tỷ đồng và 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6.742,89 triệu USD. Hiện tại, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh có 80 dự án chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, bao gồm: 15 dự án đang trong quá trình xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị, chiếm 3% tổng số dự án; 57 dự án mới được cấp phép và đang làm các thủ tục triển khai, chiếm 11,6%; 4 dự án đang thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, chiếm 0,8%; và 4 dự án đang tạm giãn tiến độ, chưa triển khai, chiếm 0,8%.

Dự kiến, trong tháng 9/20224 Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và điều chỉnh tăng vốn cho 2 - 3 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 100 triệu USD.

Sản xuất công nghiệp Vĩnh Phúc nhiều khởi sắc -0
Công ty TNHH BHFlex Vina (Vĩnh Yên) là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 5.000 lao động. Ảnh: Thế Hùng

Thực hiện Nghị quyết số 81 của Quốc hội; Quyết định số 368 của Thủ tướng Chính phủ quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Phúc tiếp tục được xác định là một trong những tỉnh trọng điểm phát triển công nghiệp của cả nước, vùng đồng bằng sông Hồng.

Ông Han Jung Ho, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Vĩnh Phúc cho rằng, Vĩnh Phúc cần đào tạo, hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành công nghệ cao như điện tử, chất bán dẫn, công nghiệp phụ trợ cho ô tô, xe máy... để sẵn sàng đón các nhà đầu tư chiến lược theo mục tiêu, định hướng thu hút đầu tư mà tỉnh đã đề ra.

Hiện, Ban Quản lý các KCN tỉnh Vĩnh Phúc đang tăng cường đẩy mạnh hoạt động quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phối hợp với các nhà đầu tư và các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (đối với diện tích KCN và diện tích còn lại) và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đối với các KCN đã đi vào hoạt động. Đồng thời, rà soát tiến độ triển khai các dự án, đôn đốc các dự án thực hiện theo tiến độ cam kết; làm việc với các DN triển khai chậm tiến độ theo đăng ký để hướng dẫn DN điều chỉnh dự án cho phù hợp thực tế; rà soát tình hình sản xuất kinh doanh nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN.

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc tại các KCN trên địa bàn tỉnh hiện nay. Đó là tính pháp lý về quy định khung đối với KCN chưa cao, công tác BT - GPMB, việc triển khai các khu tái định cư, nguồn đất san nền cho các dự án KCN gặp nhiều khó khăn; các KCN phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chưa phát triển được các loại hình KCN sinh thái, KCN theo xu hướng chuyên ngành, chuyên môn hóa, đảm bảo tính hiện đại, cạnh tranh và bắt kịp tiến trình cách mạng công nghiệp 4.0...Đặc biệt, do giá thuê đất bình quân trên địa bàn tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung một số tỉnh lân cận; việc phát triển các dự án hạ tầng xã hội trong KCN chậm được triển khai; năng lực, kinh nghiệm của một số chủ đầu tư hạ tầng KCN trên địa bàn còn hạn chế... khiến tính cạnh tranh, sức hấp dẫn vào các KCN bị giảm dần...

Quán triệt quan điểm, mục tiêu Vĩnh Phúc phát triển công nghiệp bền vững, không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu phát triển kinh tế, với định hướng ưu tiên thu hút các nhà đầu tư xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng KCN có tiềm lực tài chính, có kinh nghiệm; thu hút thành công các dự án lớn, nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương. Theo đó, trong thời gian sớm nhất phải tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về công tác BT-GPMB, bố trí tái định cư, công tác quy hoạch, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, các dự án điện, đào tạo nhân lực chất lượng cao; triển khai hiệu quả các chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào tỉnh. Đồng thời, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm hỗ trợ xây dựng mô hình KCN mới, hỗ trợ, xây dựng luật về KCN, khu kinh tế...

Vĩnh Phúc tạo mọi điều kiện thuận lợi để sớm triển khai Dự án Khu đô thị phức hợp giáo dục quốc tế Singapore

Chiều 3/10, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông,  có buổi tiếp và làm việc với ông Tan Teck Yong, Chủ tịch Tập đoàn Giáo dục quốc tế KinderWorld đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển Dự án Khu đô thị phức hợp giáo dục tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ông Tan Teck Yong, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Tập đoàn mong muốn được đầu tư phát triển Dự án Khu đô thị phức hợp giáo dục quốc tế với diện tích 50 ha, gồm 9 hạng mục: Trường liên cấp quốc tế Singapore (từ mẫu giáo đến hết phổ thông trung học); Trường Cao đẳng quốc tế Pegasus; Trường Giáo dục kỹ năng sống Outward Bound Việt Nam; khu nhà ở, biệt thự liền kề; khu nhà Shophouse; trung tâm thương mại; công viên công nghệ, khu Văn phòng Smart - Hub; phòng khám, trung tâm y tế; công viên trung tâm. Với chương giáo dục và cơ sở giáo dục tiên tiến nhất, Tập đoàn Giáo dục quốc tế KinderWorld cam kết sẽ tạo ra một môi trường giáo dục quốc tế toàn diện, chất lượng hàng đầu cho học sinh. 

Khẳng định, tỉnh Vĩnh phúc luôn đặc biệt quan tâm đến đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông cho biết, trong những năm qua, chất lượng giáo dục của tỉnh luôn nằm trong top dẫn đầu cả nước, với nhiều học sinh tham gia và đạt các giải cao tại các sân chơi trí tuệ. Tỉnh cũng luôn chủ động trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, nhất là các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh số lượng cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa nhiều, nhất là cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Tỉnh Vĩnh Phúc luôn khuyến khích, quan tâm, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục. Do vậy, tỉnh ủng hộ đề xuất đầu tư phát triển Dự án Khu đô thị phức hợp giáo dục quốc tế Singapore. Đồng thời, giao Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh thành lập tổ công tác phối hợp với Tập đoàn Giáo dục quốc tế KinderWorld nghiên cứu, rà soát quy hoạch để tìm địa điểm phù hợp với đề xuất của Tập đoàn và tạo mọi điều kiện thuận lợi để Tập đoàn hoàn thiện các thủ tục đầu tư, sớm triển khai Dự án Khu đô thị phức hợp giáo dục quốc tế Singapore, góp phần nâng cao chất lượng, thúc đẩy sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà.

Lưu Hiệp
.
.
.