Quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Chủ Nhật, 01/01/2023, 06:19

Chuyện giải ngân vốn đầu tư công chậm không còn là chuyện mới, nhưng vẫn nhức nhối tính thời sự. Trong thời buổi kinh tế khó khăn, đẩy mạnh đầu tư công sẽ tạo động lực cho tăng trưởng, vì vậy các chuyên gia cho rằng, hãy quyết liệt vào cuộc ngay từ đầu năm để tạo động lực phát triển cho nền kinh tế. 

12 tháng giải ngân đạt trên 67% kế hoạch vốn

Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho biết, tỷ lệ ước giải ngân vốn đầu tư công 12 tháng năm 2022 đạt 67,27% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 75,11%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (77,30%). Trong đó, vốn trong nước đạt 77,74% (cùng kỳ năm 2021 đạt 83,66%), vốn nước ngoài đạt 33,65% (cùng kỳ năm 2021 đạt 26,77%).

cao_toc_bac-nam_11012022.jpg -0
Thúc đẩy đầu tư công để tạo động lực cho tăng trưởng.

Hiện có 12 bộ, cơ quan Trung ương và 17 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Tuy nhiên, vẫn còn 28 bộ, cơ quan Trung ương và 16 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 65%, trong đó có 17 bộ, cơ quan trung ương và 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 50% như: Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (trên 33%); Bộ Công Thương (trên 42%); TP. Hồ Chí Minh (trên 34%); Cao Bằng (trên 43%); Gia Lai (trên 47%)…

Với các dự án trọng điểm, tình hình cũng không mấy khá hơn. Đơn cử như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành có tổng mức đầu tư 22.856 tỷ đồng. Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước đến 19/12/2022, dự án đã giải ngân là 16.684,5 tỷ đồng, đạt 73% kế hoạch đã giao.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 -2020, hiện công tác giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn một số công trình hạ tầng kỹ thuật đang di dời. Lũy kế số vốn ngân sách nhà nước của dự án giải ngân đến thời điểm báo cáo là 44.618,2 tỷ đồng, đạt 91,9% tổng kế hoạch được giao; trong đó thuộc kế hoạch năm 2022 là 12.815,3 tỷ đồng, đạt 79,9% kế hoạch năm 2022 được giao. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 có tổng kế hoạch 119.644,586 tỷ đồng. Tổng số vốn đã giải ngân đến thời điểm báo cáo là 5.855,8 tỷ đồng, đạt 61,5% kế hoạch năm 2022 của dự án...

Như vậy, dù kỳ vọng lấy giải ngân vốn đầu tư công làm "đòn bẩy" phục hồi nền kinh tế sau đại dịch, song tiến độ giải ngân vốn đầu tư vẫn đang rất chậm. Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), vướng mắc lớn nhất là ở khâu tổ chức thực hiện. "Lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm tới giải ngân đầu tư công, Thủ tướng đã lập 6 đoàn công tác, đi khảo sát thực tế một số địa phương để đôn đốc. Qua các buổi làm việc cho thấy, có nơi 6 tháng vẫn có danh mục giải ngân bằng 0. Vấn đề không hẳn ở cơ chế chính sách mà còn do khâu tổ chức thực hiện, cùng một cơ chế, có nhóm bộ, ngành, địa phương giải ngân rất tốt, nhưng lại có nhóm rất chậm", ông Dương Bá Đức nói.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho rằng có nhiều nguyên nhân làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, trong đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân tồn tại trong nhiều năm, có những nguyên nhân mang tính đặc thù của từng năm kế hoạch. Bộ KH&ĐT đã báo cáo, tổng hợp 3 nhóm nguyên nhân chủ yếu, đó là nhóm thể chế, chính sách pháp luật; nhóm khó khăn liên quan đến tổ chức, triển khai thực hiện; nhóm khó khăn liên quan đến những đặc thù của năm 2022…

Phải "tiêu tiền" ngay từ đầu năm

Năm 2023, tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về chính trị, an ninh, kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đó, khơi thông nguồn lực, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công có vai trò hết sức quan trọng, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các bộ, ngành, địa phương, góp phần phát triển nhanh và bền vững. Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu  tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Cùng với đó, làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và tính khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. "Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công" - ông Phương nhấn mạnh.

Trong khi đó, Bộ Tài chính cho biết mặc dù đã có quy định về cơ chế phối hợp trong tổng hợp báo cáo số liệu giải ngân, song chế tài xử lý các đơn vị chưa thực hiện đúng quy chế phối hợp trong quá trình triển khai còn chưa cụ thể, chưa xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan trong việc đảm bảo về chất lượng, thời gian hoàn thành công tác tổng hợp báo cáo. Bởi vậy, một trong các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2023 được Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính đưa ra là yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê, cập nhật kịp thời tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023…

Hà An
.
.
.